Khi thai bị chết nhưng vẫn nằm “lưu” trong tử cung bà mẹ thì gọi là thai chết lưu. Hãy nghĩ đến tình trạng này nếu thai phụ thấy bụng không to thêm hoặc thai ngừng máy, đạp.
Có nhiều nguyên nhân gây thai chết lưu, một số trường hợp chưa rõ nguyên nhân. Về phía mẹ, yếu tố có thể gây thai chết lưu là mắc các bệnh cấp tính gây sốt cao, các bệnh mạn tính như thận, tim mạch, tiền sản giật, sản giật, chảy máu trong khi có thai... Về phía thai và phần phụ của thai, nguyên nhân có thể là các bệnh về gene, bệnh tăng nguyên hồng cầu ở thai, nhiễm các chất phóng xạ, chất độc hóa học, thai sinh đôi (có một thai chết), bị khuyết tật, thai bất cân xứng, ngôi thai bất thường. Đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, rau bất thường, rau tiền đạo, rau bong non, dây rau quấn cổ hay quá dài, các thủ thuật và phẫu thuật sản khoa... cũng có thể dẫn đến thai chết lưu.
Những triệu chứng mà người mẹ có thể tự nhận biết là: tự nhiên hết nghén (nếu thai còn nhỏ đang ở trong giai đoạn nghén), bụng không to thêm hoặc nếu đã to rồi thì mỗi ngày một nhỏ đi. Nếu thai đã máy hoặc đạp thì thai phụ không thấy thai máy hoặc đạp nữa. Sau khi thai chết, vú căng to hơn và có sữa non.
Khi thăm khám, bác sĩ sẽ thấy tử cung nhỏ hơn tuổi thai; tim thai không nghe được; ra máu đen ở âm đạo. Nếu tuổi thai nhỏ, việc nghe tim thai bằng ống nghe để xác định thai chết lưu khó khăn hơn khi thai đã lớn. Kỹ thuật siêu âm giúp khắc phục nhược điểm này. Qua siêu âm, có thể chẩn đoán được thai mới chết hay chết đã lâu.
Thai chết lưu trong trường hợp quá non (1-2 tháng) có thể tự tiêu biến đi mà chính người mẹ cũng không biết mình đã có thai. Nếu thai đã lớn (3-6 tháng) thì sẽ sảy; hoặc đẻ nếu trên 6 tháng. Tuy vậy, thời hạn từ khi thai chết đến lúc sảy hoặc đẻ ở mỗi người một khác. Thông thường thai chết ở tuổi càng lớn thì thời gian lưu lại trong dạ con càng ngắn.
Thai lưu trước hết gây nên cảm giác sợ hãi cho người mẹ và mọi người trong gia đình vì bị ám ảnh bởi việc đang mang một xác chết trong bụng. Tuy nhiên, nếu thai chết lưu được phát hiện sớm để can thiệp thì không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tính mạng người mẹ. Quá trình sảy hoặc đẻ của thai chết lưu diễn biến như các ca sảy hoặc đẻ bình thường. Thời gian dọa sảy và chuyển dạ đẻ thường dài hơn và ra máu nhiều hơn. Điều nguy hiểm đối với người bị thai lưu là ối bị vỡ sớm khi chưa có dấu hiệu sảy hay chuyển dạ. Qua nơi màng ối rách, vi khuẩn sẽ vào buồng ối và dạ con, gây nhiễm khuẩn trầm trọng, nguy hiểm cho tính mạng bà mẹ. Hơn nữa, khi thai lưu quá lâu trong tử cung, bà mẹ có thể bị rối loạn đông máu gây băng huyết nặng trong sảy hoặc đẻ. Vì vậy, nếu thấy bất thường trong khi có thai, bà mẹ cần đi khám ngay.
Về xử trí, nguyên tắc là cho thai ra càng sớm càng tốt sau khi phát hiện không còn tim thai. Nếu tuổi thai nhỏ, nên phá thai bằng phương pháp nội khoa (đặt thuốc âm đạo) gây sảy thai. Nếu thai trên 6 tháng, cần gây chuyển dạ (đẻ chỉ huy).
BS Trần Thị Hạnh, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)