Bệnh ở vú
Các Website khác - 26/12/2005

"Tôi 21 tuổi, sức khỏe bình thường. Hằng tháng khi thấy kinh, tôi thấy ngực căng, hơi đau, có cục cứng bên trong; vòng kinh không đều, có khi 30, có khi 40 ngày. Vào tuổi tôi đã phải lo đến ung thư vú chưa?".

Trả lời:

Chu kỳ kinh có thể dao động từ 20 ngày đến 40 vẫn được coi là bình thường. Thời gian hành kinh cũng có thể dao động 2-7 ngày. Hầu hết phụ nữ đều có một vài lần kinh nguyệt không đều trong cả đời và như thế cũng không có gì đáng lo ngại. Cần biết rằng kinh nguyệt là kết quả của những tác động nội tiết, thần kinh, cảm xúc cho nên các chu kỳ kinh rất dễ thay đổi theo tuổi tác và những sự cố trong cuộc đời.

Mọi phụ nữ, kể cả khi còn trẻ, đều nên quan tâm đến những biến đổi ở vú. Bệnh lý vú ở phụ nữ cũng đa dạng như bệnh lý ở cơ quan sinh sản, những dấu hiệu như có cục cứng ở vú, vú tiết dịch không bình thường hay những biến đổi trên bề mặt da vừa có thể báo hiệu một vấn đề nghiêm trọng nhưng cũng có thể chỉ liên quan đến những biến đổi sinh lý thời kỳ kinh nguyệt và thai nghén. Phụ nữ chưa sinh đẻ cần biết ý nghĩa của một số biến đổi ở vú như sau:

Khi vú to nhỏ không đều hoặc núm vú tụt hoặc có cục nhỏ dính với mặt da, có thể kèm theo nổi hạch ở nách, trên xương đòn: Chỉ cần có một trong các dấu hiệu trên cần đi khám ngay nhằm phát hiện sớm ung thư vú. Phụ nữ cần được hướng dẫn để hiểu biết về mô vú và có thói quen quan sát và sờ nắn vú của mình ngay từ tuổi dậy thì.

Khi vú mới bị cương và đau: Có thể là dấu hiệu sớm của thai nghén, cần làm xét nghiệm thai, nếu dương tính, gặp bác sĩ để được hướng dẫn giữ thai.

Khi vú cương và đau đồng thời với chu kỳ kinh: Có thể do những thay đổi về hoóc môn. Nếu thấy khó chịu, khó ngủ, tính tình thay đổi thì có thể là hội chứng tiền kinh nguyệt. Có thể dùng những viên thuốc thông thường để chống cương đau vú và tránh uống cà phê, Ibuprofen hoặc aspirin có tác dụng tốt cho những kỳ kinh đau.

Cảm thấy có cục cứng không đau ở sâu trong vú, có khả năng dính vào xương sườn, có thể là ung thư vú. Cần gặp ngay bác sĩ.

Khi cả 2 bên vú đều cương đau hoặc thấy chậm kinh hoặc chu kỳ kinh không đều: Có thể liên quan đến hoóc môn hoặc có thai, cũng có thể cả 2 vú đều có nang xơ. Để phân biệt, cần gặp ngay bác sĩ.

Khi có tổn thương vú như trầy loét mà không lành: Có thể có vấn đề nghiêm trọng, cần được bác sĩ khám càng sớm càng tốt.

Phần lớn những cục cứng ở vú là lành tính nhưng mọi phụ nữ ngay từ trẻ đều cần được hướng dẫn để biết tự kiểm tra vú: Đứng trước gương, hai tay để thõng hai bên sườn, rồi giơ cao 2 tay, quan sát xem có thay đổi gì về hình thái, kích thước của vú hay không. Đặt 2 tay lên hông, ưỡn ngực và giơ cao 2 tay lên quá đầu, làm như vậy để lộ rõ những gì bất thường ở giữa 2 vú. Quan sát xem có gì nhăn nhúm, sưng, lõm và thay đổi ở bề mặt da hay không. Bóp, nặn nhẹ 2 núm vú bằng ngón cái và ngón trỏ xem có chất gì tiết ra không, màu trong hay lẫn máu. Giơ cao một tay, dùng tay phải để khám vú trái và tay trái để khám vú phải xem có cục cứng đau, dính.

BS Đào Xuân Dũng, Sức Khỏe & Đời Sống