Du khách trong và ngoài nước đến Sa Pa, nếu tìm được đến Tả Phìn, địa điểm nằm cách thị trấn khoảng 15km, để tắm nước lá thuốc danh bất hư truyền và mua đồ chạm bạc sắc sảo, tinh tế của người Dao nơi đây sẽ có những trải nghiệm khá thú vị và bất ngờ...
![]() | |
Các đồ nghề và sản phẩm chạm khắc bạc của ông Tẩn Phù On |
Nghề thợ bạc là nghề gia truyền, chủ yếu làm những đồ trang sức như vòng cổ, vòng chân, vòng tay, vòng tai, nhẫn, dây bạc, hộp đựng trầu... Mỗi thiếu nữ người Dao khi kết hôn được bố mẹ sắm cho một bộ trang sức bằng bạc, gồm vòng cổ, xà tích, vòng tai, lắc đeo tay, nhẫn, bộ lùi-ton… với trọng lượng đến gần 4kg. Tất cả đồ trang sức này đều được chạm, khắc hoa văn rất đẹp, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo quan niệm của người Dao, bạc trắng là của quý, vật bất ly thân, vừa để trang điểm, vừa có tác dụng phòng ngừa bệnh tật, đem lại may mắn, no đủ, hạnh phúc. Vì thế, những nghệ nhân chạm bạc nổi tiếng được dân bản rất kính trọng, tự hào.
Ở tít trên đỉnh núi cao mờ sương bản Sẻng Séng, ông Tẩn Phù On, năm nay gần 70 tuổi, là nghệ nhân duy nhất lưu giữ nghề chạm bạc gia truyền của dòng họ hơn 30 năm nay.
Đồ nghề của ông rất đơn giản, chỉ ít than hoa, chiếc đe gỗ + nhựa cây và bộ ve (mũi chạm) gồm hơn 40 mũi to, nhỏ khác nhau. Thế nhưng các sản phẩm làm ra lại rất phong phú, tinh xảo.
Ông On cho biết bí quyết là ở óc sáng tạo, sự khéo tay và phải tuân thủ chặt chẽ các công thức gia truyền để tạo nên sản phẩm vừa đẹp, vừa bền. Ở một vài nơi khác, có người dùng giẻ tẩm dầu cho vào ống vầu để thổi, dùng để gia công nhiệt; hoặc dùng bạc không nguyên chất. Riêng ông, lên rừng tìm những gốc cây sến cổ thụ đã khai thác, tận dụng đốt thành than hoa đem về quạt bễ rèn.
Chiếc đe đặc biệt được dòng họ truyền lại làm bằng gỗ, bên trên phủ một hỗn hợp dày là nhựa một loại cây rừng, có tính năng mềm lúc rèn phôi còn nóng đỏ và cứng như sắt khi phôi nguội dần. Nhờ nó mà khi gia công phôi bạc không bị gãy nát, tạo hình sắc nét dễ dàng.
Cuối cùng là công đoạn chạm khắc, phải cẩn thận, tỷ mỷ kết hợp với óc quan sát, tưởng tượng phong phú, sinh động gắn liền với thiên nhiên mới làm ra được sản phẩm tinh tế, sinh động, có hồn. Sản phẩm chạm khắc xong được ngâm vào một dung dịch nước chua, được chiết xuất từ một số loại cây lá trên rừng, sẽ rất bóng và giữ bền màu sáng của bạc.
Trước đây, ông Tẩn Phù On chỉ làm đồ cưới, đồ trang sức cho cô dâu, trẻ em, người già trong bản. Được sự khuyến khích và giúp đỡ của Phòng Văn hóa - thể thao và du lịch Sa Pa, nghệ nhân này đã có một cửa hiệu nhỏ tại thị trấn để giới thiệu sản phẩm chạm khắc bạc truyền thống chính hiệu của người Dao với du khách trong và ngoài nước khi đến Sa Pa.
Các đồ nghề và sản phẩm chạm khắc bạc của ông Tẩn Phù On |
Bài, ảnh: HỒNG THẢO
▪ Du ngoạn thác Voi (28/10/2008)
▪ Ghé Côn Đảo nghe kể chuyện đời... cây cải! (28/10/2008)
▪ Sáng Bạch Mã, chiều Lăng Cô (28/10/2008)
▪ Kể chuyện Myanmar (24/10/2008)
▪ Vẻ đẹp dãy Trinity Alps (23/10/2008)
▪ Thăm làng tranh Đông Hồ (22/10/2008)
▪ Du lịch Singapore trong 48 giờ (22/10/2008)
▪ Những phác họa từ Thái Lan (22/10/2008)
▪ Thu Morgantown - lên núi cắm trại (20/10/2008)
▪ Lại một thoáng Tây An (20/10/2008)