(13/08/2003) - Trong khi nuôi con bằng sữa mẹ sau sinh là việc hiển nhiên với bất kỳ phụ nữ nào thì với các bà mẹ nhiễm HIV, đây lại là vấn đề cần cân nhắc. Cai sữa sớm, cho bú sữa mẹ bằng bình hoặc xin sữa mẹ khác trong khi lùi lại thời điểm bắt đầu ăn dặm là những giải pháp hiệu quả giảm lây nhiễm căn bệnh thế kỷ từ mẹ cho các cháu.
Theo số liệu của WHO/UNICEF, có đến 15% số trẻ lây HIV do bú mẹ (đã nhiễm căn bệnh thế kỷ) từ mẹ qua các giai đoạn: 5% lây truyền trong thời gian mang thai, 10% trong quá trình sinh đẻ và 15% do bú mẹ. Trong cộng đồng, nếu tất cả các bà mẹ bị nhiễm HIV đều nuôi con bằng sữa mẹ, ước tính có khoảng 4% trẻ sơ sinh bị lây nhiễm.
Các yếu tố nguy cơ lây truyền HIV qua nuôi con bằng sữa mẹ sau sinh
Từ phía bà mẹ:
- Tình trạng sức khỏe, miễn dịch kém. - Tình trạng nhiễm HIV, nếu bà mẹ bị nhiễm HIV ngay trong giai đoạn cho con bú thì nguy cơ lây nhiễm cao. - HIV trong sữa mẹ. - Mẹ bị nhiễm khuẩn vú; viêm vú, áp xe vú.
Nguy cơ cho trẻ dưới 1 tuổi:
- Trẻ không bú mẹ hoàn toàn. - Thời gian bú mẹ kéo dài. - Tuổi nhỏ, nhất là trong những tháng đầu sau đẻ. - Tình trạng đáp ứng miễn dịch kém. - Trẻ bị thương tổn ở miệng, ruột.
Cách giảm lây nhiễm
- Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Ngoài sữa mẹ không cho trẻ ăn thêm bất cứ thức ăn, nước uống nào khác vì những thức ăn bổ sung trong 6 tháng đầu có thể gây viêm nhiễm đường ruột, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.
Nghiên cứu ở Nam Phi cho thấy ở nhóm bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 3 tháng đầu, nguy cơ lây truyền virus cho trẻ sơ sinh thấp hơn nhóm bà mẹ không nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ và nguy cơ lây truyền cũng không cao hơn nhóm bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ.
- Rút ngắn thời gian nuôi con bằng sữa mẹ.
- Thời gian bú mẹ càng kéo dài thì nguy cơ trẻ bị lây nhiễm HIV càng cao, cần cai sữa sớm. Hiện nay khó xác định thời gian nào có thể cho trẻ bú mà không có nguy cơ lây nhiễm HIV. Vì vậy nên ngừng cho bú ngay sau khi trẻ có nguồn sữa thay thế sữa mẹ hoặc ở thời kỳ trẻ bắt đầu ăn bổ sung.
- Tiệt trùng sữa mẹ. Sữa mẹ vắt ra được xử lý nhiệt bằng cách đun nóng đến 62-63oC trong 30 phút.
- Sử dụng sữa của các bà mẹ khác. Nguồn sữa cung cấp từ ngân hàng sữa mẹ đã được sàng lọc HIV hoặc bú trực ở những bà mẹ không bị nhiễm HIV.
Phòng tránh
Một số biện pháp phòng ngừa có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Đó là:
- Tình dục an toàn. Biện pháp tích cực nhất là phòng tránh lây nhiễm HIV cho phụ nữ, nam giới bằng cách áp dụng biện pháp tình dục an toàn. Ðiều trị và phòng tránh các bệnh khác lây qua đường tình dục (lậu, giang mai...) cũng làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, bảo vệ trẻ em tránh bị lây nhiễm HIV.
- Phát hiện bà mẹ bị nhiễm HIV. Tư vấn cho bà mẹ và giúp họ thực hiện xét nghiệm tự nguyện. Phụ nữ mang thai khi được phát hiện nhiễm HIV cần được y tế theo dõi, uống thuốc phòng, xử lý cuộc đẻ.
- Quá trình sinh đẻ: Trong khi sinh đẻ khả năng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con khá cao, cần được xử trí đặc biệt trong cuộc đẻ, sát trùng triệt để đường sinh dục, không cắt rạch vùng sinh dục ngoài. Trẻ sau khi đẻ cần tắm sạch chất gây trên người bằng dung dịch sát trùng nhẹ.
- Phòng lây nhiễm do bú sữa mẹ: Tùy theo hoàn cảnh kinh tế xã hội, để bà mẹ tự quyết định lựa chọn phương pháp nuôi dưỡng con cho phù hợp.
- Phòng và điều trị nhiễm khuẩn cho mẹ và con: Khi bà mẹ bị nứt núm vú, viêm vú, áp xe vú hoặc trẻ bị viêm miệng, tưa miệng... cần được xử trí kịp thời.
PGS. Ðào Ngọc Diễn, Sức khoẻ & Đời sống |