Chọn cái xấu hay cái tồi tệ?
Các Website khác - 22/11/2005

Chọn cái xấu hay cái tồi tệ?

Đại dịch cúm gia cầm đang đe doạ toàn thế giới. Đường đi của đại dịch này và hậu quả của nó không có khái niệm "biên giới". Có nghĩa là đại dịch sẽ không loại trừ bất cứ người nào, quốc gia nào. Và có thể có hàng chục triệu, hàng trăm triệu người trên thế giới sẽ bị tử vong.

Ở nước ta, hiện nay dịch cúm gia cầm đã bùng phát ít nhất cũng đã ở 17 địa phương. Do xác định mức độ cực kỳ nguy hiểm của dịch cúm gia cầm, nên Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống đại dịch.

Để ngăn chặn mầm bệnh, hiện nay chúng ta đang khẩn trương phát hiện, bao vây khoanh vùng và dập dịch, tiêm phòng, không ăn thịt gia cầm, phát hiện và điều trị những ca bệnh ở người... Trong các đợt dịch trước đây, cách làm này đã có hiệu quả.

Tuy nhiên, hiện tại tính liên thông quốc tế của dịch đã ở mức quá cao, thì việc khoanh vùng không thôi chưa hẳn đã có hiệu quả triệt để. Trong khi đó, người chăn nuôi tập trung do thiệt hại về kinh tế quá lớn (cộng với việc phải trả lãi lẫn vốn vay ngân hàng) nên đã làm nhiều người chăn nuôi cố duy trì đàn gia cầm chờ cho... dịch tan. Đây là một trở ngại lớn trong quá trình phòng, chống dịch cúm gia cầm trên diện rộng.

Có một bài toán được đặt ra. Nếu duy trì chống mầm dịch như hiện nay (chỉ tiêu huỷ gia cầm bị bệnh; tiêm phòng gia cầm chưa bị bệnh) thì cả nước ta chỉ phải bỏ một khoản tiền khoảng 1-2 nghìn tỉ đồng; nếu chống mầm bệnh triệt để là tiêu huỷ toàn bộ gia cầm, chỉ giữ lại những đàn gia cầm giống quốc gia - khi dịch được dập tắt sẽ được khôi phục lại - thì cả nước mất khoảng 4.500 tỉ đồng.

Hiệu quả cuối cùng là gì? Nếu chỉ tiêu huỷ gia cầm bị bệnh thì nguy cơ đại dịch bùng phát trên toàn quốc đối với con người là có thể xảy ra, lúc đó chi phí khắc phục hậu quả sẽ không dưới 20.000 tỉ đồng, thậm chí còn cao hơn nữa mà thiệt hại về con người sẽ rất lớn, không có gì bù đắp được. Còn nếu chi phí cho việc tiêu huỷ toàn bộ gia cầm hết khoảng 4.500 tỉ đồng mà lại ngăn chặn được đại dịch - đây có thể là một phương án khả thi hơn hẳn. Giữa cái xấu và cái tồi tệ - chỉ được chọn một - thì xin hãy chọn cái xấu!

Tuy nhiên, sẽ bù đắp thiệt hại cho người nuôi gia cầm như thế nào? Chính phủ sẽ có chính sách về dãn nợ, khoanh nợ, thậm chí xoá nợ cho những hộ vay tiền ngân hàng để chăn nuôi nhưng bị buộc phải tiêu huỷ gia cầm, hoặc chi trả phần lớn thiệt hại khi đàn gia cầm của họ bị tiêu huỷ. Dù Chính phủ có chính sách, nhưng ngân sách sẽ khó một lúc mà gánh nổi, nên rất cần một phong trào trong cả nước hỗ trợ người nuôi gia cầm.

Các doanh nghiệp, cá nhân, các ngân hàng... với tư cách là người tiêu dùng hoặc tư cách đối tác hãy có cách hỗ trợ người chăn nuôi, chia sẻ với họ để cùng nhau tránh được nguy cơ đại dịch. Chúng ta hãy coi như đây là việc làm có ý nghĩa để phòng, chống thiên tai, một loại thiên tai cực kỳ nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể tránh được, chứ không như động đất và sóng thần.

Chịu đau để khỏi phải mất mát quá lớn. Điều này phải suy ngẫm một cách hoàn toàn nghiêm túc.

Tô Phán