Lệ Giang - bài thơ đô thị
Các Website khác - 12/07/2008

Đã có quá nhiều lời ngợi ca dành cho thành phố cổ trên cao nguyên này. Cách  Côn Minh - thủ phủ Vân Nam một giờ bay, thành cổ Lệ Giang - điểm trung chuyển trên con đường trà mã cổ đạo sang Tây Tạng - là một kiệt tác về kiến trúc và qui hoạch đô thị cổ.

Bánh xe nước: biểu tượng của Lệ Giang cổ thành

Nằm trên độ cao 2900m, Lệ Giang được trời ban cho một khí hậu mát mẻ trong lành quanh năm. Nhà họ Mộc, người được vua nhà Minh ban cho quốc tính và được phép trấn giữ thành phố quan ải phía tây nam này, đã vì sợ húy kỵ - xây thành thì họ mộc bị hãm ở trong, chữ Mộc thành ra chữ Khốn - nên đã xây dựng một thành phố không có tường thành. Lệ Giang vì vậy trở thành thành phố mở từ khởi thủy của nó.

Nằm dựa lưng vào núi tuyết Ngọc Long - ngọn núi trinh nữ vì từ thuở khai thiên lập địa chưa ai chính phục được, Lệ Giang đón nhận dòng nước trong vắt và lạnh buốt từ núi tuyết chảy xuống gọi là Ngọc Thủy. Ngọc Thủy chảy qua thành cổ được một khúc thì chia ba, lại xuôi tiếp rồi lại chia ba, cứ thế ra khỏi thành cổ chỉ hơn 3km mà có đến 27 khe Ngọc Thủy.

Nước chảy trên lòng khe bằng đá, giữa phố cổ, trong càng trong hơn. Phố cổ Lệ Giang cứ men theo 1,3,9 rồi 27 khe nước Ngọc Thủy ấy mà bán buôn sầm uất. Suối chảy giữa phố, liễu rũ xuống hai bờ. Hai bên là nhà cửa, hàng quán. Từ những con đường lát đá, muốn vào quán, tiệm, nhà nào cũng phải qua một cây cầu gỗ nhỏ, tiếng nước róc rách ngày đêm, bền bỉ, trong lành như hàng ngàn năm nay vẫn vậy.

Liễu và hoa trong phố cổ

Lệ Giang không có thành cao, hào sâu, cũng không có nhiều lầu gác hoành tráng, qui mô. Tất cả đều nho nhỏ, xinh xinh, nhưng lối đi nho nhỏ, quanh co thoạt nhìn tưởng giống nhau vì đâu cũng là nhà gỗ, mái cong, đường đá, bờ suối và liễu rũ. Nhưng người tinh ý sẽ không bao giờ bị lạc, vì vào bằng cửa nào thì sẽ nhìn dòng nước để ra đúng cửa ấy. Nếu vào bằng cửa nam nước chảy xuôi thì cứ đi ngược sẽ tìm được cổng ra. Ngược lại  vào từ cửa tây, đi xuôi dòng là về điểm hẹn.

Thành cổ chỉ có diện tích không đầy 2km2, nhưng những di tích kiến trúc gỗ và đá còn gìn giữ được thật sự có mật độ dày đặc. Trận động đất năm 1991 đã tàn phá Lệ Giang đáng kể , nhưng bù lại cũng làm thế giới "phát hiện lại" Lệ Giang và khiến nhà chức trách địa phương nhận ra kho tàng vô giá mình đang sở hữu.

Hiện tại Lệ Giang đang có chủ trương "cấp quota du lịch" bằng cách nâng vé và lệ phí để hạn chế khách đến, nhằm chọn lọc khách du lịch để bảo tồn thành cổ một cách hiệu quả nhất.

Thành cổ lung linh về đêm

Tuy chi phí ăn uống, lưu trú và giá cả các món quà lưu niệm ở đây không hề đắt so với giá trị, nhưng giá vé, lệ phí các điểm tham quan càng ngày càng tăng. Tính cả vé vào thành cổ (không thu từ khách, mà thu từ khách sạn) và các loại phí, khách đi lẻ có thể phải trả đến gần 1.000 tệ (xấp xỉ 3 triệu đồng VN) nếu tham quan tất cả điểm đáng chú ý ở đây. Cũng là một cách hợp lý để "lấy di sản nuôi di sản".

Đến cổ thành, chưa cần thăm thú bất kỳ điểm nào, chưa nếm đồ ăn và hưởng những thú vui về đêm, chỉ cần dạo bước trên những phiến đá lát đường, bên dòng ngọc thủy trong vắt, nghe tiếng nước hòa cùng tiếng rặng liễu rì rào, nhìn những ngọn đèn lồng hắt ánh sáng ấm lòng trong cái se lạnh của khí núi. Nép vội vào những mái hiên hàng trăm năm tuổi khi cơn mưa bất chợt ào xuống rồi lại ào đi, người ta sẽ thấm thía vì sao Lệ Giang được gọi là nơi nhất định phải đến trước khi chết, và tự hẹn với mình không thể nào không quay lại

VIỆT HOÀI