Taxi dành cho hai người
Các Website khác - 11/09/2005
Taxi dành cho hai người

Anh Ngọc
Trong số những câu hỏi lớn nhất mọi thời đại đặt ra vào thời điểm hiện tại mà người Anh và Italia không thể trả lời được, có câu, "Chúng ta là ai, chúng ta từ đâu đến, giới tính của các thiên thần là gì (xin lỗi các con chiên của Chúa), và... Eriksson cùng Lippi đang làm cái quái gì trên ghế HLV đội tuyển (ĐT) Anh và Italia?"

Cả Erkisson....
Những gì đang diễn ra với 2 trong số những ĐT danh giá nhất thế giới những năm qua (với Anh) và những ngày qua (với Italia) đã là đề tài tranh cãi tốn giấy mực. Nhưng chẳng một ai trả lời nổi, tại sao hai HLV cùng sinh năm 1948, cùng nổi tiếng tại Serie A và vì thế mắc căn bệnh cầu toàn có tính hệ thống lại cùng nguy khốn ở một thời điểm, dù điều khác nhau tí chút là Italia đã thắng Belarus (nhưng được báo chí Italia ca ngợi hệt như họ là những nhà VĐTG) và Anh mới chỉ thua "chú lùn" Bắc Ireland (khiến người Anh chửi bới Eriksson hệt như ông là một thằng hề, nhưng phải chăng họ ấm ức vì cái ĐT nhỏ từ cái vùng đất bị họ chiếm ấy đã dạy cho họ một bài học về lòng khiêm tốn?).

Eriksson từng nổi đình nổi đám với Malmo, Benfica, Sampdoria và cuối cùng là Lazio, nơi ông đoạt một Scudetto năm 2000. Lippi đã từng là một HLV xuất sắc ở Juventus, đã giành được vô số những chiến thắng, dù rằng, thời kỳ ông làm HLV, những ánh hào quang của Juve bị phủ một bóng đen vì doping. Cả 2 HLV cùng sáng chói trên đất Italia. Eriksson nổi tiếng sớm hơn, bắt đầu từ khi cùng Roma mất chức VĐ Italia ở vòng cuối cùng năm 1986. Lippi sáng muộn hơn, phải mất 10 năm sau đó mới xác định được chỗ đứng trên đỉnh cao thế giới.

Nhưng một HLV xuất sắc với CLB, không có nghĩa sẽ là một HLV tài ba ở ĐTQG. HLV CLB và HLV ĐT là hai nghề khác hẳn nhau. Hãy nhìn tất cả những HLV đã đưa các CLB của mình đến chức VĐTG trong những năm qua, từ Menotti (1978), Bearzot (1982), Bilardo (1986), Beckenbauer (1990) cho đến Parreira (1994), Jacquet (1998), Scolari (2002), có ai trong số họ là những HLV thành đạt ở cấp CLB (trừ Scolari)?

lẫn Lippi đều gây thất
vọng ở đội tuyển của họ.
Tại World Cup 2006, có 3 ứng cử viên lớn: Brazil, Đức và Argentina. Không một ai trong số các HLV Parreira, Klinsmann và Pekerman nổi tiếng ở các CLB. Parreira luôn làm HLV ĐTQG, kinh nghiệm HLV CLB của Klinsmann chỉ là những thất bại còn Pekerman đi lên từ ĐT trẻ của LĐBĐ Argentina. HLV đã đưa ĐT Italia đến chức VĐ Espana 82, Bearzot, cũng từng là HLV ở CLB, nhưng hạng cao nhất chỉ là... Serie C (hạng 3), còn người đã cùng ĐT Italia giành 2 chức VĐTG còn lại, Victorio Pozzo, lại từng là một nhà báo.

Cả Eriksson và Lippi đã lầm lẫn quá lớn giữa nghề HLV CLB và HLV ĐT. Eriksson biến những trận giao hữu của ĐT Anh thành trò cười với những màn thay người kỳ quặc (có lúc đến... 22 người một trận), trong 4 năm cầm quân ở Anh chẳng để lại những ấn tượng gì ngoài 2 chiến thắng vĩ đại 5-1 trước Đức và 1-0 trước Argentina và hầu hết quãng thời gian còn lại là để nghĩ đến việc làm thế nào che đậy những cuộc tình vụng trộm đầy bê bối hơn là nghĩ đến việc đánh bại đối thủ. Lippi, trong năm đầu tiên của ông ở ĐT Italia, đã gọi vào ĐT vô số những cầu thủ không tên tuổi, đã biến ĐT thành một dạng quán trọ, một CLB của ông, chơi một thứ bóng đá vô vị và nhạt nhẽo, khiến các CĐV cuồng nhiệt nhất cũng quay lưng.

Đúng là nước Anh cần một tư duy mới, một người mang phong cách Châu Âu để cải thiện về mặt tư duy chiến thuật mà người Anh yếu kém. Đúng là họ đã rũ bỏ sự bảo thủ để mời về một HLV nước ngoài đầu tiên, nhưng ông ta đã làm được gì với một đội ngũ những ngôi sao trẻ xuất sắc nhất nước Anh trong 20 năm qua? Chưa có gì đáng kể cả! Tư duy ngoại lai qua các cầu thủ nước ngoài và HLV ngoại quốc ở Anh, rốt cục chỉ làm lợi cho các CLB, nơi người ta gạt ra ngoài các cầu thủ Anh.

Đúng là ĐT Italia cần một tên tuổi để đảm bảo chiến thắng. Nhưng sau những gì đã xảy ra với Trapattoni ở World Cup 2002 và EURO 2004, tất cả sợ hãi chiếc ghế HLV ĐTQG. Lippi nhận chiếc ghế vì ông là người duy nhất muốn nó, và vì ông không thể nhận một CLB nào khác nữa sau khi đã ở Juve và thất bại đến mức không thể quay lại Inter. Chỉ sau một năm, tất cả đều thất vọng vì ông. Bây giờ thì Anh không biết tấn công dù có nhiều tiền đạo được tung hô là hay nhất thế giới, còn Italia, từng sản sinh ra những hậu vệ xuất sắc nhất mọi thời đại, lại không biết phòng ngự!

Đó không hẳn là lỗi của họ mà vì HLV CLB không thể thành công ở ĐTQG, và cả 2 nền bóng đá Anh và Italia đều đang khủng hoảng, một đã và đang dùng tiền bạc và sự hào nhoáng của truyền hình để che lấp những vấn đề về bản sắc không còn nữa, về một cuộc sống thương mại hoá quá mức và sự suy đồi lối sống của nhiều ngôi sao (Anh), một thì không còn gì và không có cách nào để giấu giếm cuộc khủng hoảng về tổ chức, về những bê bối không bao giờ dứt với doping, dàn xếp tỉ số, can thiệp của toà án, can thiệp của chính trị và sụp đổ về tài chính (Italia). Tội nghiệp cho "đôi bạn tiến cùng tiến, lùi cùng lùi" đang dẫn dắt 2 ĐT đại diện cho hai nền bóng đá đầy bê bối ấy.

Báo chí Anh đã yêu cầu "gọi taxi cho Eriksson". Họ quên là chiếc xe ấy còn rộng rãi cho cả Lippi. Nhưng làm sao Eriksson có thể ra đi khi ông đã trói được LĐBĐ Anh vào bẫy với một khoản bồi thường kếch xù (18 triệu euro) cho 4 năm hợp đồng đến tận 2008; làm sao Lippi đi nổi khi tất cả các HLV Italia khác đều chạy bán sống bán chết khi được hỏi có muốn thay ông hay không. Và vì thế, họ ở lại, tiếp tục tạo nên những ảo tưởng và thất vọng....