"Đến nay, mới có Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ bị xử lý khi cấp dưới tham nhũng. Còn vụ dầu khí, quota dệt may chưa thấy quy trách nhiệm người đứng đầu. Chúng ta đang giơ cao đánh khẽ với cán bộ cao cấp", đại biểu Lưu Thị Giang hâm nóng nghị trường Quốc hội, chiều 24/10.
Theo đại biểu Giang, các vụ việc tham nhũng thời gian qua, đáng chú ý có những cán bộ cao cấp như thứ trưởng, vụ phó hoặc cán bộ trong các ngành công an, tòa án... Để xảy ra các sai phạm này, cần phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đã không tổ chức tốt công tác phòng ngừa, chống tham nhũng.
Trong phần giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Vũ Đức Khiển cho biết, dự luật trình Quốc hội lần này đã xác định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu và cấp phó quản lý trực tiếp khi xảy ra tham nhũng. Trách nhiệm này chỉ được loại trừ khi họ không thể biết được tham nhũng hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn.
Theo ông Khiển, điều 56 của Luật phòng chống tham nhũng đã nêu rõ mức xử lý trách nhiệm người đứng đầu, tùy theo mức độ sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Để có cơ sở xử lý người đứng đầu, trong kết luận thanh tra, điều tra các vụ tham nhũng phải nêu rõ trách nhiệm theo các mức độ: yếu kém về năng lực, thiếu trách nhiệm trong quản lý, bao che cho hành vi tham nhũng.
Ban chỉ đạo chống tham nhũng không thể kiêm nhiệm
"Kỳ họp này, cử tri đặc biệt quan tâm đến Luật phòng chống tham nhũng. Nhiều người đề nghị lập miếng đất riêng để chôn những tên tham nhũng, không chôn chung với người lương thiện. Dân gay gắt như vậy đó", đại biểu Nguyễn Mạnh Đức bắt đầu phần phát biểu.
Vấn đề được đại biểu Đức xoáy sâu là việc thành lập Ban chỉ đạo chống tham nhũng. Ông không đồng tình với việc thành lập một ban mà thành viên làm việc kiêm nhiệm.
Ông Đức nói: "Chúng ta cần có có cơ quan chuyên trách điều tra về tham nhũng để giúp Bộ Chính trị, Thường vụ Quốc hội giải quyết vấn nạn này".
Tán đồng quan điểm trên, nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội sử dụng quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội, thành lập cơ quan lâm thời chống tham nhũng.
Kiểm soát thu nhập, quá khó
Theo điều 44 khoản 2 quy định cán bộ từ phó phòng UBND quận huyện trở lên phải kê khai tài sản của bản thân, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Đại biểu Đức cho rằng, quy định trên là thiếu thực tế. "Hiện nay, đối tượng tham nhũng đều tìm cách tẩu tán tài sản, nếu quy định vậy nhân dân cũng chưa đồng tình. Luật cần làm rõ tài sản kể cả của con đã thành niên, nhưng có nguồn gốc từ bố, mẹ".
Luật phòng chống tham nhũng lần này có quy định về việc kiểm soát thu nhập của cán bộ, nhưng theo nhiều đại biểu quy định trên ít tính khả thi. Vấn đề hiện nay là phải cải cách thủ tục giao dịch hạn chế sử dụng tiền mặt. Chỉ khi nào việc thanh toán qua tài khoản thì mới có thể kiểm soát được nguồn thu nhập.
Theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Luật nên thiết kế 1 điều quy định việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Nếu chỉ bảo vệ khi họ có dấu hiệu bị vùi dập, trả thù thì quá muộn. Việc trả thù có khi nhằm người thân của người tố cáo, khi đó, cũng phải quy định rõ việc nhà nước bồi thường vật chất, tinh thần.
Luật phòng chống tham nhũng tiếp tục là chủ đề thảo luận tại Quốc hội trong sáng 25/10.
Việt Anh
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Bình Thuận: Sôi động lễ hội du lịch "Hội tụ xanh" (24/10/2005)
▪ Giữ lại hồn quê nơi góc phố (24/10/2005)
▪ Anh xác nhận gia cầm chết vì virus H5N1 (24/10/2005)
▪ Điều trị lồi mắt, ù tai sau tai nạn không cần phẫu thuật (24/10/2005)
▪ Những vấn đề đặt ra trong việc xã hội hóa y tế (24/10/2005)
▪ Băn khoăn trước năm học mới (24/10/2005)
▪ Một tiếng nói lạc lõng, một việc làm sai trái (24/10/2005)
▪ Tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội (24/10/2005)
▪ Cần những người tuấn kiệt (24/10/2005)