Dựng cơ nghiệp từ... đôi tay bằng sắt
Các Website khác - 07/09/2005
Ba lần tính nhảy lầu tự tử vì bi quan cho thân hình bị bom nổ chỉ còn một chân, nhưng rồi Nguyễn Đức Vệ, sinh năm 1972, ở xã Quảng Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình) - đã không làm như thế. Anh gắng sống, gắng bước tới và đã lập nên một cơ nghiệp...
Những ngày nước mắt

Xã Quảng Đông nằm dưới chân đèo Ngang, từng được coi là xã nghèo nhất tỉnh. Cái nghèo đeo đẳng người dân dài đến nỗi ai cũng bảo do xã nằm dưới đèo Ngang nên bị “yểm”, vì đèo Ngang là “đang nghèo” mà. Nhà Vệ cũng như nhiều gia đình khác cùng cảnh: cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Cây lúa, cây khoai trên đất cằn sỏi đá năm nào được mùa cũng chỉ cho cả nhà gần chục miệng ăn no được vài tháng. Ba Vệ là ông Nguyễn Đức Gia bị mù vì bom Mỹ năm 1972 trong khi tham gia phục vụ chiến dịch bốc hàng hóa cho chiến trường ở khu trung chuyển Hòn La. Lớn lên trong gian khó đã cho Vệ sự chịu thương chịu khó cần cù làm ăn. Dành dụm được ít tiền, năm 1991 Vệ lấy vợ. Tháng 8-1992 vợ anh sinh một cậu con trai kháu khỉnh. Hạnh phúc đến với gia đình nghèo của anh tưởng như là bất tận.

Nhưng một ngày định mệnh trong tháng 2-1993 đã tới. Khi Vệ đang bới tìm sắt phế liệu trong đất vườn nhà để bán thì đụng bom bi. Trái bom quái ác ấy nổ tung, tiện đứt hẳn hai cánh tay và chân trái của Vệ. Đó là những ngày đầy nước mắt của Vệ. Khi ngồi dậy được, ông Gia và mấy anh em đưa Vệ ra hành lang bệnh viện ngắm nhìn xung quanh. Thấy mọi người đi lại, nói cười, Vệ buồn và toan tính: không còn gì nữa để sống... Và lần thứ nhất, Vệ chồm từ xe lăn qua lan can tầng bốn của bệnh viện. Ông Gia kéo lại được vào xe, đẩy thẳng một mạch vào phòng. Lần thứ hai, Vệ đòi đẩy xe ra ngoài dạo chơi và cũng định liều mạng. Rồi lần thứ ba... Ông Gia còn nhớ: “Tui nói với hắn là bị rứa nhưng vẫn sống được mới... tài, chớ muốn chết thì quá dễ đi. Mi còn con trai đó, đã hết cả mô mà mi chết! Cả bệnh viện thấy hắn rứa nên ai cũng tới, bày cờ ra chơi cả đêm cho hắn khuây khỏa”. Vệ cười, tỏ ý ngượng, nói: “Ở bệnh viện lúc nớ tui cứ nghĩ phận mình, rồi khóc ngày... mười lăm lần, tưởng hết nước mắt luôn”.

Sau bảy tháng điều trị tại bệnh viện, cái chết qua đi, Vệ đã yên tâm chịu sống, tươi cười trở về nhà với đứa con trai và người vợ trẻ. Niềm vui sống chưa được hưởng bao lâu thì nỗi đau tinh thần lại ập đến. Tháng 2-1994, vợ anh có lẽ không chịu được gia cảnh quá đỗi ngặt nghèo nên đã bỏ con lại và ra đi không một lời từ biệt. Từ ngày ở bệnh viện về Vệ chỉ khóc được hai lần: lúc biết tin vợ bỏ đi và lúc ôm con khóc ngằn ngặt vì đói sữa bằng đôi cánh tay cụt lên đến khuỷu.

Còn mầm thì nảy cây


Anh Vệ cùng thợ nhà kiểm tra chi tiết tiện
chuẩn bị lắp cho ô-tô.

Trong căn nhà khá khang trang của Vệ sát bên quốc lộ 1A, ông Gia nói: “Ngày mô tui cũng động viên hắn: người ta có câu ca còn da thì lông mọc, còn mầm thì nảy cây... huống hồ chi mi còn sống thì lo chi mà không sống được. Hắn nghe tui, nghe bà con, rứa là gượng dậy lao vô mần ăn”. Vệ nói trong bồi hồi: “Những ngày đầu bị cụt cám cảnh lắm. Tui phải nhờ ba mạ, anh em nuôi con giùm. Lúc nớ tiền không, nhà không, chỉ có túp lều ở tạm. Rồi tui nghĩ: không quyết mần việc mà sống thì ai nuôi cho mãi!”. Vệ tìm người quen mượn tiền làm ăn. Bà con họ hàng thân thích góp lại cho Vệ mượn được 500.000 đồng để Vệ đi buôn bán. Nhưng muốn buôn bán thì phải đi lại được cái đã.

Cụt một chân mà có tay thì đi được bằng nạng. Nhưng cụt cả hai tay nữa thì làm sao. Vệ đã nghĩ ra cách... làm tay cho mình. Anh lấy hai ống nhôm mà cùi tay cụt đút vô được, uốn cong lại rồi cưa một rãnh để tì cố định vào nạng gỗ mà hất nạng đi. Thế là từ cuối năm 1994, ở xã Quảng Đông hằng ngày mọi người vẫn thấy Vệ với đôi nạng gỗ và hai cánh-tay-ống-nhôm lọc cọc trên đường nhựa, hay thuê xe ôm với bọc hàng mua được đeo toòng teng trên lưng về nhà ngồi bán. Hàng hóa của Vệ lúc này linh tinh đủ thứ như bông đót (làm chổi), củi, thuốc tây, thuốc lá... Cái gì kiếm được vài đồng là buôn tất.

Mãi đến đầu năm 1996 anh được một tổ chức ở Mỹ lắp tặng một đôi tay sắt. Vệ bồi hồi: “Có hai cái tay sắt tui như bắt được vàng. Buổi đầu về cầm cái chén đưa lên miệng uống nước được, tui reo lên: sống tốt rồi! Tui reo to đến nỗi thằng con giật bắn người, khóc ré”. Từ khi có tay giả, Vệ nảy ra “tham vọng”: buôn to hơn, nhưng không biết buôn cái gì. Sau Vệ liều lên ngân hàng vay tiền, rồi mượn thêm bạn bè, bà con mua một chiếc xe công nông. Không lái được, Vệ thuê người lái, còn mình đi kèm... làm lơ. Đến năm 1998 có được một số vốn, Vệ đầu tư mở xưởng cơ khí, sửa chữa ôtô nhỏ tại nhà, thuê người về làm. Không làm được bằng tay, Vệ tìm sách học, tìm tới các cơ sở khác ngồi xem người ta làm rồi cố nhập tâm để biết nghề. Ngày ngày với đôi tay sắt lóng ngóng không... mặc nổi chiếc quần, Vệ cùng anh em thợ trằn lưng với xưởng. Được cái sáng dạ nên tuy thực hành không được nhưng Vệ cũng nhớ được nghề để bảo ban thêm cho anh em. Thế là anh “Vệ cụt” từng muốn nhảy lầu tự tử vì bi quan số phận ngày nào, nay đã trở thành ông chủ được nhiều nhà xe tín nhiệm tới giao xe cho sửa chữa.

Vốn đẻ vốn, đến năm 2003 trong tay Vệ đã có thêm số tài sản gồm ba ôtô vận tải, xưởng sản xuất vật liệu xây dựng, một cơ sở khai thác đá với 20 công nhân làm việc thường xuyên. Vệ còn cho biết: “Còn ít người biết là tui đã từng nhận được công trình ở hầm đường bộ qua đèo Ngang. Tui ra nhận thầu mần, thấy tui ai cũng lắc đầu vì lạ... Rứa mà tui nhận được hạng mục xây cống và mái bạt taluy ở hai đầu cửa hầm với tổng trị giá tới 400 triệu đồng”. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, người xã Kỳ Nam, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, mới lấy Vệ từ tháng 2-2005, thì mách: “Nhà em còn đầu tư trên 50 triệu đồng trồng 5ha rừng cây bạch đàn, trầm gió, tràm nữa đó, vài năm nữa chặt bán được rồi”. Vệ nguýt yêu vợ một cái, nói: “Chưa khảo đã xưng hết. Nhưng cũng báo cáo bác, nay em có trong tay ngót nghét... nửa tỷ rồi”.

Ông Gia nói: “Có lúc tui thấy hắn nằm vắt tay lên trán suy nghĩ tợn lắm, tui nói: mi bán hết đi lấy tiền gởi vô ngân hàng mà ngồi chơi, mần chi nữa cho khổ. Hắn nói là đang tính mần ăn nữa...”. Vệ thổ lộ: “Sống để mà sống thì quá dễ. Bởi vì người què cụt như tui ri, xã hội bây chừ không ai để mình phải chết cả. Nhưng sống mà tự mình vươn lên mới là sống. Tui đang tìm cách mở lớp dạy nghề cơ khí, sửa chữa ôtô cho người tàn tật để họ giống như tui, không ai bi quan với cuộc sống hết”.

Theo Tuổi trẻ