Đừng để danh thắng là "mì ăn liền"
Các Website khác - 14/06/2008

 

Thác Cam Ly ô nhiễm làm phiền lòng du khách khi đến Đà Lạt
Hiện tại, hàng loạt di tích, thắng cảnh ở Lâm Đồng đang xuống cấp nghiêm trọng. Nếu không có phương án cứu những điểm du lịch từng khá nổi tiếng nhưng đang xuống cấp, thì Lâm Đồng chắc chắn sẽ không còn mang danh tỉnh giàu có danh thắng quốc gia.

Ông Đinh Bá Quang - Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở VHTTDL Lâm Đồng) - cho biết: "Lâm Đồng hiện có 17 danh lam, thắng cảnh, di tích được công nhận là di tích văn hóa - lịch sử (VHLS) cấp quốc gia; trong đó có 14 danh thắng, 2 di tích kiến trúc (ga Đà Lạt và Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt) và 1 di chỉ khảo cổ học (Cát Tiên).

Những năm qua, hầu hết 14 danh thắng này đã được giao cho các cá nhân và tập thể quản lý và khai thác kinh doanh du lịch, nhưng việc quản lý, khai thác, kinh doanh vẫn còn nhiều bất cập cho nên các di tích VHLS cấp quốc gia này bị xuống cấp, có nơi còn bị xâm phạm nghiêm trọng".

Cũng theo ông Đinh Bá Quang, hầu hết các danh thắng khi được giao  cho đơn vị quản lý, thì việc tôn tạo không được chú trọng trong một thời gian dài; trong khi đó, việc kinh doanh lại mang tính "mì ăn liền". Theo quy định tại thông tư số 206, ngày 22-7-1996 của Bộ VHTT (cũ), các cá nhân và đơn vị khi được giao danh thắng kinh doanh thì phải trích từ 3% - 5% lãi suất hằng năm để tôn tạo, nhưng hầu như quy định này đã không được tuân thủ một cách triệt để.

Việc quản lý cũng có không ít chuyện đáng bàn: Nhiều danh thắng trên địa bàn Đà Lạt và các huyện bị dân lấn chiếm đất đai, xâm phạm công trình, hoặc làm nhà ở trong khu vực II và cả khu vực I, nhưng việc giải quyết nhằm bảo vệ di tích không được chính quyền, cơ quan chức năng và cả chủ quản lý chú trọng đúng mức. Từ nhiều năm qua, tại thác Cam Ly có đến trên 40 hộ dân vẫn ở trong khu vực II (có hộ nằm trong khu vực I).

Tại thác Prenn, "bộ mặt" của danh thắng được xếp hạng di tích cấp quốc gia này cũng đang rất khó coi bởi sự hiện diện của trên 20 hộ dân trong khu vực II. Hoặc như thác Voi (nằm ở huyện Lâm Hà), mặc dầu đã được giao cho một nhóm người khai thác du lịch, nhưng nhiều năm qua vẫn hoang tàn. Bỏ ra trên 250 triệu đồng để kinh doanh, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, Công ty du lịch Thác Voi phải đóng cửa thác vào năm 2005. Và thác này hiện đã được sang lại cho một đơn vị kinh tế ở TP.HCM.

Gougah, Liên Khương và Pongour là ba thác nước nằm trên địa bàn huyện Đức Trọng trong số 14 hồ, thác tại tỉnh Lâm Đồng được công nhận là di tích LSVH cấp quốc gia. Trong năm 2007, việc tích nước hồ Đại Ninh của công trình thủy điện Đại Ninh đã làm cho ngọn thác Gougah cao 20m bị ngập chìm hoàn toàn trong nước.

Bên cạnh thác Gougah đã bị xóa sổ, thác Liên Khương một thời "hoành tráng" là thế (mặt thác dài trên 30m), nhưng nay chỉ trơ ra những tảng đá với vài khe nước trông đến thảm hại. Nguyên nhân: Thủy điện Đa Nhim ngày càng thiếu hụt nguồn nước nên việc tăng cường chặn dòng phía thượng nguồn đã làm cho thác khan hiếm nước quanh năm.

Thác Pongour cũng vậy: Do chặn dòng thủy điện Đại Ninh nên nguồn nước đổ về thác không đủ để kinh doanh du lịch. Hiện đơn vị khai thác du lịch thác Pongour - Công ty TNHH dịch vụ du lịch Đất Nam - phải dùng đến 3 máy bơm nước từ phía trên đổ vào thác nhằm cứu vãn tình thế, nhưng hiệu quả không cao.

Nếu ngành điện lực và ngành VHTTDL từ bây giờ bắt tay ngay vào việc xây dựng một đập tích nước phía trên thác thì số phận của Pongour sẽ không bi đát như thác Gougah (ước kinh phí cho công trình xây đập khoảng trên dưới 4 tỉ đồng). Còn với thác Gougah, việc đề nghị Bộ VHTTDL rút lại quyết định công nhận di tích LSVH âu cũng là chuyện chẳng đặng đừng, bởi hiện tại thác này đã hoàn toàn bị xóa sổ.

Theo KHẮC DŨNG - Lao Động