Trong hai ngày 29-30.11, 50 người nhiễm HIV từ TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Huế, Thanh Hoá, Bắc Ninh, Bắc Giang... cùng nhau tham dự cuộc hội thảo "Tôi quan tâm phòng chống AIDS. Còn bạn thì sao", do Trung tâm sức khoẻ công cộng và phát triển (CEPHAD) tổ chức. Đây thực sự là nơi để những người nhiễm HIV nói về mình, cùng chia sẻ với những người bạn đồng cảnh...
Chúng tôi muốn...
50 con người mang trong mình căn bệnh vô phương cứu chữa đã cùng nhau nói lên tâm sự của mình. Chúng tôi cần có việc làm. Anh D. ở Hà Nội nói: "Người ta tránh tôi như tránh tà, quá khứ nghiện ma tuý của tôi đã đóng tất cả các cửa của cuộc đời tôi. Mọi cố gắng đi xin một chỗ làm đều vô ích. Tôi biết không sống được lâu nữa nên cố gắng có việc làm để tự nuôi thân, nhưng đành bó tay". Hầu như tất cả những người khác đều nói mình đang có cùng cảnh ngộ với anh D. Anh Ph. ở Quảng Ninh cho rằng: "Chúng ta phải tự cứu mình". Anh Ph. đã từng là chủ than "thổ phỉ" giàu có, rồi ma tuý đẩy gia đình anh vào con đường phá sản. Hết tiền, nhiễm HIV không còn cách nào để nuôi vợ con, anh phải làm nghề quét rác để tồn tại.
Chị V. (TP.Hồ Chí Minh) từng là y tá, sau khi biết chồng đã lây nhiễm HIV cho mình, chị tự nguyện nghỉ việc để đưa chồng con đến vùng kinh tế mới sinh sống. Chồng mất, chị một mình làm ăn để dành cho con ít vốn sau này. "Tương lai với tôi đã hết, bây giờ chỉ tập trung lo cho con", chị kể. Đối với chị điều bức xúc nhất ở những người nhiễm HIV là làm sao để được chăm sóc sức khoẻ miễn phí. Chị V còn hỏi: Cán bộ y tế, những người làm công vụ được điều trị thuốc AIDS khi gặp rủi ro, vậy những người phụ nữ bị chồng truyền bệnh, những đứa con bị nhiễm bệnh từ cha mẹ tại sao không được coi là rủi ro và rất cần được điều trị? Chị M. (Hà Nội) đề nghị: Người nhiễm HIV cần được điều trị ngay từ khi mới nhiễm, chứ để đến khi phát bệnh thì còn rất ít hy vọng...
"Người Việt Nam rất giàu lòng nhân ái, chúng ta hãy tự công khai mình đã nhiễm HIV để những người thân, làng xóm sống xung quanh hiểu, thông cảm, giúp đỡ" - anh C. (Thanh Hoá) đưa ra lời khuyên với các bạn.
Bức thư ngỏ của những người nhiễm HIV
Có lẽ chưa khi nào những người nhiễm HIV lại được nói thoải mái mà không phải e ngại bất cứ điều gì như vậy. Họ đã cùng nhau soạn ra bức ngư ngỏ để nói lên những tâm tư nguyện vọng của mình: Chúng tôi đều có chung một tâm trạng - rất cần sự giúp đỡ của gia đình, xã hội. Chúng tôi vẫn bị phân biệt đối xử, khó kiếm việc làm, mọi người không dám tiếp xúc vì sợ lây, sợ ảnh hưởng. Vợ, chồng, con cái chúng tôi cũng phải chịu chung cảnh ngộ bị kỳ thị. Bạn bè thân cũng không dám đến đưa tiễn người bạn nhiễm HIV qua đời. Trong những năm tháng còn lại của cuộc đời, chúng tôi sẽ cố gắng sống có ích cho xã hội. Tham gia sinh hoạt trong các nhóm bạn giúp bạn, nhóm giáo dục đồng đẳng, chúng tôi đã giúp đỡ được rất nhiều cho những người nhiễm HIV, cho gia đình người nhiễm. Tuy số tiền thù lao còn ít ỏi nhưng chúng tôi vẫn nhiệt tình cho công việc. Nếu xã hội cho chúng tôi cơ hội được làm việc, được hoà nhập với cộng đồng chúng tôi sẽ sống vui tươi hơn... Bức thư này sẽ được gửi đi đúng vào ngày 1.12 là ngày cả thế giới hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng chống AIDS. "Chúng tôi hy vọng xã hội sẽ nhìn chúng tôi bằng ánh mắt thân thiện hơn", anh Th. (TP.Hồ Chí Minh) đã nói như vậy.
Phương Anh (Báo LĐ)
▪ Đường về của những người đàn bà bị bán qua biên giới (05/01/2003)
▪ Lá vàng còn lại (19/03/2004)
▪ Campuchia "nhọc nhằn" chống mại dâm và AIDS (29/11/2003)
▪ Hậu quả của ma tuý với phụ nữ (01/12/2003)
▪ Bệnh AIDS ở Phú Nhiêu (22/09/2003)
▪ Tuần Giáo "ma sống" và hiểm hoạ AIDS (27/02/2003)
▪ Tuần Giáo "ma sống" và hiểm hoạ AIDS (26/02/2003)
▪ David Menadue, 18 năm chung sống với HIV (08/12/2002)
▪ Bản di chúc của bé Vân Anh (07/12/2002)
▪ Hai đứa trẻ làng Châu Hiệp (06/12/2002)