Chuyện trò kiểu... 2 giây
Các Website khác - 25/12/2005

Soạn: AM 658987 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nói chuyện... 2 giây là cách tiết kiệm của giới trẻ.

Nhanh như cắt, họ cùng "con dế" của mình làm nên những cuộc gọi "chui" thật tài tình, điệu nghệ. Mốt điện thoại nói chuyện 2 giây ra đời và đang ngày càng thịnh hành, hữu dụng lại hết sức tiết kiệm trong giới trẻ, đặc biệt là giới sinh viên hiện nay.

Mọi chuyện đều có thể... 2 giây!

Tối nào cũng vậy, khoảng 19, 20h, T. - sinh viên (SV) Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM đều dành 1 hoặc 2 tiếng đồng hồ để nói chuyện như một cách thư giãn sau một ngày học hành, làm việc căng thẳng.

Cô nói đủ thứ chuyện, từ việc rủ một anh bạn chơi thân hồi còn học phổ thông cùng xem một bộ phim hay đang chiếu trên ti vi đến tâm sự những chuyện buồn vui trong ngày.

Lạ lùng ở chỗ, tuy không ở chung với nhau nhưng T. vẫn có thể nói chuyện với những người bạn mà hằng ngày cô không có cơ hội để gặp mặt. Bởi rất đơn giản, T. đang trò chuyện bằng những cuộc điện thoại... 2 giây!

"Nhóm mày đọc băng chưa?" (cúp máy) - "Rồi, mà sao?" (cúp máy) - "Cô dặn mai 2h lên dựng băng" (cúp máy) - "OK, cảm ơn" (cúp máy). Đây cũng là một cuộc chuyện trò kiểu 2 giây nhưng rất... công việc giữa hai SV lớp báo chí về một môn học thực hành quay phim.

Thông thường, để truyền tải những nội dung ngắn ngủi như vậy họ phải mất từ 1.000 - 2.000 đồng nhưng nhờ cách này hai cô bạn đó đã tiết kiệm được một khoản nho nhỏ.

Trong một quán cơm tấm, tôi vô tình được biết một cuộc trò chuyện thú vị cũng theo kiểu 2 giây khác: "Ăn cơm gì mày?" (cúp máy) - "Có gì?" (cúp máy) - "Gà, sườn, bì" (cúp máy) - "Gà đi" (cúp máy) - "Cơm thêm không?" (cúp máy) - "Không, khỏi" (cúp máy).

Chuyện là một anh chàng phải đi mua cơm hộp cho mình và bạn nhưng ra đến quán mới sực nhớ ra chưa hỏi người bạn ăn cơm gì. Chạy về thì mất công, nhắn tin thì uổng tiền. Vậy là, nhá máy muôn năm!

Một lần khác, trong giờ học của một lớp học, những cuộc gọi 2 giây tỏ ra vô cùng hiệu nghiệm khi nhờ nó mà cả chục anh chàng SV đã được "cứu bồ" khỏi cái lệnh cấm thi của giảng viên.

Vốn là giờ học đầu tiên của buổi sáng, lại đang giữa mùa ôn thi, nhiều SV vì thức khuya nên sáng ra thường dậy muộn và đến lớp trễ. Đột nhiên giảng viên đòi cho làm bài kiểm tra để điểm danh.

Một anh bạn nhìn quanh không thấy bóng dáng mấy chiến hữu của mình đâu. Ngay tắp lự, anh chàng rút điện thoại ra, cúi thấp đầu xuống mặt bàn và bắt đầu hàng chục cuộc điện thoại 2 giây vô cùng ngắn gọn.

"Lên học mày" (cúp máy) - "Thầy kiểm tra điểm danh" (cúp máy). "Lên liền đi" (cúp máy). Và dĩ nhiên, chưa đầy mấy phút sau, cả lớp được một phen ngạc nhiên khi thấy 5, 7 anh chàng lũ lượt rủ nhau cùng xuất hiện một lúc.

Nghệ thuật nháy máy 2 giây

Nháy máy 2 giây là chuyện quá bình thường trong giới trẻ, đặc biệt là giới SV hiện nay. Tuy nhiên, trong vòng 2 giây có thể nói hết ba câu hoàn chỉnh: "Lát nữa tao mới về nhà. Ăn cơm trước đi. Có chi chờ tao một xíu cũng được!" như anh chàng N. thì không phải bạn trẻ nào cũng làm được.

Để có thể thực hiện hàng trăm cuộc gọi và trò chuyện hàng tiếng đồng hồ, cả người gọi và người nghe phải có sự phối hợp ăn ý với nhau. Đặc biệt, người gọi phải luôn chủ động và tỉnh táo để bấm phím ngắt cuộc gọi đúng lúc, đảm bảo thời gian gọi không quá 2 giây, nếu không sẽ bị tính tiền cước. Và như thế, không còn gì gọi là tiết kiệm và thú vị cả.

Những người mới bắt đầu với trò chơi nhá máy, phần đông sẽ thấy rất khó chịu và hay có thói quen nói "alô" ngay khi vừa nhấc máy hoặc lo sợ cuộc gọi quá thời gian cho phép mà vội vàng bấm phím ngắt cuộc gọi khi chưa nói và nghe được gì.

Dần dà, khi đã quen, họ hiểu ra một quy luật bất thành văn của trò chơi là cần phải "súc tích, ngắn gọn" và "hoặc nói, hoặc nghe". Nghĩa là, vì cuộc gọi chỉ diễn ra rất ngắn ngủi nên mọi câu đối thoại thông thường phải được giản lược đến mức tối đa, và trong mỗi lần nghe hoặc gọi không thể hai người cùng nói nên phải một người nói, một người nghe cho tới khi một người truyền đạt hết thông tin thì người kia mới được nói tiếp.

Đối với những máy điện thoại không hiển thị thời gian cuộc gọi thì việc nhá máy kiểu này là tương đối khó khăn. Rất nhiều anh chàng, cô nàng vì sợ không kiểm soát được số giây gọi nên để ngay màn hình điện thoại trước mặt, miệng áp sát loa nói và cứ thế nói cho vừa đúng 2 giây.

Vấn đề trở nên dễ dàng hơn nhiều đối với những loại điện thoại có tai nghe dây hoặc bluetooth. Tuy nhiên, những "trùm nhá máy" đôi khi cũng gặp "tai nạn nghề nghiệp" vì một trong hai người quá... ham nói hoặc bị người nghe cố tình phá bằng cách nhấc máy nhưng giữ tuyệt đối im lặng, làm người gọi có tâm lý vẫn chờ chuông đổ.

Hậu quả của những vụ "lố" như vậy là những cái nhăn mặt hoặc vài tiếng càu nhàu hay đơn giản hơn là: "Nào chúng mình cùng... cười!".

Mang tiếng tiết kiệm pha chút nghịch ngợm nhưng thực tế hiệu quả của kiểu chuyện trò 2 giây không chỉ có vậy. T. và V. là bạn thân từ thời còn học cấp 2, tuy học xa nhau nhưng nhờ những buổi tối nhá máy nói chuyện kiểu 2 giây mà T. luôn biết mọi chuyện từ nhỏ đến lớn ở quê, còn V. thì luôn hiểu và chia sẻ những khó khăn cùng bạn mình.

Hay như A. và T.V bắt đầu quen nhau qua những tin nhắn giới thiệu của bạn bè, rồi dần dần thân nhau bằng chính bởi những cuộc điện thoại "siêu ngắn".

Dường như mọi khoảng cách cũng như mọi khoảnh khắc của cuộc sống đã được những con người trẻ tuổi khỏa lấp và sẻ chia một cách ngoạn mục, sáng tạo chỉ trong vòng... 2 giây!

(Theo Thanh niên)