Bệnh gan nhiễm mỡ dễ dẫn đến xơ gan
Các Website khác - 29/12/2005
GNM cấp tính do thuốc; ngộ độc; thai nghén có tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong rất cao. GNM tuy lành tính, nhưng tỷ lệ phát sinh xơ gan khá cao. Một khi phát sinh xơ gan, sẽ có báng bụng; giãn tĩnh mạch; đường tiêu hóa xuất huyết nhiều; sau cùng đưa đến tử vong.
Gan là nơi chuyển hóa, tổng hợp những chất đường, đạm, béo cho cơ thể. Chất béo được gan tổng hợp và đào thải ra máu. Khi cơ thể được cung cấp dư chất béo thì nó đọng lại ở gan; hoặc những người bị rối loạn tiêu hóa ở gan làm gan không tổng hợp hết chất béo, càng ngày chất béo ở gan càng gia tăng gây nên bệnh gan nhiễm mỡ (GNM). Đây không phải là một bệnh nan y nhưng rất dễ mắc phải.

Nguyên nhân hàng đầu là béo phì

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như:

- Bệnh tăng mỡ trong máu.

- Nhiễm chất đồng, bệnh lao và đặc biệt là viêm gan siêu vi C mãn tính.

- Dùng liều cao và kéo dài một số thuốc như corticoides, tétracycline, estrogen, thuốc chữa ung thư cũng làm rồi loạn biến đổi mỡ trong gan, khiến gan bị nhiễm mỡ.

- Nghiện rượu kéo dài: Là nguyên nhân quan trọng nhất gây GNM. Mức độ nặng của bệnh phụ thuộc vào sự kéo dài tình trạng có nồng độ rượu cao trong máu.

- Thiếu protein, đặc biệt ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.

- Bệnh tiểu đường ở người cao tuổi (nhất là người béo phì) không được điều trị.

- Có bệnh nhiễm khuẩn mạn tính như viêm loét đại tràng, viêm tụy mạn, suy gan mạn, lao.

- Nhiễm các độc chất đối với gan như phosphore, carbon tetraclorua...

- Bệnh thiếu máu.

Bệnh GNM có thể giữ nguyên trong nhiều năm hoặc đột nhiên tiến triển thành xơ gan.

Hầu như không có triệu chứng

Người bị GNM hầu như không có triệu chứng gì, chỉ có một vài bệnh nhân cảm thấy hơi mệt mỏi và suy nhược, hoặc có cảm giác hơi tưng tức ở vùng dưới sườn bên phải. Do vậy, GNM thường được phát hiện một cách tình cờ, sau một xét nghiệm máu thường quy thấy men gan (SGOT, SGPT) tăng, hoặc sau khi được siêu âm. GNM cấp, bệnh nhân sẽ kèm theo vàng da và suy gan, có biểu hiện rối loạn tâm thần, xét nghiệm tăng men gan và bilirubin tăng. Những người nghiện rượu có thể bị GNM cấp sau một bữa rượu lớn, thường đau vùng thượng vị phải, cùng với các dấu hiệu tắc mật.

Các bác sĩ khuyên GNM thường diễn biến âm ỉ, kéo dài nên những người có yếu tố nguy cơ (nghiện rượu, béo phì, dùng corticoid kéo dài...) nên thường xuyên khám sức khỏe, xét nghiệm máu, siêu âm tầm soát ba tháng một lần để phát hiện các rối loạn trong chuyển hóa để phòng và điều trị sớm.

Thông thường, nếu bệnh GNM không được khắc phục thì lâu ngày bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn và phá hủy những tế bào gan làm gan bị xơ cứng (bệnh xơ gan). Nhưng ở những người béo phì, GNM là bệnh lành tính, bệnh sẽ không diễn tiến nặng thêm. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo rằng nếu những người béo phì này áp dụng những cách giảm cân như uống trà hay thuốc giảm mập, nhịn đói thường xuyên sẽ bị rối loạn về chuyển hóa ở gan. Khi đó, bệnh sẽ trở nên nguy hiểm, không những dẫn đến bệnh xơ gan mà còn có những ảnh hưởng không tốt đến các cơ quan trong hệ tiêu hóa làm thức ăn khó tiêu. Nếu những người mắc bệnh béo phì có chương trình giảm cân, có chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp thì mỡ sẽ được tiêu hao hợp lý, dần dần mỡ sẽ được giải phóng và không còn ứ đọng ở gan. Ngay cả những người mắc bệnh GNM có nguy cơ bị xơ gan cao do uống nhiều rượu, nếu bỏ rượu hẳn thì gan cũng sẽ được phục hồi từ từ.

Chế độ ăn uống cho người bệnh

GNM là biểu hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Vì vậy, trước tiên cần phải biết đó là do nguyên nhân gì và trị đúng nguyên nhân đó mới có thể khỏi được.

- GNM do uống rượu bia nhiều và thường xuyên: Nếu ngưng rượu bia hoàn toàn thì gan sẽ hồi phục mà không cần dùng bất kỳ loại thuốc nào. Nếu cần, có thể uống thêm các thuốc đa sinh tố, nhất là vitamin B1, acid folic vì uống rượu lâu ngày sẽ làm các vitamin này hao hụt.

- GNM do tiểu đường: Đa số người tiểu đường có kèm thêm béo phì, do đó có thể áp dụng chế độ ăn để chống thừa cân. Tuy nhiên, cơ bản vẫn là kiểm soát tốt đường huyết thì mới giải quyết được GNM.

- GNM do béo phì hoặc thừa cân: Tốt nhất là nên tiết chế ăn uống để giảm cân và đạt được cân nặng lý tưởng.

Để đạt được mục tiêu giảm cân, cần lưu ý năm điểm sau:

- Kiên trì và bền bỉ vì cân nặng không thể giảm trong "một sớm, một chiều”.

- Không nên cứng nhắc áp dụng chế độ tiết chế và không nên cưỡng ép quá mức.

- Giảm dần số chén cơm mỗi bữa và ăn "độn" thêm rau quả tươi. Giữa bữa ăn, nếu thấy đói thì nên ăn thêm một ít trái cây không ngọt lắm như táo, lê, thanh long, cam, củ sắn, hoặc ăn một chút sữa chua không ngọt, uống một ly sữa đậu nành không đường.

- Nên giảm chất ngọt và chất béo vì các chất này nếu thừa sẽ được gan chuyển thành mỡ dự trữ. Hạn chế các thức ăn nhanh hoặc ăn uống ở tiệm ăn, nhà hàng vì ở đây người ta thường sử dụng nhiều dầu mỡ.

- Khi chế biến thức ăn, nên hạn chế các món chiên xào mà thay bằng thức ăn nướng, luộc.

Theo Nông thôn ngày nay