Cẩn thận với biến chứng của sởi
Các Website khác - 25/02/2009

 Đến hôm qua 24-2, khoa nhi tổng hợp Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội) còn 15 bệnh nhi sốt phát ban dạng sởi nằm điều trị. Đây là số bệnh nhân có biến chứng viêm phổi, viêm đường hô hấp sốt phát ban. Theo các BS, tỉ lệ biến chứng do sởi năm nay rất cao.

Chiều 24-2 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân H.C.C. sau bốn ngày nhập viện vẫn đang sốt ban đỏ -Ảnh:THANH ĐẠM

BS Hoàng Minh Thu, trưởng khoa khám nhi Bệnh viện Saint Paul, cho biết đang tiếp tục gia tăng số bệnh nhi sốt phát ban đến khám, tỉ lệ có biến chứng, phải nhập viện 5-10%.

Phát hiện sớm, theo dõi biến chứng

Chị Thái Thị Linh, nhà ở phố Khâm Thiên, Hà Nội, đang trông con gái hai tuổi rưỡi bị sốt phát ban, có biến chứng viêm phổi nặng điều trị tại Bệnh viện Saint Paul, cho biết từ thời điểm bé sốt, viêm đường hô hấp không rõ nguyên nhân đến thời điểm nổi ban khắp mặt và chuyển sang viêm phổi, ho ra máu chỉ khoảng ba ngày. Bệnh diễn tiến nhanh nên mặc dù rất cẩn thận, cho bé đi khám hai lần BS vẫn chẩn đoán nhầm là bé bị viêm đường hô hấp.

Theo BS Phi Nga, phó trưởng khoa nhi tổng hợp, thời điểm này có nhiều nguyên nhân dẫn đến sốt phát ban, ví dụ như sốt phát ban do virus mùa xuân, do các siêu vi cũ hay do sởi. Bệnh sởi chỉ được xác định sau khi bệnh nhân được xét nghiệm huyết thanh dương tính với sởi. Tại Bệnh viện Saint Paul, thời gian qua có cả trẻ dưới 9 tháng tuổi (thời điểm tiêm chủng sởi tốt nhất) sốt phát ban. Có gia đình cả hai mẹ con đều sốt phát ban nghi sởi. Do sau khi mắc bệnh, khả năng miễn dịch của bệnh nhân xuống rất thấp nên thường gặp các biến chứng sau sốt phát ban như viêm phổi, viêm tai giữa ở trẻ em; viêm não, viêm màng não (ở người lớn, mùa dịch này tại Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia đã có 15 trường hợp bị biến chứng này)... Vì vậy quan trọng là phải phát hiện sớm và theo dõi được các biến chứng của người bệnh.

Văcxin đã về nhưng đang chờ kiểm định

Vừa qua nhiều phòng tiêm chủng ở Hà Nội, TP.HCM đã hết văcxin tam liên ngừa sởi - quai bị - rubella (văcxin sởi đơn chỉ dành cho trẻ 9-12 tháng tuổi). Cục Quản lý dược cho biết một công ty nhập khẩu đã nhập về 204.800 liều văcxin tam liên hôm 18-2 nhưng còn chờ kiểm định tại Viện Kiểm định văcxin và sinh phẩm y tế.

Tại các bệnh viện Hà Nội, rải rác có bệnh nhân thủy đậu, trong đó có cả người lớn và trẻ em. Thời điểm mùa đông - xuân này cũng là mùa dịch thủy đậu. Riêng tại Bệnh viện da liễu Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 20 người lớn và trẻ mắc bệnh thủy đậu tới khám.

Theo BS Nga, các dấu hiệu phát hiện bệnh sởi bao gồm sốt, sau đó bệnh nhân có thể viêm long đường hô hấp (ví dụ như chảy nước mắt, nước mũi) và bắt đầu nổi ban từ mặt, cổ, gáy và lan xuống toàn thân. Các BS đánh giá điểm đặc biệt của mùa dịch này là ban nổi dày hơn và xuất hiện cả ở nhóm trẻ em đã được tiêm ngừa sởi. Tại Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia, với 800 bệnh nhân đã nhập viện vì sốt phát ban do sởi trong thời gian qua, tỉ lệ 15 người có biến chứng nặng, hôn mê sâu và vừa là rất cao so với tỉ lệ biến chứng sau sởi ghi trong y văn (chỉ 1 trường hợp biến chứng/1.000 ca bệnh).

Giữ vệ sinh và đảm bảo dinh dưỡng

Ông Đỗ Sỹ Hiển, thành viên ban điều hành Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho rằng khi tỉ lệ tiêm ngừa sởi cho trẻ em xuống thấp thì tuổi mắc sởi gia tăng, điều này đã xuất hiện ở một số nước chứ không riêng VN. Trong mùa dịch này, Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) đã thống kê cho thấy trên 80% người mắc là trên 15 tuổi.

Vì vậy ngoài mũi tiêm ngừa sởi ở thời điểm trẻ được 9-12 tháng tuổi, các BS khuyến cáo nên tiêm thêm một mũi vào thời điểm trẻ vào lớp 1. Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã tổ chức tiêm ngừa miễn phí cho nhóm trẻ em này từ 2007, cho nhóm trẻ em sinh năm 2000 trở lại đây. Tuy nhiên nhóm lớn hơn lại chưa được tiêm nhắc lại mũi thứ hai này.

Kinh nghiệm dân gian cho rằng nên tuyệt đối kiêng gió, kiêng nước với bệnh nhân sởi. Tuy nhiên ông Nguyễn Hồng Hà, phó viện trưởng Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia, cho rằng do khả năng miễn dịch của bệnh nhân sởi xuống thấp nên từng có trường hợp cảm do gió vì bệnh nhân yếu chứ không phải tại gió. Các BS khuyên nên giữ vệ sinh cho bệnh nhân và đảm bảo dinh dưỡng hơn ngày thường với các món ăn dễ tiêu hóa cho nhóm bệnh nhân này.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng và môi trường cho thấy tính ở thời điểm 23-2, có 11 tỉnh có bệnh nhân sởi, nhưng tính từ tháng 10-2008 đến nay đã có khoảng 30 tỉnh thành thông báo có bệnh nhân. Đây là loại bệnh dễ lây lan, trong trường hợp có sốt phát ban không rõ nguyên nhân nên giữ cách ly người bệnh tại nhà, không nên cho trẻ em đến trường hoặc người lớn tiếp tục đi làm để tránh lây lan. Phụ nữ có thai cũng cần tránh lây bệnh, theo ông Hồng Hà, riêng tại Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia thời gian qua đã có 2-3 phụ nữ có thai bị sảy thai, thai chết lưu sau sốt phát ban dạng sởi.

Theo Tuoi Tre Online