Bài thuốc đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Bác sĩ chuyên khoa cấp 2 Vũ Thị Kê - Trưởng khoa Nội A (Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương) là Chủ nhiệm đề tài "Đánh giá tác dụng thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường type 2" bằng bài "Bát vị tri bá gia giảm".
Bác sĩ Kê cho biết, bài thuốc là đề tài khoa học do Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương thực hiện năm 2003 - 2004. Đề tài đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu ngày 4-6-2005 .Trên thực tế đây là đề tài nhánh nằm trong đề tài cấp Nhà nước "Điều tra dịch tễ học bệnh tiểu đường" do Tiến sĩ Tạ Văn Bình - Giám đốc BV Nội tiết T.Ư làm chủ nhiệm đề tài.
Được biết, bài thuốc trên dựa trên bài thuốc cổ chữa bệnh tiểu đường đã có trong sách y học của Việt Nam từ thời xưa để lại. Tuy nhiên, bài thuốc này mới chỉ được thử nghiệm độc tính trên chuột bạch và thỏ trong mấy năm gần đây. Kết quả cho thấy thuốc không có phản ứng phụ, không xảy ra tai biến trong suốt thời gian điều trị. Trước khi được thử nghiệm tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương, năm 2002, bài thuốc trên đã được áp dụng thử tại Viện Y học Cổ truyền Việt Nam trên vài trăm bệnh nhân trong thời gian 90 ngày cho kết quả tốt. Chủ nhiệm đề lài là PGS.TS Dương Trọng Hiếu, lúc đó là Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Y học cổ truyền Việt Nam) đã cho phép bác sĩ Vũ Thị Kê áp dụng công thức của bài thuốc "Bát vị tri bá gia giảm" vào công tác điều trị bệnh tiểu đường tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương.
Năm 2003, bác sĩ Kê thử nghiệm điều trị cho 71 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường type 2 tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương. Thời gian điều trị trung bình 46 ngày/bệnh nhân. Bệnh nhân cao tuổi nhất là 71 và ít tuổi nhất là 38. Trong số 71 người thử nghiệm thuốc đợt đầu tiên, người có chỉ số đường huyết cao nhất là 15, thấp nhất là 8. Sau 90 ngày điều trị, kết quả có 36 bệnh nhân (50,7%) ổn định bệnh, 35 bệnh nhân (49,3%) đỡ bệnh. Trong quá trình điều trị bệnh nhân được kết hợp chế độ ăn kiêng và không dùng các loại thuốc khác. Sau khi kết thúc giai đoạn thử nghiệm, Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương tiếp tục điều trị được trên 70 bệnh nhân góp phần giảm số người mắc bệnh tiểu đường type 2 ở tỉnh Hải Dương - một tỉnh có nhiều người mắc tiểu đường type 2 tại Việt Nam.
Tuy nhiên, bác sĩ Kê cũng khẳng định, bệnh tiểu đường type 2 không thể chữa khỏi, chỉ dừng lại ở mức ổn định vì nếu người bệnh ăn uống không kiêng khem bệnh sẽ tái phát vì đây là dạng bệnh do rối loạn chuyển hóa. Người bệnh có trọng lượng lớn, đặc biệt là người bị béo phì thuốc sẽ có tác dụng tốt hơn người có thể trạng gầy.
Bác sĩ Kê cho biết, sau khi bệnh nhân đã điều trị ổn định bệnh, chỉ số đường huyết trở về mức 7, người bệnh nên duy trì uống thuốc thêm 1 -2 tháng. Đặc biệt, người bệnh tiếp tục chế độ ăn kiêng để tránh tái phát bệnh. Ăn nhiều ổi, bí xanh, táo nho và hoa quả không chứa nhiều đường là biện pháp hữu hiệu để duy trì sự ổn định của bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, người bệnh nên hạn chế ăn nhiều chất bột và tuyệt đối kiêng bia rượu.
Hiện nay thuốc đã được sản xuất đại trà và bán rộng rãi tại Hải Dương. Bác sĩ Kê cho hay, Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương đang chuẩn bị hợp tác với một cơ sở sản xuất trong TP Hồ Chí Minh để sản xuất loại thuốc này.
Bài thuốc gồm các vị:
Sinh địa 12 g,
Sinh hoàng kỳ 12 g,
Sơn thủ nhục 8 g,
Tri mẫu 10 g,
Bạch linh 8 g,
Thiên hoa phấn 8 g,
Ngũ vị tứ 8g,
Đan bì 8g,
Trạch tá 8g,
Thạch cao 12g
Mạch môn 12g.
Các vị thuốc trên được lựa chọn dược liệu và bào chế theo tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam III và được bào chế dạng thuốc sắc ngày 1 thang lấy 300ml nước uống chia làm 2 lần/ngày, uống trước bữa ăn 1 giờ;
Thuốc còn được sản xuất trên dạng cao lỏng 100ml/túi, ngày uống 2 túi trước bữa ăn 1 giờ. Giá thuốc sắc là 10.000 đồng/thang, thuốc cao có giá 14.000 đồng/túi. Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương điều chế thuốc dưới dạng cao trên hệ thống máy của Hàn Quốc. Thuốc dạng cao lỏng cần được bảo quản trong tủ lạnh để bảo đảm chất lượng.
Bệnh nhân có thể mua thuốc trực tiếp tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương, phường Hải Tân, TP Hải Dương.
Hoặc liên lạc qua điện thoại để được tư vấn theo số (0320) 861436 hoặc (0320) 854756.
Hoặc gọi cho bác sĩ Vũ Thị Kê (0912820695).
|