Học sinh có xu hướng mắc các tật khúc xạ ngày càng sớm và gia tăng theo cấp lớp nhưng chương trình chăm sóc mắt học đường hiện chưa được đẩy mạnh.
Ghi nhận của Bệnh viện (BV) Mắt TPHCM về tình hình tật khúc xạ mắt học đường cho thấy tật khúc xạ đang tăng với tỉ lệ đáng báo động trong học sinh. Nếu năm 1994 chỉ có 8,65% học sinh bị tật khúc xạ (bao gồm cận thị, viễn thị và loạn thị), đến năm 2002, tật khúc xạ ở học sinh đã tăng lên 25,3% và năm 2006 đã tăng lên gần 40%.
Cận thị ở TP nhiều gần gấp 4 lần ngoại thành
Một buổi khám và tư vấn về tật khúc xạ mắt do BV mắt TP. HCM tổ chức |
Bác sĩ Phí Duy Tiến, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến, BV Mắt TPHCM, cho biết châu Á có tỉ lệ tật khúc xạ cao nhất thế giới và có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.
Riêng tại VN, tình trạng tật khúc xạ ở học sinh gia tăng rõ rệt theo cấp lớp nhưng việc đánh giá về tình trạng tật khúc xạ ở học sinh không đầy đủ nên dễ dẫn đến những biến chứng có nguy cơ gây mù sau này.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuyên, BV Mắt TPHCM, trẻ bị cận thị ngày càng sớm do những tác động của nhiều yếu tố như cường độ học tập, thói quen vui chơi thay đổi, thời gian nhìn gần của mắt ngày càng nhiều. Độ cận có khuynh hướng cao hơn, rõ nhất ở giai đoạn giữa tiểu học và trung học cơ sở. Tỉ lệ cận thị giữa các cấp có sự khác biệt.
Trong đó, cận thị ở học sinh tiểu học là 29,86%. Tình trạng này gia tăng khi trẻ lớn lên vì có đến 46,11% học sinh trung học cơ sở bị cận thị. Tính chung, tại TPHCM hiện hay, tỉ lệ mắc tật khúc xạ ở học sinh là gần 40%, trong đó cận thị chiếm 39%. Ngoài ra, có hơn 30% học sinh bị loạn thị.
Bên cạnh những ảnh hưởng của yếu tố môi trường sống, thói quen trong sinh hoạt và học tập tác động đến tật khúc xạ ở học sinh thì có gần 30% học sinh bị tật khúc xạ có tiền sử gia đình bị tật khúc xạ.
Tỉ lệ cận thị giữa hai giới cũng có sự khác biệt, học sinh nữ cận thị nhiều hơn học sinh nam với 41,55% học sinh cận thị là nữ trong khi chỉ có hơn 30% trường hợp là học sinh nam. Khảo sát cũng ghi nhận tình trạng cận thị ở học sinh vùng trung tâm TP là cao nhất, chiếm 56,67% (gần gấp 4 vùng ngoại thành), kế đến là vùng ven chiếm 38,88% và vùng ngoại thành chỉ có 15,48% học sinh là bị cận thị.
Chỉ hơn 67% học sinh bị tật khúc xạ đeo kính
Khảo sát về tình trạng mắt học đường của BV Mắt cũng cho thấy hiểu biết về tật khúc xạ của học sinh còn rất hạn chế, chỉ có 16,6% học sinh có kiến thức tốt về mắt. Vì vậy, có nhiều học sinh mắc các tật khúc xạ nhưng không được can thiệp, tỉ lệ học sinh đeo kính là 67,16%, chưa kể nhiều học sinh đeo kính không đúng độ.
Mức độ bị các tật khúc xạ ở học sinh rất nặng vì trong số các học sinh bị tật khúc xạ, chỉ có 74% học sinh có thị lực với kính từ 6/10 trở lên, còn lại là thị lực thấp hơn mức này. Cá biệt, có vùng chỉ có số ít học sinh cận thị được can thiệp như tại Ninh Thuận, 15,71% học sinh cận thị có kính, trong đó có đến 70,4% học sinh đeo kính không đúng độ.
Các bác sĩ nhãn khoa khuyến cáo cần đẩy mạnh các biện pháp tầm soát tật khúc xạ và can thiệp chỉnh quang nên lưu ý vào các trẻ ở giai đoạn này. Tuy nhiên, hiện nay chương trình mắt học đường chưa được triển khai và đẩy mạnh, chưa có cán bộ chuyên trách tuyến quận, huyện.
Bác sĩ Phí Duy Tiến khuyến cáo trong xu hướng tỉ lệ mắc tật khúc xạ ở học sinh ngày càng sớm và gia tăng nhưng việc điều chỉnh tật khúc xạ lại không được quan tâm thì dễ dẫn đến tình trạng thế hệ sau này bị tổn thương về mắt.
Theo Nhất Phương
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)