Gần 60.000 dân Hà Nam phập phồng lo thiếu nước
Các Website khác - 23/03/2006

Nước ngầm bị nhiễm mặn, không thể khai thác, gần 60.000 dân của thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, trông chờ vào nguồn nước duy nhất từ 2 nhà máy số 1 và 2, vốn khai thác nước từ sông Nhuệ và Đáy. Tuy nhiên, vào mùa cạn, hai sông này bị ô nhiễm nghiêm trọng, các nhà máy đã phải ngưng hoạt động.

Ông Lại Thanh Tuyên, Phó giám đốc Công ty Cấp nước Hà Nam, cho biết, tình trạng sông ô nhiễm, thị xã thiếu nước sinh hoạt bắt đầu từ năm 2001 và ngày càng trầm trọng. Gần đây nhất là cuối tháng 10/2005 và từ 9/11 đến 14/12, nước sông Nhuệ, Đáy đen kịt, bốc mùi hôi thối. Nhà máy nước số 1 nằm tại xã Phù Vân (cách ngã ba sông Nhuệ - Đáy) khoảng 400 m về phía thượng lưu với công suất 10.000 m3 một ngày đêm đã phải đóng cửa. Nhà máy nước số 2 nằm tại xã Thanh Sơn (cách nhà máy số 1 khoảng 4 km) với công suất 15.000 m3 một ngày đêm cũng tê liệt.

Tại đập Thanh Liệt, mỗi ngày đêm có ít nhất 500.000 m3 nước thải bẩn như thế này từ nhánh sông Tô Lịch đổ vào sông Nhuệ. (Viện Quy hoạch Thủy lợi)

Cả thị xã nhốn nháo vì thiếu nước, mọi sinh hoạt đảo lộn. Một thau nước phải tận dụng tới 4 lần từ rửa mặt, rửa rau, rửa bát và cuối cùng là rửa chuồng lợn. "Gia đình tôi không đến nỗi như vậy, nhưng cũng phải mang quần áo đến giếng khơi của Ngân hàng tỉnh để giặt nhờ. Khổ thể này, chắc có lẽ người dân Hà Nam phải di chuyển đến đầu nguồn sông Nhuệ, sông Đáy mà sống thôi", ông Tuyên cười như mếu nói. Trước đó, vào trung tuần tháng 11/2003, chỉ qua một đêm ngủ dậy, người dân xã Châu Giang, thị xã Phủ Lý bàng hoàng khi cá chết nổi trắng mặt sông Nhuệ. Các hộ nuôi cá lồng thì phá sản.

Từ đầu năm tới nay, đặc biệt sau đợt xả nước hồ Hòa Bình phục vụ đổ ải (sau ngày 15/2), mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội thường xuyên dao động 1,6-1,8 m, 2 nhà máy nước hoạt động trở lại, bà con đã thở phào.

"Nhưng sông Nhuệ hứng nước thải của Hà Nội, Hà Tây, trải qua quá trình tự làm sạch, khi về tới Hà Nam vẫn bẩn. Thi thoảng vẫn có dòng nước đen xen lẫn", ông Tuyên lo lắng. Vào mùa nước cạn (từ tháng 11 của năm trước đến tháng 3 năm sau), chi phí để xử lý nước sông Nhuệ và Đáy thành nước sinh hoạt đã cao gấp 3-4 lần so với bình thường.

Con sông ô nhiễm nhất miền Bắc

Sông Nhuệ dài 74 km, chạy qua 3 tỉnh phố gồm Hà Nội, Hà Tây và Hà Nam. Trừ đoạn đầu tiên từ cống Liên Mạc đến thị trấn Cầu Diễn, Hà Nội, nước sông tương đối sạch, còn lại đều ô nhiễm. Theo quan sát của VnExpress, tại đoạn chảy qua đập Hà Đông (thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây), dòng nước đen kịt, vài đám bèo trôi lờ đờ. Thỉnh thoảng hai bên bờ lại xuất hiện một rạch nước đen ngòm với rất nhiều rác chảy ra. Không hề thấy sự xuất hiện của tôm cá, thứ duy nhất sống được trên dòng nước này là đám bèo Nhật Bản.

Vậy nhưng hai bên bờ, các hộ dân vẫn sinh sống, buôn bán bình thường. Đám trẻ vô tư đá bóng ngay dưới khoảnh đất ven sông. "Chúng tôi không biết ô nhiễm, nhưng giữa nơi đất chật người đông thế này, muốn chuyển đi không được. Hy vọng mùa sông Hồng lên cao, mở cống Liên Mạc để hòa loãng nước sông Nhuệ, giảm ô nhiễm", một người dân sống ngay sát đập Hà Đông, giải thích. Đó cũng là tâm trạng của hàng chục nghìn gia đình sống ven sông Nhuệ. Chính họ đã thải rác, nước bẩn ra sông, song cũng hứng chịu trực tiếp sự ô nhiễm của dòng sông này.

Nước từ sông Nhuệ trắng bọt xà phòng. Có lúc, cột bọt phủ đầy trạm bơm Chợ Lương. (Viện Quy hoạch Thủy lợi)

Từng theo dõi mức độ ô nhiễm sông Nhuệ từ năm 1993 đến nay, ông Trịnh Xuân Hoàng, Phó phòng Quy hoạch Môi trường nước, Viện Quy hoạch Thủy lợi, cho hay đoạn từ đập Hà Đông đến cầu Tó (xã Hữu Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Tây) chỉ là ô nhiễm nhẹ. Nghiêm trọng nhất phải là 20 km từ cầu Tó đến cầu Xém vì đoạn này sông vừa tiếp nhận nước sông Tô Lịch qua đập Thanh Liệt. Kết quả phân tích mẫu nước vào tháng 2/2005 cho thấy, các chỉ số đều vượt giới hạn tiêu chuẩn B của chất lượng nước mặt dùng cho tưới tiêu. Hàm lượng ôxy hòa tan trong nước chỉ đạt 0,65 mg/l, trong khi tiêu chuẩn B phải là lớn hơn hoặc bằng 2 mg/l.

Đặc biệt, hàm lượng coliform (chất có trong phân) lên tới 330.000 MPN/100 ml, gấp 33 lần giới hạn nước dành cho nước tưới tiêu. Theo ông Hoàng, xét về nồng độ, độ dài sông bị ô nhiễm, sông Nhuệ là bẩn nhất miền Bắc. Hiện chưa có nghiên cứu nào về sự ảnh hưởng của nước sông Nhuệ tới vùng cây trồng trong lưu vực này, đặc biệt là trong mùa cạn. "Tuy nhiên, với nguồn nước ô nhiễm như thế này thì không nên tưới. Bởi trước mắt, nguồn nước này vì chứa nhiều chất hữu cơ nên sẽ làm tốt cây. Nhưng lâu dài sẽ làm hỏng đất do tích lũy kim loại nặng, các hóa chất", ông Hoàng nói.

Sông Nhuệ - cái chết được báo trước

Từ thời Pháp thuộc, con sông này chỉ cung cấp nước tưới cho cả lưu vực rộng trên 81.000 ha. Nhưng lâu nay nó gánh thêm cả nhiệm vụ chứa nước thải sinh hoạt, công nghiệp của Hà Nội, Hà Tây và Hà Nam. Tại Hà Nội, 13 cụm công nghiệp lớn nhỏ, trong đó có cụm thải rất nhiều hóa chất độc hại như Minh Khai, Trương Định - Đuôi Cá, Văn Điển - Pháp Vân, Thượng Đình đều thi nhau đổ chất thải ra sông Lừ cùng gần 100 làng nghề thi nhau đổ nước thải ra sông Tô Lịch và kênh A1-17. Riêng sông Tô Lịch mỗi ngày đêm "đóng góp "cho sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt không dưới 500.000 m3 nước thải đen kịt, đặc sệt.

Tại Hà Tây, bà Đào Anh Điệp, Phó phòng Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh cho biết, bức xúc nhất hiện nay là nước thải của làng nghề. Hà Tây có tới hơn 1.000 làng có nghề, trong đó duy nhất làng cơ khí Phùng Xá, Thạch Thất, đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải, còn lại vô tư đổ ra sông.

Việc các cụm công nghiệp, người dân vô tư xả nước thải ra môi trường đang biến sông Nhuệ thành dòng sông chết.

Như Trang