Luật đấu thầu đang được soạn thảo và chuẩn bị thông qua. Đây được coi là liều thuốc để “trị” tình trạng sử dụng 'quân xanh, quân đỏ', bỏ thầu với giá thấp khiến cho các dự án triển khai chậm chạp. Tổng thư ký Hội Kinh tế xây dựng Trần Trịnh Tường trao đổi xoay quanh về vấn đề này.
- Ông đánh giá thế nào về tình trạng "quân xanh quân đỏ" hiện nay?Ông Trần Trịnh Tường.
- Nguyên nhân cốt lõi của tình trạng "quân xanh, quân đỏ" là chuyện đấu thầu hạn chế, đấu thầu khép kín. Theo thống kê của riêng tôi thì có tới 70-80% dự án là đấu thầu hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, điều cơ bản nhất là phải đấu thầu rộng rãi. Nếu để ý ở các nước khác, sẽ thấy chỉ các dự án an ninh quốc phòng hoặc những dự án có tính chuyên sâu (ví dụ như dầu khí, hàng không) mới áp dụng đấu thầu hạn chế.
- Các dự án khi đấu thầu không được khép kín liệu đã đủ để khắc phục được tình trạng quân xanh, quân đỏ không, thưa ông?
- Đấy mới chỉ là phần ngọn thôi. Để khắc phục một cách cơ bản nhất thiết phải xóa bỏ hoàn toàn cơ chế bộ chủ quản. Bởi vì nếu nói doanh nghiệp không được tham gia đấu thầu dự án mà cơ quan chủ quản làm chủ đầu tư thì chẳng lẽ những công trình tại TP HCM phải để các doanh nghiệp từ những nơi khác đến làm, còn các doanh nghiệp của TP HCM lại phải đi địa phương khác làm?
Hay như trong lĩnh vực giao thông, có doanh nghiệp nào có nhiều kinh nghiệm thi công công trình giao thông hơn các doanh nghiệp hiện đang thuộc quyền quản lý của bộ này không? Thế nên để xử lý tận gốc, vấn đề là phải xóa bỏ cơ chế chủ quản trong đấu thầu, để các bộ, các UBND địa phương không có bất cứ “động tác” nào chi phối quá trình đấu thầu, xét thầu.
- Nhưng theo các nhà quản lý, hiện vẫn cần phải có sự quản lý của các bộ chủ quản để hạn chế tình trạng tiêu cực, thất thoát, lãng phí?
- Nếu như các quy định về tiêu chí xét thầu công khai, minh bạch thì sẽ chẳng phải lo ngại gì cả. Đấu thầu là tạo ra sự cạnh tranh và tìm ra nhà thầu có năng lực về tài chính, có kinh nghiệm chuyên môn và có giá cả hợp lý. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là giá cả hợp lý chứ không phải giá cả thấp nhất.
Nếu một phần hạng mục công trình theo dự toán phải trên dưới 2 triệu đồng mà anh chỉ bỏ thầu có 1 triệu thì liệu chất lượng có bảo đảm được không? Vì vậy, theo tôi trong Luật đấu thầu nên quy định, trong trường hợp phát hiện bỏ thầu quá thấp thì loại luôn nhà thầu đó.
- Như vậy, liệu có xảy tình trạng kiện cáo, khiếu nại về xét thầu không, vì nhiều nhà thầu sẽ viện dẫn lý lẽ là “giá tôi đưa ra thấp, tiết kiệm cho chủ đầu tư tại sao lại không được chọn”?
- Thế cho nên, các tiêu chí xét thầu cần phải quy định rõ lại, dựa trên nhiều yếu tố chứ không phải chỉ căn cứ trên giá bỏ thầu thấp nhất. Quyền hạn, trách nhiệm và năng lực của người phê duyệt gói thầu cần thể hiện rõ ràng, chính xác hơn. Còn nếu nói đến chuyện tiết kiệm, chống tiêu cực trong các dự án thì việc trước tiên phải làm là phải xóa bỏ hoàn toàn tình trạng chỉ định thầu.
- Tức là phải xóa bỏ hoàn toàn hình thức chỉ định thầu, thưa ông?
- Tôi nghĩ là cần hạn chế đến mức tối đa, chỉ nên giới hạn hình thức chỉ định thầu trong trường hợp những dự án liên quan đến an ninh quốc gia hoặc phải ứng cứu khẩn cấp khi có thiên tai thôi. Còn lại, đã là dự án sử dụng vốn nhà nước thì phải qua đấu thầu, mà là đấu thầu không khép kín, không hạn chế.
- Vậy còn với tình trạng dự án “dần xây” sau khi đấu thầu, đâu là biện pháp cơ bản để khắc phục, thưa ông?
- Những vấn đề này phải xử lý từ việc ký kết và thực thi hợp đồng sau khi đã trúng thầu. Mình thường chỉ coi trọng, quan tâm đến đấu thầu, vấn đề ký kết hợp đồng thì lại coi nhẹ, mặc dù đây mới thật sự là vấn đề quan trọng cần lưu ý.
Chính sự coi nhẹ này (thực chất là rất buông lỏng) là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thi công theo kiểu “dần xây”. Ở VN hiện nay mới chỉ có chuyện hứa là mấy tháng thì xong - đâu có phải đơn giản như vậy. Ví dụ như ở các nước, nhà thầu sau khi trúng thầu phải lập sơ đồ về tiến độ để thực thi theo cam kết đó.
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ Giá điện có thể vượt ngưỡng 1.000 đồng/kWh (14/09/2005)
▪ Tin kinh tế ngày 14.9 (14/09/2005)
▪ Ăn xổi! (14/09/2005)
▪ Người trồng càphê: Chưa kịp mừng đã lo (14/09/2005)
▪ TP.Hồ Chí Minh: Triển khai chiến lược cải cách thuế (14/09/2005)
▪ Lệnh Thủ tướng, 1 năm chưa làm xong (14/09/2005)
▪ Nhiều loại bánh vi trung thu phạm chờ bị xử lý (14/09/2005)
▪ Tháo "điểm nghẽn", nhưng vẫn lo nghẽn mạch (14/09/2005)
▪ 'Bơm' tôm, 'trói' cua để làm hàng (14/09/2005)
▪ Có thể tra cứu visa dệt may trên mạng (14/09/2005)