TT - Vượt qua mặc cảm chung ở châu Phi ngần ngại tiết lộ việc người thân bị bệnh AIDS, cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela hôm thứ năm thông báo với toàn thế giới rằng con trai cả của ông qua đời sáng cùng ngày vì bệnh này.
Nelson khi công bố nguyên nhân cái chết con trai ông, Makgatho (ảnh phải) |
Chính khách lão luyện 86 tuổi, “người tù thế kỷ” với ý chí sắt đá bảo vệ lý tưởng của mình, nay phải kềm giọt lệ tuyên bố: “Con trai tôi chết vì AIDS”. Ông mời báo chí đến tận nhà mình ở Johannesburg với mục đích rõ ràng: một lần nữa thức tỉnh mọi người về đại họa HIV/AIDS và xóa bỏ điều cấm kỵ ăn sâu vào tâm thức của xã hội.
“Chúng ta không nên che giấu nguyên nhân dẫn đến cái chết của những người thân vì đây là cách duy nhất để mọi người hiểu rằng HIV chỉ là một căn bệnh bình thường như bệnh lao, ung thư - Mandela nói với các nhà báo, nước mắt lưng tròng - Tôi hi vọng với thời gian qua đi, chúng ta sẽ hiểu rằng nói chuyện thẳng thắn về AIDS là điều quan trọng...".
Kể từ khi rời chính trường, Nelson Mandela - người đoạt giải Nobel hòa bình năm 1993 - trở thành một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất kêu gọi phải hành động nhiều hơn để chống căn bệnh thế kỷ đang hoành hành đất nước ông.
Khi kêu gọi xã hội phải cởi mở hơn về căn bệnh này, Mandela không hề biết nó không buông tha chính gia đình ông. Tháng trước, người con trai còn lại duy nhất của Nelson là Makgatho (54 tuổi), một luật sư, đã nhập viện vì AIDS.
Ngay lập tức, Nelson đã hoãn nhiều cuộc gặp quan trọng để túc trực bên cạnh con trai. Ông đã mất người con trai Madiba Thembekile trong một tai nạn xe hơi năm 1969 (khi ông còn trong tù) và hiện còn ba người con gái.
Mặc dù Nam Phi có số bệnh nhân HIV/AIDS cao nhất thế giới (khoảng 5 triệu trường hợp) và số người chết vì AIDS mỗi ngày trên 600 trường hợp, nhưng rất ít chính trị gia Nam Phi đủ can đảm để báo tin người thân mình nhiễm HIV.
Lập trường của ông Mandela cũng khác hẳn với người kế nhiệm Thabo Mbeki, vốn từng gây phẫn nộ dư luận quốc tế khi tuyên bố nguyên nhân thật sự của AIDS là nghèo đói chứ không phải do virus HIV và không tạo thuận lợi cho việc phổ biến thuốc điều trị tại các bệnh viện Nam Phi.
Mandela thừa nhận khi còn làm tổng thống, ông đã không nhận thức được sự nghiêm trọng của dịch bệnh này đối với đất nước ông. Những lời chân thành của ông đã lay động con tim nhiều người dân Nam Phi.
“Sự dũng cảm cho thấy cam kết của ông chống lại HIV/AIDS ở đất nước này và thiện ý cứu thêm nhiều mạng sống khác”, lãnh đạo đảng Những người dân chủ đối lập Patricia De Lille nhận xét.
Đối diện với khó khăn, cách vượt qua tốt nhất vẫn là nhìn thẳng vào sự thật. Tính cách của Nelson vẫn luôn như thế.
S.NGUYỄN
▪ Nam giới bị nhiễm HIV cao gấp 6 lần nữ giới (04/01/2005)
▪ Phòng chống HIV/AIDS là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2005 (02/01/2005)
▪ Đà Nẵng: Không còn người nghiện ma tuý trong cộng đồng (30/12/2004)
▪ 8 tỉnh không tổ chức cai cho người nghiện ma tuý (27/12/2004)
▪ Năm 2004, hơn 62.600 người đã được cai nghiện (27/12/2004)
▪ Hơn 600 công nhân viên chức nhiễm HIV (27/12/2004)
▪ Bến xe Kim Mã vắng bóng con nghiện (24/12/2004)
▪ 50% tỉnh thành chưa tổ chức cai nghiện (23/12/2004)
▪ Thái Lan: Giáo dục giới tính phản tác dụng (17/12/2004)
▪ Người đồng tính Trung Quốc hiểu biết ít về AIDS (16/12/2004)