Hà Khẩu... tour du ký
Các Website khác - 13/11/2005
5 tiếng đồng hồ du lịch trên đất bạn, chúng tôi phát hiện được nhiều điều lý thú. Từ cuộc sống, sinh hoạt của người dân bản địa đến không khí sầm uất, náo nhiệt của một cửa khẩu quốc tế lớn và cả những mảnh đời nhỏ bé của dân xứ ta trong cuộc mưu sinh nơi đất khách.

Giám đốc Cty Lữ hành quốc tế Bình Minh - Lê Anh Đại vui vẻ hướng dẫn chúng tôi làm các thủ tục cần thiết cho một tour đi trong ngày sang thị trấn Hà Khẩu (huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) với giá mềm đến ngạc nhiên: 80 ngàn đồng/người.

Đây là khu kinh tế mở nằm dọc theo bờ sông Hồng về phía Bắc, có vị trí chiến lược trong giao lưu kinh tế - văn hoá giữa hai nước Việt - Trung bằng cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu - Lào Cai được nối liền bởi 2 cây cầu Hồ Kiều I, Hồ Kiều II và đặc biệt quan trọng khi hành lang kinh tế: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được thiết lập.

Chỉ sau một giờ đồng hồ trong tay chúng tôi đã có "Giấy thông hành xuất nhập cảnh" đóng dấu đỏ chót của Phòng Quản lý XNC - Công an tỉnh Lào Cai. Cô hướng dẫn viên tên Lan Phương vui vẻ giải thích khi anh bạn đồng nghiệp tỏ vẻ áy náy vì tour chỉ vẻn vẹn: hai nhà báo - "Ở đây, dù chỉ một khách chúng em vẫn đưa đi mà giá không tăng thêm đồng nào".

Tại cơ quan kiểm dịch y tế biên giới phía VN chúng tôi được hướng dẫn uống một loại vaccine phòng bệnh tả, liếc qua thấy Phương đóng phí 20.000 đ. Thủ tục xuất cảnh được hoàn tất trong nháy mắt, hai tấm vé qua cầu trị giá 6.000 đ (cũng do phía bao tour chi trả). Từ đây đến khi quay trở lại VN, không thấy Phương phải đóng thêm một khoản tiền nào nữa. Qua cửa kiểm tra an ninh, xuất trình "hộ chiếu" ở trạm kiểm soát của Bộ đội Biên phòng ngay tại đầu cầu và bắt đầu cuộc hành trình "tốc hành" sang đất bạn.

Nước bạn - lạ mà quen

Trung tâm Xuất nhập cảnh phía Trung Quốc có vẻ bề thế hơn ở bên ta, việc làm thủ tục cũng ấn tượng hơn bởi thái độ nghiêm túc hơi lành lạnh của nhân viên công vụ. Khu vực này quy định không được chụp ảnh, không nghe điện thoại di động. Tôi thấy nhiều phụ nữ Trung Quốc cầm trên tay những con tò he xanh đỏ, ngộ nghĩnh mua từ VN mang về.

Nếu so vài năm trước an ninh trật tựcửa khẩu nơi này tốt và chuyên nghiệp hơn. Phố phường nguy nga với nhiều shop thời trang, thực phẩm... tạo ấn tượngbằng các loại biển hiệu nhiều màu sắc và hình nhưđược sắp đặt ở những vị trí nhất định với kích cỡ giống nhau khiến cho đường phố rộng và thoáng, đặc biệt hàng hoá của họ không bày tràn lan trên vỉa hè.

Từ phố chính mang tên: Nhân Dân, nhiều con đường toả đi các ngả với các hoạt động buôn bán sầm uất. Những mặt hàng thời trang cao cấp giá cũng khá cao so với thu nhập của người dân biên giới nhưng vẫn thua xa nếu so các mặt hàng tương tự trong các shopping ở Hà Nội hoặc TP HCM. Cũng giống bên VN, người bán hàng nói thách để người mua trả giá, nhưng không quá cao (khoảng 10 - 20%).

Đường phố không có các loại xe tải lớn. ở đây, tôi phát hiện một điều thú vị: ngược quy định bên ta, phương tiện giao thông của bộ máy nhà nước mang biển trắng, tư nhân sơn biển xanh.

Dẫn đến vườn hoa trung tâm, Phương chỉ một bức phù điêu lớn, hình như được làm bằng hợp kim màu sáng bạc, cao chừng 5 m. Cô cắt nghĩa: đó là biểu tượng của thị trấn Hà Khẩu với tâm điểm là hình quả cầu biểu trưng cho vị trí đắt giá như một viên ngọc quý với các hình bán nguyệt bao quanh tượng trưng cho thế núi, dáng sông.

Nhọc nhằn mưu sinh trên đất bạn

Hàng ngàn người chuyên chở hàng hoá trong ngày bằng phương tiện thô sơ, phổ biến là xe đạp với đủ chủng loại từ thực phẩm, rau quả, quần áo, hàng tiêu dùng đến máy móc công cụ. Có khi là những chiếc xe kéo khổng lồ chở đến cả chục tấn hàng do nhiều người xúm xít đẩy qua cầu. Đội quân này một số là dân cửu vạn, một số là những người buôn bán nhỏ ở Lào Cai lấy hàng về bán lẻ hay đóng cho cánh lái buôn đem về xuôi.

Nhiều người ít vốnchỉ làm nhiệm vụ chở thuê cho các chủ hàng. Lúc ở trên cầu, tôi hỏi chị đẩy xe hàng nặngmới hay chỉ chở thuê mỗi tạ 10.000 đồng từ bên kia qua bên này và ngược lại. Cả một đoạn phố dài đến tận cửa kiểm soát hải quan: nguời, xe nối đuôi nhau chờ làm thủ tục qua cầu. Họ tranh thủ lúc chờ đợi vừa giữ xe vừa ăn bánh bao, bánh mì, hoa quả và uống nước lọc đựng trong những chai nhựa đem theo từ nhà.

Còn một đội quân buôn thúng bán bưng, đa số là phụ nữ "thường trú" luôn ở Hà Khẩu (trong các nhà trọ rẻ tiền) với thu nhập bình quân từ 800.000 đến 1.000.000đ/ tháng. Trừ tiền nhà và chi phí sinh hoạt tằn tiện, mỗi tháng cũng để ra được dăm ba trăm chắt chiu trongnhọc nhằn. Có người vàitháng về nhà theo đường nhập cảnh không chính thức. đa số còn lại chỉ gửi tiền về quê.

May mắn với mức thu nhập ổn định hơn là những cô gái được các chủ cửa hàng ở trên phố thuê bán hàng cho tiện giao dịch với người Việt. Số này được bao ăn ở và trả lương theo thoả thuận hoặc hoa hồng từ doanh số bán hàng. Ở chợ thực phẩm, tôi gặp chị tên Hồng quê ở Vĩnh Phúc gánh tòng teng dăm cân quýt, vài ký hồng giòn đi bán rong, mỗi ngày kiếm chừng hai chục Nhân dân tệ (khoảng 40.000 đ tiền Việt).

Nhưng cái đáng lo ngại ở những khu vực như thế này, môi trường có vẻ ô nhiễm nghiêm trọng mà chẳng thấy chị đeo khẩu trang hay găng tay gì cả. Mới thấm thía, trong cuộc mưu sinh nghiệt ngã con người ta đôi khi phải trả giá đắt cho cả những điều vu vơmà họ chẳng ngờ tới bao giờ!

Muôn nẻo "Chợ tình"

Là cái tên do chúng tôi tự đặt cho đỡ xót xa chứ ở đây, người ta vẫn gọi đó là chợ lầu xanh - nơi mua bán thân xác công khai, hợp pháp. Chiếm trọn tầng 2 và 3 của hai khu nhà Diễn Sào và Kim Minh (trừ khu Hồng Lợi) nằm trong Chợ biên mậu VN, rộng chừng vài ha.

Ở các tầng trệt là nơi buôn bán của hàng trăm cư dân Việt. Họ thuê kiot bán nhiều loại hàng thủ công mỹ nghệ, mỹ phẩm, nông sản, thực phẩm chế biến... và rất nhiều loại đồ chơi mang tính bạo lực như gươm đao, cung kiếm... nhìn y như thật, do Trung Quốc sản xuất.

Mỗi kiot rộng chừng 12 m2 ngoài khoản tiền đăng ký đóng một lần từ trước đó, hàng tháng phía bạn thu 600 Nhân dân tệ (1,2 triệu tiền Việt) và 100 tệ thuế tháng (2 trăm ngàn đồng) và mọi việc ăn ở, buôn bán coi như được đảm bảo. Tôi quan sát thấy nhiều người Việt đang hối hả đóng hàng ở chợ này để đem về VN.

Giống như ở Hồng Kông, Ma Cao, sòng bạc và nhà chứa ở đây hoạt động công khai. Và tất nhiên mức thuế phải đóng cũng khá cao so các giao dịch thương mại thuần tuý. Khi phát hiện ống kính máy ảnh của chúng tôi hướng về phía họ, các cô phản ứng quyết liệt và giơ tay che hoặc quay mặt vào trong.

Có lẽ họ cũng day dứt và ý thức về nhân phẩm dù đã lỡ bước sa chân. Họ còn rất trẻ, bắc ghế ngồi túm năm, tụm ba chờ khách giữa thanh thiên bạch nhật. Mọi hoạt động hành nghề chỉ thực sự ở phía trong tấm rèm nửa kín nửa hở hoặc được thiết kế như chiếc buồng mini vừa kê đủ chiếc giường 1,2 hoặc 1,4 m gì đó nằm sát cạnh nhà vệ sinh.

Tôi bắt chuyện với mấy cô mắt xanh váy ngắn và được tiết lộ vài thông tin nội bộ. Ở đây gần như không có bảo kê, các chủ chứa là người Việt hoặc người Trung Quốc. Thông thường họ nuôi từ 2 - 5 cô trong diện tích khoảng 24 m2, có những phòng đủ sức chứa tới... 10 bóng hồng. Cơ chế trả lương cũng rất đa dạng, có cô được hưởng lương tháng (từ 1 - 2 triệu đồng tuỳ theo giá trị nhan sắc và tuổi đời) có cô được ăn chia tỷ lệ theo số lượt đi khách cộng tiền bo.

Nếu được khách bao dẫn đi vài ngày hoặc vài tuần lúc về nộp lại một phần cho chủ. Giá dịch vụ "tươi sống" ở đây cũng đa dạng và khá bình dân. Từ 120.000 - 200.000 đ tiền Việt cho một "chuyến tàu suốt", 80 - 100.000 đ cho khách "tàu nhanh". Trật tự của thế giới ngả ngớn này cũng khá nghiêm ngặt, không có việc đánh đạp, gây rối ngoài những va chạm nho nhỏ do tranh giành khách.

Chợ tình đã giải đáp những thắc mắc trong tôi khi bắt gặp trên phố những cửa hàng bày bán các loại thuốc kích dục đa dạng và công khai với lời lẽ và những hình ảnh quảng cáo cỡ lớn ấn tượng đến... nổi da gà!

15g chiều, bước chân qua cầu Hồ Kiều II trở lại VN mà cảm giác như có vật gì níu lại. Bất giác trước mặt tôi hiện lên hình ảnh em bé gái bụ bẫm, trắng trẻo có đôi mắt trong veo, ngơ ngác giữa đám các cô và mẹ nó miệng cười rũ rượi, quần áo thiếu thốn đứng từ trên tầng gác chào mời lơi lả.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp