Hơn 8g sáng, thị trấn nhỏ như bừng lên bởi màu nắng vàng như mật ngọt và chút sương núi đêm qua còn vương lại se lạnh trong không gian. Ngước mắt nhìn lên, Suối Giàng trên cao vẫn chìm trong biển mây trắng toát. Những đám mây dày như một tấm chăn bông khổng lồ choàng lên cả dãy núi dài, hiếm lắm mới thấy một vài đỉnh núi xanh nhấp nhô, nhưng chỉ trong thoáng chốc rồi ngay lập tức lại chìm vào biển mây.
|
Hoa trẩu ở Suối Giàng |
Con đường quanh co với những khúc cua tay áo gập sâu, tầm nhìn ngắn và độ cao tăng nhanh đến chóng mặt. Giao thông ở miền núi thường rất thưa thớt, và vì thế cái cảm giác khoan khoái vì một mình một "ngựa" tràn ngập trong lòng tôi.
Mùa xuân đến đã làm hồi sinh những sườn núi khô khốc. Những đồi chè xám xịt chuyển màu xanh nõn, thứ màu xanh miên man trôi từ triền bên này vắt sang triền bên kia. Tấm áo nâu đỏ của đất núi căng tràn màu sự sống, ngô mới tra hạt, cây non mới gieo trồng… Bức tranh tươi đẹp đó, cứ sau mỗi khúc quanh, lại hiện ra như một lời chào thân thiện của Suối Giàng.
Và con đường hoa trẩu, lộng lẫy và e lệ như một cô gái tuổi xuân thì, hoa trắng rụng xuống trải thành một lớp thảm tinh khôi bên lề đường, chao ôi đẹp và lãng mạn cho một điểm dừng chân, hoan hỉ thu vào tầm mắt một vùng núi non kỳ vỹ...
![]() |
Đường lên Suối Giàng. |
Xe càng lên cao, không gian càng lộ ra mênh mênh mang mang. Văn Chấn xinh xắn nằm yên bình trong lòng thung lũng, xa xa là Tú Lệ đang xanh mùa lúa mới ra đồng. Quốc lộ 32 bé tí vạch ngoằn ngoèo giữa phố, lên núi rồi trèo sang phía bên kia, mất hút giữa màu xanh của rừng và màu đỏ của đất, đường liên xã liên bản nối ngang xẻ dọc.
Thẳng tầm mắt là con đường cheo leo vào Tà Sì Láng, đường lên Phình Hồ cũng đang ngập trong mây. Những dải núi cao nhất dăng thành bốn phía xung quanh, những dải núi đất thấp hơn ở phía trong, với những cánh rừng tái sinh và những nương chè ngào ngạt.
![]() |
Người Mông đi hái chè sớm. |
Quả thật, có lẽ không ở đâu trên đất nước ta lại có rừng chè cổ thụ đặc biệt như ở Suối Giàng. Chè mọc thành rừng, và hơn thế còn là rừng cổ thụ. Những lưng núi xanh ngút ngàn bởi màu lá chè non mới ra. Những gốc chè hình thù cổ quái, cành vươn dài như những cánh tay hiên ngang đón gió trên đỉnh trời.
Người ta nói hái chè vào buổi sáng sớm, khi sương đêm còn đọng trên lá thì chè sẽ ngon hơn cả. Khi chúng tôi lên thì người Mông đã đưa cả nhà lên rừng.
Cả nhóm rẽ vào một khu rừng ở gần đường nhất để cùng hái chè, trò chuyện với những người dân tộc hiền lành, mộc mạc và chơi đùa với bọn trẻ hồn nhiên.
Để đi Suối Giàng, du khách cần chuẩn bị: - Thời gian: Hai ngày nghỉ cuối tuần, Suối Giàng cách Hà Nội chừng 200km về phía tây bắc. - Phương tiện: Nên sử dụng xe máy hoặc ôtô riêng. - Nghỉ đêm tại trung tâm huyện Văn Chấn, có nhà khách của UBND, nhà sàn bản Hốc (40.000đ/khách, tắm suối khoáng Bản Hốc, có cả suối lộ thiên và nhà tắm khoáng). - Ăn uống: Văn Chấn có một hàng ăn sáng với món lòng khá nổi tiếng trong giới “phượt”, các món gà và cá suối cũng là những đặc sản thú vị. - Khám phá: Cảnh đẹp thiên nhiên trên đường, rừng chè tuyết cổ thụ, làng văn hóa các dân tộc ở quanh trung tâm xã. - Đến Suối Giàng nên mua chè Suối Giàng để thưởng thức hương vị đặc biệt của xứ này, loại chè ngon nhất được xao từ nõn (búp chè) giá khoảng 200.000đ/1kg. - Chi phí: Khoảng 300.000đ/ người. (Thông tin tham khảo) |
▪ ‘Đảo Tình Nhân’ hút khách dịp Valentine (13/02/2009)
▪ Thiên nhiên tươi đẹp ở Hy Lạp (13/02/2009)
▪ Top 10 điểm đến lãng mạn trong lễ tình nhân (13/02/2009)
▪ Huyền ảo Dubai - HongKong xứ Ảrập (12/02/2009)
▪ Thiên đường Bãi Sao (12/02/2009)
▪ Thiên nhiên sống động (12/02/2009)
▪ Những lâu đài đẹp trên thế giới (11/02/2009)
▪ Thiên nhiên tuyệt vời ở Canada (11/02/2009)
▪ 10 điểm đến tuyệt vời cho ngày Valentine (09/02/2009)
▪ Sắc màu Thổ Nhĩ Kỳ (06/02/2009)