Trần Hòa Bình: 'Tôi tự tin chứ không cao ngạo'
Các Website khác - 28/12/2005

Trần Hòa Bình tự nhận mình là một thành viên của hội... đa đoan, nhưng "bất hạnh" hơn bởi đa tài và đa tình. Trong anh có cái nghiêm nghị của một thày giáo, sự cô đơn của một nhà thơ phiêu lãng dưới mùa thu, góc cạnh của những nét phác họa, và sự tỉnh táo, công minh của một Tầm Thư trả lời bạn đọc.

- Lâu nay, anh chỉ mải mê làm báo, dạy học nên thơ ca có vẻ trầm lắng. Anh đang nhen nhóm chuẩn bị bùng lên một ngọn lửa thơ gì vậy?

- Phải nói thật là tôi chưa bao giờ có ý định trở thành nhà thơ và cũng chưa bao giờ nhận mình là một nhà thơ. Tôi cứ làm tất cả những gì mà mình thích một cách bình đẳng và tự nhiên thôi, cho nên không “nhen nhóm” gì cả. Cái gì đến cứ đến.

- Anh viết bài thơ "Thêm một" thật giản dị. Động lực nào khiến anh có những tứ thơ hay như vậy?

- Nếu chúng ta vẫn bảo nhau chuyện thơ phú (và các sáng tạo nghệ thuật khác) còn là chuyện “giời cho” thì có lẽ bài thơ Thêm một nằm trong trường hợp đó. Tôi rời giảng đường vào một buổi sáng, đang thênh thênh trên con đường quen thuộc trở về nhà thì có một chiếc lá vàng thật đẹp rơi trúng đầu. Tôi ngẩng lên và sững sờ trước một vòm trời với những rặng cây lúc chuyển mùa. Trời ạ, mùa thu đến thật rồi mà sao mình chẳng biết! "Thêm một chiếc lá rụng/ Thế là thành mùa thu" - câu thơ đầu tiên bật ngay ra trong đầu cùng lúc hình thành một cái tứ. Trong khoảng 15 phút trên đường về tới nhà, tôi nhẩm xong bài thơ, sau đó chỉ việc chép lại và không sửa một chữ. Lúc đó tôi không hề nghĩ rằng bài thơ rồi sẽ được nhiều bạn đọc yêu thích. Đấy là trời cho chứ tôi chẳng có tài cán gì đâu.

- Các thi sĩ vẫn nói rằng, bài thơ hay nhất là bài thơ chưa viết. Với anh cái thời của "Thêm một" đã được gọi là "vang bóng" chưa hay chỉ là sự lóe sáng của một thời điểm mà thôi?

Nhà thơ Trần Hòa Bình. Ảnh: Công an nhân dân
- Tôi không nghĩ Thêm một là thời “vang bóng” của tôi, không phải tự ái mà nói thế đâu. Tôi làm thơ không nhiều và lại càng ít in nhưng vẫn có những bài tôi thấy thích hơn. Các bạn tôi cũng có nhận xét như vậy. Trong các tuyển tập thơ sau này tôi đều không chọn Thêm một. Nhưng “tai họa” là ở chỗ bài thơ đó đã trở nên nổi tiếng ngay từ khi tôi còn rất trẻ. Nó được in đi in lại trên các sách báo và được khai thác quá nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng khác, trở thành một sản phẩm đại chúng gắn liền với tên tôi. Việc đó đã mặc nhiên khiến mọi người nghĩ rằng tôi - chỉ có thế! Sau này tôi thường cười buồn mà đùa với các sinh viên văn chương và báo chí của tôi rằng, tốt hơn cả là các bạn không nên nổi tiếng sớm quá. Thiệt đủ đường.

- Anh là một người đàn ông lãng tử, đầy cao ngạo nhưng cũng có vẻ rất cô đơn. Anh nghĩ sao về nhận xét đó?

- Tôi là người tự tin chứ không phải kẻ cao ngạo. Tự tin vì tôi biết ở mình có gì chấp nhận được và có gì còn dớ dẩn trong con mắt mọi người. Nếu một người luôn tranh thủ thời gian để được phiêu dạt, thích tự do thoải mái, xa lạ với mọi sự trang trọng, không biết thắt cà vạt và chưa bao giờ mặc thời trang công sở kể cả khi đứng trên bục giảng - một người như thế được coi là lãng tử thì tôi đúng là như vậy.

- Những lúc buồn anh thường làm gì?

- Tôi phụ trách nội dung của một tạp chí mỗi tháng xuất bản 5 kỳ, tham gia công việc tương tự cho 2 tạp chí nữa, phụ trách 1 website và giữ chuyên mục thường kỳ cho 2 tuần báo. Tôi cũng đã vẽ hàng trăm bức minh họa và viết chung viết riêng khoảng hơn 20 đầu sách. Đó mới là “tay trái”, còn “tay phải” của tôi là giảng dạy, nghiên cứu, hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho sinh viên báo chí và làm giáo viên chủ nhiệm. Tôi là kẻ tham công tiếc việc, nhưng thực ra lúc lao đầu vào công việc lại chính là lúc thấy mình cô đơn nhất.

- Anh là người nổi tiếng sớm nhưng không ồn ào, không lên diễn đàn, không hay nói về mình mà lặng lẽ làm việc. Vì sao vậy?

- Người ta thường ồn ào là để gây chú ý, tôi là kẻ không có cái hăng hái gồng mình lên để tìm danh tiếng nên tôi ghét sự ồn ào. Nghề của tôi là nói về người khác, nói về họ còn chưa hết thì lấy đâu thời gian để nói về mình! Tôi nghiên cứu và giảng dạy môn “Lịch sử Báo chí”, thấy ngờm ngợp trước mắt toàn những tầm vóc tài năng và nhân cách, ngẫm bản thân thấy mình chỉ là... con kiến, nên đầy lòng e sợ. Trong hoàn cảnh đó, những lúc cực chẳng đã phải nói về mình thấy rất vô duyên.

- Là một nhà giáo, một nhà báo, một nhà thơ, một họa sĩ, vậy anh phân thân con người mình như thế nào để có được sự rạch ròi trong từng vai trò?

- Lúc tôi còn bé, đạo diễn Nông Ích Đạt là bạn của bố tôi có xem chỉ tay cho tôi. Bác ấy phán: “Thằng bé nhà ông sau này sẽ làm đủ trò nhưng chẳng cái gì ra cái gì cả”. Tôi nghĩ là ông “thầy bói” người Tày ấy đã đúng. Quả là tôi ôm đồm nhiều việc đòi hỏi những cách tư duy khác nhau và tôi cũng lấy làm lạ là tại sao mình lại không nhầm lẫn giữa chúng. Có lẽ do mình làm việc không ngừng nghỉ nên nó đã thành nếp và cũng bởi do mình biết sắp xếp thời gian một cách hợp lý nữa. Nhiều người tiếc cho tôi, giá chỉ tập trung vào một việc thì tốt hơn. Đúng, nhưng biết làm sao được, bỏ cái gì tôi cũng tiếc. Cái số tôi nó nhàn nhạt thế rồi!

- Anh là một thày giáo mà theo nhận xét là hào hoa nên nhiều sinh viên mê như điếu đổ. Với tình hình đó, anh sẽ xử sự với học trò như thày giáo hay như một người đàn ông?

- Cô nào mê bài giảng của thày rồi mới mê thày thì tôi sẽ xử sự như một người thày. Cô nào ngược lại, mê thày rồi mới thèm để ý đến bài giảng của thày thì tôi sẽ xử sự như một người đàn ông. À không, như một chàng trai (còn lâu tôi mới chịu già nhé!). Chà, cứ thế này thì chẳng biết bao giờ tôi mới lấy được vợ!

- Nói đến chuyện vợ con, một người có những trắc trở trong tình duyên lại đi tư vấn về những vấn đề thuộc lĩnh vực hôn nhân gia đình, có lúc nào anh chợt... chạnh lòng?

- Chạnh lòng? Tất nhiên rồi. Khi họ buồn đau thì mình là người trong cuộc với họ, khi họ tìm được niềm vui và hạnh phúc thì mình lại là kẻ đứng bên lề. Đó là cái trớ trêu nhất của “nghề” tư vấn tình cảm, nó càng cho thấy mình là kẻ vô duyên hơn bất cứ ai.

- Với tư cách là một thày giáo, một anh Tầm Thư phụ trách chuyên mục của tờ báo dành cho tuổi trẻ, anh nghĩ thế nào về vấn đề này?

- Vì tôi dạy ở bậc đại học nên tôi thấy việc này là tự nhiên và bình thường. Cuộc điều tra về “hình mẫu người chồng trong tương lai” mới đây ở Nhật Bản, có đến 90% các thiếu nữ Phù Tang được hỏi có mơ ước sẽ lấy một giảng viên đại học, còn các doanh nhân thì xếp xa ở phía dưới! Ở đâu và trong hoàn cảnh nào thì người thày vẫn được tôn vinh như một biểu tượng của niềm tin cậy và sự an lành. Chỉ có những người thày tự đánh mất tính biểu tượng ấy thôi, chứ cộng đồng thì không. Vậy thì nữ sinh viên nào đem lòng yêu thày giáo của mình sẽ là lẽ tự nhiên và là một lựa chọn thông minh chứ.

(Theo Công An Nhân Dân)