Chậm thiết bị, thày trò đều thiệt. Ảnh: Anh Tuấn |
Nửa tháng sau ngày khai giảng, nhiều trường học ở Hà Nội vẫn phải dạy 'chay' do chưa có thiết bị giáo dục. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư cho đổi mới thiết bị giáo dục lớp 4 và lớp 9 đang mất dần hiệu quả.
Năm học 2005-2006, Bộ GD&ĐT triển khai đại trà chương trình giáo dục lớp 4 và lớp 9 cải cách. Việc đổi mới giáo dục sẽ tiến hành đồng bộ từ sách giáo khoa, thiết bị dạy học đến phương pháp giảng dạy của giáo viên...
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Vọng, một trong những ưu điểm của chương trình mới là tăng kỹ năng thực hành thông qua việc sử dụng thiết bị dạy học. Thế nhưng, năm học đã bắt đầu, sách giáo khoa đã đủ, thày trò cũng sẵn sàng, duy chỉ có thiết bị giáo dục là không thấy.
Cung ứng thiết bị vẫn ì ạch sau 4 năm cải cách
Là một trường chuẩn quốc gia, nằm giữa trung tâm Hà Nội, nhưng ngày khai giảng, thày trò THCS Phan Chu Trinh vẫn dài cổ chờ thiết bị. Theo Hiệu phó Nghiêm Xuân Khôi, đến sáng nay, một số thiết bị thí nghiệm vẫn chưa đến nơi. Trong những tuần học đầu tiên, tất cả thí nghiệm Hóa, Lý, Sinh đều phải tiến hành trên máy vi tính hoặc thày, cô mô tả qua... miệng.
"Chương trình sách giáo khoa mới gắn chặt với thiết bị dạy học, hầu như bài học nào cũng phải dùng thiết bị giáo dục. Học sinh không chỉ được nghe thày mô tả thí nghiệm mà còn trực tiếp làm thí nghiệm. Khả năng lĩnh hội của học sinh chuyển từ thụ động sang chủ động, tai nghe, tay làm. Không có thiết bị, thày trò lại trở về phương pháp cũ", thày Khôi nói.
Năm học này, tổng kinh phí mua sắm thiết bị dạy học của tỉnh Hòa Bình lên tới gần 17 tỷ đồng. Thế nhưng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Lợi cho hay, phải đến cuối tháng, may ra mới có thiết bị dạy học. Nguyên nhân là do thủ tục đấu thầu dưới cơ sở chậm. Những ngày đầu năm, học sinh lớp 4 và 9 đành ngậm ngùi học chay.
Tại tỉnh Hưng Yên, mặc dù chỉ cách nơi cung cấp thiết bị - Hà Nội - vài chục km nhưng tình hình cũng không khá hơn. Đến nay, một số mẫu thiết bị vẫn chưa đến người dạy, người học. Những mẫu thiết bị đã có cũng chưa thể sử dụng vì giáo viên chưa được tập huấn. Theo Sở GD&ĐT Hưng Yên việc tập huấn sẽ diễn ra trong tháng 9.
Còn tại phía Nam, Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long Nguyễn Văn Quang cho hay, các trường trong tỉnh mới chỉ nhận được tranh ảnh, bản đồ phục vụ năm mới. Các dụng cụ thí nghiệm, mô hình giảng dạy thì phải chờ đến cuối tháng 9.
Trao đổi với VnExpress, Phó thanh tra Bộ GD&ĐT Trần Bá Giao cho hay, đoàn kiểm tra của Bộ vừa đi kiểm tra công tác thiết bị giáo dục tại các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... Kiểm tra tỉnh nào cũng thấy chậm tiến độ.
Chất lượng kém vì thiếu thời gian
Mới sử dụng 2 năm nhưng thiết bị dạy học tại nhiều trường đã bắt đầu hỏng hóc. Tại trường THCS Phan Chu Trinh (Hà Nội) các giá chân đồ thí nghiệm phần lớn đã long chân. Lò xo các dụng cụ thí nghiệm Vật lý đã mất đàn hồi, không còn độ chính xác. Chất lượng kém, cộng với ảnh hưởng của thời tiết, một số thiết bị thí nghiệm điện cũng đành xếp xó. Hiệu phó trường Nghiêm Xuân Khôi cho biết, trong báo cáo giảng dạy của giáo viên năm học trước, phần lớn đều bức xúc với chất lượng thiết bị.
Theo quy định, một bộ thiết bị dạy học ra đời phải qua các khâu: xây dựng danh mục thiết bị, chuẩn bị mẫu, thử nghiệm, sản xuất đồng loạt, cung ứng, sử dụng bảo quản. Quá trình từ khi nhận mẫu đến sản xuất thử nghiệm, sản xuất đồng bộ phải mất tháng rưỡi. Sau khi sản xuất xong, các công ty này còn phải chào hàng, cung ứng cho các sở giáo dục. Khoảng thời gian này cũng mất hằng tháng.
Theo Bộ GD&ĐT, năm học 2005-2006, số bộ thiết bị lớp 4 cần trang bị là 49.565 bộ, của lớp 9 là 12.475 bộ. Tổng nhu cầu kinh phí mua sắm thiết bị giáo dục năm học này là 1.067 tỷ đồng, trong đó lớp 4 cần 603,3 tỷ đồng, lớp 9 cần 464,2 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước cấp là 745 tỷ đồng. |
Để kịp cung ứng thiết bị cho các địa phương, các doanh nghiệp phải bắt tay sản xuất hàng từ tháng 5-6. Thế nhưng tại thời điểm đó, các doanh nghiệp vẫn chưa biết mình có được lựa chọn làm nhà cung ứng thiết bị cho các địa phương hay không. Kết quả, họ đành "án binh bất động".
Theo một lãnh đạo Công ty thiết bị trường học - khuyến học, thì đang có nghịch lý là đầu hè các doanh nghiệp ngồi chơi. Đến gần ngày khai giảng, các Sở GD&ĐT đổ xô đến ký hợp đồng, doanh nghiệp làm hết công suất cũng không thể cung cấp hàng đúng hạn. "Tình trạng sản xuất ẩu, thu gom thiết bị của các đơn vị khác là điều khó tránh khỏi" một cán bộ giáo dục nhận xét.
Hiện, Bộ GD&ĐT giao việc kiểm tra, giám sát chất lượng thiết bị cho các sở. Bộ không lập đoàn kiểm tra năng lực thực tế của các doanh nghiệp cung ứng thiết bị. Những năm học trước, đã xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp không có khả năng sản xuất cũng đăng ký cung cấp thiết bị và được Bộ GD&ĐT cấp "quota". Sau đó, các doanh nghiệp này bán quota để hưởng phần trăm. Điều này dẫn đến tình trạng mẫu mã đúng quy định, nhưng chất lượng hàng rất kém.
Theo một lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT, các thiết bị đều là mặt hàng mới, để kiểm tra chất lượng rất khó cần có chuyên môn về thiết bị. Thế nhưng, tại nhiều địa phương, việc mua bán thiết bị được khoán cho các trường. Thời gian mua bán chậm, giao hàng cập rập, cán bộ thiếu chuyên môn nên các sản phẩm kém chất lượng dễ dàng lọt lưới.
Hàng tỷ đồng đầu tư chưa hiệu quả
"Ngành giáo dục nên xem lại công tác chuẩn bị đồ dùng dạy học, không thể tiếp tục ăn đong như hiện nay", Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam Trần Xuân Nhĩ bức xúc.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, tình trạng thiết bị dạy học chậm trễ, là do 3 nguyên nhân. Thứ nhất, việc biên soạn sách giáo khoa lớp 4 và 9 năm nay đã có tiến bộ so với những năm trước, nhưng vẫn khá chậm. Trong khi đó, phải dựa vào chương trình sách giáo khoa mới có thể đưa ra danh mục thiết bị.
Nguyên nhân thứ hai là do công tác xét duyệt cung ứng thiết bị quá phức tạp và kéo dài. Bộ GD&ĐT sẽ phát hành mẫu phiếu đăng ký tham dự duyệt mẫu cho các cơ sở sản xuất. Sau đó 10 ngày, các đơn vị này sẽ nộp hồ sơ về bộ và tiếp tục chờ 10 ngày nữa để lãnh đạo bộ phê duyệt. Như vậy, thời gian chuẩn bị thủ tục đến lúc được phê duyệt cũng mất gần 1 tháng.
Năm nay, đến giữa tháng 5, Bộ GD&ĐT mới phê duyệt danh mục và bộ mẫu thiết bị giáo dục. Ngày 21/6, Bộ Tài chính mới quyết định xong giá bộ mẫu thiết bị dạy học tối thiểu lớp 4 và 9. Căn cứ vào mẫu này, các địa phương mới tiến hành đấu thầu thiết bị. Thế nhưng, tiến độ đấu thầu của nhiều địa phương rất chậm, thụ động. Lý do là cán bộ trường quá ít kinh nghiệm về thủ tục đấu thầu, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
Bộ chậm trễ, lãnh đạo các trường thụ động, điệp khúc chậm thiết bị lại tái diễn 4 năm liên tiếp. Đầu năm học, thày không có thiết bị giảng dạy, đến khi thiết bị về thì đành chờ cho học sinh... năm sau.
Việt Anh
▪ Hội nghị cấp cao lần thứ hai giữa ASEAN và LHQ (14/09/2005)
▪ Cá ngựa... lừa (15/09/2005)
▪ Nhiều hộ dân “ tẩy chay” nước máy (15/09/2005)
▪ Sử dụng túi nylon: Dễ trước - khó sau (15/09/2005)
▪ Chấn chỉnh việc cung ứng và kinh doanh phân bón (15/09/2005)
▪ Giúp nông dân kiểm dịch con giống cá bống tượng (15/09/2005)
▪ Để việc tiêm phòng cúm gia cầm thật sự là “phao” cứu người chăn nuôi! (15/09/2005)
▪ Bộ đội biên phòng Quảng Nam giúp đồng bào dân tộc tạo dựng cuộc sống mới (16/09/2005)
▪ Bảo vệ Tổ quốc là lẽ sống cuộc đời (16/09/2005)
▪ Thương lắm, học sinh! (15/09/2005)