Dệt may không kịp về đích
Các Website khác - 28/12/2005

Số liệu mà Bộ Thương mại công bố hôm qua cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của VN trong năm nay chỉ đạt 4,8-4,85 tỷ USD. Con số này tuy cao hơn 10% so với năm ngoái, song vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,2 tỷ USD mà ngành dệt may đề ra.

Dệt may VN còn nhiều khó khăn. Ảnh: T.V.

Trao đổi với VnExpress, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội dệt may VN cho biết, một trong các nguyên nhân của tình trạng trên là đối tác đã chuyển hướng sang các nước đối thủ như Pakistan, Bangladesh hay Ấn Độ do những nước này không bị hạn chế về hạn ngạch. Ngoài ra, việc VN bị chậm trễ trong gia hạn hiệp định Việt - Mỹ cuối năm cũng khiến doanh nghiệp không kịp sử dụng được hạn ngạch ứng trước của năm 2006.

Tuy nhiên, doanh nghiệp kêu nhiều nhất chính là những nhiêu khê xung quanh việc điều hành hạn ngạch của Ban điều hành Dệt may (thuộc liên bộ Thương mại và Công nghiệp). Bà Đới Thị Thu Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty Dệt may VN phàn nàn về tình trạng có quá nhiều văn bản, thông tư được ban hành nhưng lại triển khai quá chậm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trưởng ban Điều hành Dệt may Nguyễn Đức Thanh thừa nhận những gì doanh nghiệp phản ánh. Ông cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2005, Ban điều hành đã cho ra đời tới 1.100 thông báo, chưa kể hàng vạn văn bản gửi cho thương nhân bằng chuyển phát nhanh. Như vậy, trung bình mỗi ngày có khoảng 3-4 thông báo liên tục khiến doanh nghiệp "không biết đằng nào mà lần". Với các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại VN thì khó khăn lại càng lớn hơn khi họ không hiểu được tiếng Việt và phải thuê người dịch lại.

Thời gian vừa qua, mọi liên hệ giữa doanh nghiệp và Ban điều hành đều được tiến hành qua thư điện tử, hay gửi thư qua bưu điện. Mục đích của Bộ Thương mại là hạn chế tiếp xúc trực tiếp tránh tốn kém, hay tạo cơ hội tiêu cực, mất thời gian của thương nhân và công chức.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Ân, "Ban điều hành Dệt may phải sẵn sàng đối thoại và tiếp xúc với doanh nghiệp. Email chỉ là một phương tiện và không thể chỉ dùng một phương tiện này. Nếu đã thấy thỏa mãn với câu trả lời qua email hay thư tín thì doanh nghiệp không việc gì phải đi lại cho tốn kém. Trong một số trường hợp, phải gặp trực tiếp mới có thể giải quyết được công việc. Theo tôi, áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp là tốt nhất".

Thứ trưởng Công nghiệp Bùi Xuân Khu cũng đồng tình với quan điểm này và nhấn mạnh: "Chỉ những người nào sợ trách nhiệm hay sợ mang tiếng mới không dám gặp doanh nghiệp. Nếu làm ăn đàng hoàng thì không có gì phải ngại cả. Có những vấn đề mà văn bản hay những cái máy tính vô tri không thể truyền tải hết mà phải gặp trực tiếp mới giải quyết được".

Theo phương án điều hành hạn ngạch 2006 được Liên bộ Công nghiệp, Thương mại đề ra, Bộ sẽ cấp visa tự động cho tất các các nhóm hàng trong nửa đầu năm 2006 cho đến khi đạt 70% nguồn hạn ngạch từng mã hàng thì sẽ điều tiết - phân bổ. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện cấp hạn ngạch sớm cho các thương nhân đăng ký thực hiện và ký quỹ bảo lãnh để chủ động sản xuất, xuất khẩu những đơn hàng lớn vào cuối năm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn nghi ngại về cách thức thực hiện cơ chế này.

Bà Thuỷ cho rằng, việc cấp visa tự động chỉ nên dừng lại mức 50% nguồn quota, sau đó điều tiết, nếu không các doanh nghiệp thường có đơn hàng cuối năm sẽ không có quota để xuất khẩu. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp lớn, có đơn hàng xuất khẩu liên tục được ký quỹ bảo lãnh nhưng đến nay thời gian thực hiện vẫn chưa được ấn định và khi chưa được ký quỹ để chắc chắn có quota doanh nghiệp sẽ không chủ động trong đàm phán. Bà Nguyễn Sinh Duyên, Giám đốc Công ty may 2 Hải Phòng cũng đồng ý ký quỹ bảo lãnh để chủ động về hạn ngạch, song đề nghị phải có thời điểm thực hiện sớm để doanh nghiệp trả lời với khách hàng.

Trước những ý kiến này, ông Bùi Xuân Khu nói, sang năm Bộ sẽ cấp visa tự động cho tất cả các nhóm hàng, những doanh nghiệp lớn muốn chủ động thì có thể ký quỹ bảo lãnh. Trong trường hợp nguồn quota đăng ký và ký quỹ hết hết thì doanh nghiệp xuất sớm để chuyển hướng làm hàng khác, có thể là hàng phi quota để tăng xuất khẩu. Còn việc dừng lại ở 50 hay 70% không thành vấn đề nếu Ban điều hành dệt may cập nhật thông tin để theo dõi và trả lời ngay khi doanh nghiệp cần.

Để cấp visa tự động thuận lợi, ông Ân cho rằng, những cat "nguội" nên mở tự động 100%, những cat "nóng" có thể cho doanh nghiệp ký quỹ. Tuy nhiên, trước lo ngại của một số doanh nghiệp về việc các công ty lớn đăng ký, nộp tiền bảo lãnh hết quỹ quota thì các doanh nghiệp còn lại không có quota để xuất khẩu, ông Ân đồng tình không nên để doanh nghiệp muốn ký quỹ bao nhiêu cũng được, mà chỉ nên có ký quỹ tối đa bằng thành tích của năm 2005.

Hà Vy