Hai mươi năm sau khi xuất hiện, bóng đen của đại dịch HIV - AIDS vẫn đang là hiểm hoạ kinh hoàng, đe doạ cuộc sống của người dân khắp nơi trên thế giới.
Nkosi biểu tượng chống AIDS ở Nam Phi đã qua đời vì AIDS hôm 1.6.
Ngày 5.6.1981, lần đầu tiên dư luận toàn thế giới biết đến sự xuất hiện của một căn bệnh truyền nhiễm chết người, gọi tắt là đại dịch AIDS, được các bác sĩ Mỹ phát hiện trên cơ thể năm thanh niên sống tại Los Angeles. Bóng đen của đại dịch AIDS nhanh chóng lan tràn tới mọi quốc gia trên thế giới. Hai mươi năm sau, căn bệnh này đang bùng phát hơn bao giờ hết và trở thành hiểm hoạ kinh hoàng đối với con người.
Chưa bao giờ con người lại phải đối mặt với một dịch bệnh có tốc độ lây nhiễm nhanh đến thế. Nước Mỹ, quốc gia đầu tiên khám phá ra đại dịch AIDS, giờ đây đang phải gánh chịu gần 900 nghìn bệnh nhân nhiễm virus HIV - loại virus gây ra bệnh AIDS, và mỗi năm danh sách lại tăng thêm 40 nghìn bệnh nhân mới. Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống AIDS tại bang Atlanta (ADC), tính đến hết năm 2000 có khoảng 450 nghìn bệnh nhân Mỹ đã chết dưới lưỡi hái của tử thần AIDS.
Tuy nhiên, con số trên chưa thấm vào đâu nếu so sánh với sự phát tác của căn bệnh này tại lục địa đen - nơi chiếm tới 70% số bệnh nhân AIDS trên toàn cầu. Trong hai mươi năm qua, đại dịch AIDS đã cướp đi mạng sống của hơn 15 triệu người dân Châu Phi, chưa kể 25 triệu bệnh nhân nhiễm HIV dương tính. Tại Boswana - quốc gia chịu sự tàn phá nặng nề nhất của đại dịch AIDS, 1/3 số người lớn mắc căn bệnh này. Theo Bộ Y tế Zimbabwe, tỉ lệ tăng dân số nước này trong năm tới sẽ là O% do sự hoành hành của đại dịch AIDS.
Khó có thể ngờ, Châu á- ngôi nhà của hơn 60% dân số thế giới - lại đang là khu vực dẫn đầu thế giới về tốc độ lây nhiễm virus HIV, đặc biệt là tại các quốc gia vùng Nam và Đông Nam á (ĐNA). 6 triệu người dân Châu á đã bị nhiễm HIV - AIDS, trong đó hơn 800 nghìn bệnh nhân được phát hiện trong năm 2000. Trong khi đó, đại dịch AIDS đã khiến hơn 12 triệu trẻ em tại khu vực hạ Sahara (Châu Phi) trở thành trẻ mồ côi. Con số này ước đoán vào năm 2010 sẽ là 43 triệu em, với thiệt hại về kinh tế lên tới 22 nghìn tỉ USD. Thương tâm nhất vẫn là những trẻ em chưa chào đời đã phải "chịu" án tử hình do bị nhiễm HIV lây từ mẹ. Tại Nam Phi, mỗi tháng có khoảng 5 nghìn trẻ nhiễm HIV được sinh ra và phần lớn đã qua đời khi chưa tròn 10 tuổi.
Tuy nhiên, những công bố trên mới chỉ là con số thống kê chính thức. Theo các chuyên gia y tế, số bệnh nhân mắc bệnh AIDS trên thực tế còn cao hơn nhiều. Khoảng 95% bệnh nhân tại các quốc gia đang phát triển không biết mình mắc bệnh AIDS. Bất chấp những nỗ lực không ngừng nghỉ của giới y học, bất chấp sự phát triển của các phương tiện y tế hiện đại, bệnh AIDS vẫn đang nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. "Vào thời điểm hiện tại, không ai có thể đưa ra dự đoán về sự bùng phát của đại dịch AIDS trong hai mươi năm nếu các quốc gia không tiến hành các biện pháp khẩn thiết hơn để ngăn chặn đại dịch này", Helene Gayle, Giám đốc dự án HIV tại CDC cho biết. P.T (Theo AFP)