Tệ nạn ma túy trên địa bàn TPHCM đang diễn biến ngày càng phức tạp, số người chết do ma túy cũng đang tăng dần. Theo Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM, từ tháng 12- 2005 đến tháng 1-2009, toàn TP có 1.021 người sau cai tử vong do mắc AIDS và kiệt sức, trong đó hơn 80% nằm trong độ tuổi lao động từ 16-35. Hệ lụy để lại cho xã hội, gia đình không hề nhỏ.
|
Bà S. (phường 14, quận 8, TPHCM) và hai cháu nội côi cút. |
Nát tan tổ ấm
Theo lời giới thiệu của cán sự xã hội tình nguyện phường Cầu Kho, quận 1-TPHCM, chúng tôi đến thăm bà B.T.N.T, ngụ khu phố 6. Mỗi ngày dọn hàng ăn trước hiên nhà, bà T. vẫn mường tượng chỗ con trai nằm ngủ. “Chái hiên che tạm bợ này là chỗ trú ngụ của ba mẹ con vì gia đình bên ngoại không cho ở trong nhà khi biết L.T.H- con trai tôi nghiện ma túy”, bà T. cho biết.
H. chơi ma túy từ năm 16 tuổi. Bao nhiêu tiền bạc kiếm được từ nghề phụ hồ đều tan theo làn khói trắng. Những khi không có tiền, H. trộm đồ nhà và hàng xóm đem đi bán. Một mình bà T. vừa chạy gạo hằng ngày vừa lo trả nợ hàng xóm. “Lúc tỉnh nó cũng ân hận nhưng cơn ghiền thuốc lên là bất chấp tất cả. Ra trường vào trại cai mấy lần nhưng cứ ra khỏi cửa là có người bán ma túy bám theo, cai kiểu gì được!”.
21 tuổi, H. mất. “Vất vả nuôi con mong nhờ cậy tuổi già nào ngờ nó bỏ mình đi trước... Khi mất nó trăn trối: con không muốn chết, con muốn làm phụ mẹ nuôi em. Nhưng mà muộn quá rồi!”- bà T. òa khóc.

|
Cầu Bình Tây nối phường 1, quận 6 với phường 13, quận 8, TPHCM hiện đang là điểm hút chích ma túy công khai của các con nghiện. Sáng 6/2, một con nghiện sau khi mua hàng, thản nhiên lên cầu chế thuốc và tự chích. |
Vốn là chủ cơ sở may giày dép nhưng gặp lúc làm ăn khó khăn, anh N.N.V (phường 14, quận 4) không giữ được mình, lao vào con đường hút chích. Cơ ngơi hai vợ chồng vất vả tạo dựng phải bán dần để trả nợ hút chích, cai nghiện và chạy chữa cho anh. Cuối cùng, do sức khỏe suy kiệt, anh V. mất năm 42 tuổi, để lại vợ và bốn đứa con thơ dại. Để có tiền tang ma và trang trải nợ nần, vợ anh đã phải bán đi căn nhà che nắng mưa dẫn các con đi thuê phòng ở trọ. Và để có tiền nuôi các con, chị L., vợ anh, không từ nan bất cứ việc gì kể cả làm thuê, làm mướn, còn các con anh V. phải nghỉ học từ bé để đi làm thuê giúp mẹ. Mơ ước cho các con được học một cái nghề nào đó của mẹ con chị L. quá xa vời. Chị L. thở dài: “Phải chi còn ba tụi nó...”.
Nước mắt mẹ già
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các gia đình có người dính vào ma túy thường kéo theo người thân cũng sa ngã.
Trong 14.500 người sau cai tái hòa nhập cộng đồng, có 1.336 người tái nghiện. Số người nghiện ma túy mới trong năm 2008 cũng tăng cao với 2.000 người. Hiện tội phạm ma túy trên địa bàn TPHCM đang diễn biến phức tạp. TPHCM xác định đây là một trận chiến mới đầy cam go, phức tạp. |
Gia đình ông S. (phường 14, quận 8) nổi tiếng vì... có ba người chơi ma túy đã chết: Đ.H.H 32 tuổi, N.A.D, 34 tuổi và N.P.H, 28 tuổi.
Khi biết ba đứa con mình đều vướng vào ma túy, vợ chồng ông đã tìm mọi cách cai nghiện từ xiềng xích tại nhà đến đưa lên trường cai đều không hiệu quả. Năm 2000, đứa con lớn ra đi để lại cho ông bà đứa cháu nội (mẹ chết vì AIDS trước đó vài tháng) vừa tròn một tuổi. Cháu bé được bà chăm từ nhỏ, không biết mặt mẹ nên gọi bà nội là “mẹ” khiến ai nghe cũng xót xa. Bất hạnh lại tiếp tục giáng xuống gia đình ông S. khi tám năm sau thêm hai đứa con lại ra đi do bệnh AIDS, để lại cho bà một đứa cháu nội côi cút. Ông bà S. suy sụp vì nỗi đau mất con, hơn 50 tuổi mà ông bà trông như đã ngoài 60. Chúng tôi rời nhà bà S. mà lòng thêm nặng trĩu khi biết người con còn lại của ông bà do bị sốc trước cái chết của các anh, nay trở nên trầm cảm.
|
18 giờ ngày 8/2, hai đối tượng khác bình thản tiêm chích cho nhau, mặc dù phát hiện phóng viên quay phim. |
“Về địa phương, cháu được các cô chú ở phường đón tiếp ân cần, làm cho cháu rất xúc động... Cháu được phường giúp đỡ đưa đi khám sức khỏe tự nguyện tại Trung tâm tham vấn cộng đồng, được tham dự các buổi sinh hoạt ở phường. Hơn một tháng sau, cháu được công an phường đưa vào làm công tác ở tổ dân phòng. Cháu đã phát hiện và bắt giữ một đối tượng giật dây chuyền giao cho công an phường xử lý. Đến nay, cháu được UBND phường bố trí làm công tác ở tổ trật tự đô thị...”. Đây là bản báo cáo thành tích cá nhân đầy nhiệt huyết của anh D.N.C (phường 15, quận 4)- một người hồi gia chuẩn bị để phát biểu trước UBND TP trong dịp khen thưởng những cá nhân có thành tích tốt.
Nhưng bản báo cáo này vĩnh viễn không bao giờ được đọc lên vì anh C. đã mất một tuần sau khi dày công chuẩn bị. Từ trường cai trở về, C. quyết tâm làm lại cuộc đời, nuôi mẹ già và hai con (vợ anh cũng đã mất vì bệnh AIDS), anh được giới thiệu vay vốn từ Quỹ Xóa đói giảm nghèo và Ủy ban Phòng chống AIDS TP.
“Không ai nghĩ C. sẽ chết vì em khỏe mạnh, công tác rất tích cực, vậy mà chỉ ốm vài ngày là C. ra đi...” - một cán sự xã hội tình nguyện phường 15 ngậm ngùi. Dù C. đã được xóa nợ, nhưng anh mất đi, gánh nặng cuộc sống gia đình thiếu người gánh vác, giờ chỉ còn trông chờ vào gánh hàng ăn bữa đắt bữa ế của người chị mà thôi!
Theo Giadinh.net