Chị Nguyễn Thị Viến (Tứ Kỳ, Hải Dương) là một người phụ nữ nông thôn đi lên bằng quyết tâm xóa đói, giảm nghèo. Từ đôi bàn tay trắng, chị đã đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, trở thành điển hình tiên tiến xuất sắc của Hội Nông dân Việt Nam.
Doanh nghiệp tư nhân Minh Tú của chị Viến, nằm bên trục quốc lộ 191, thuộc xã Hưng Ðạo (Tứ Kỳ, Hải Dương). Sinh năm 1954 trong làng nghề thêu có truyền thống gần 100 năm của làng Ô Mễ.
Năm 1975, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, về quê, chị được chính quyền xã Hưng Ðạo "chọn mặt gửi vàng", giao phụ trách ngành thêu của xã. Chị mang hết nhiệt tình và tài năng của mình, tổ chức cho hàng trăm khung thêu cần mẫn lên chỉ suốt hàng chục năm với một lượng sản phẩm đáng kể, hầu hết được đưa sang Ðông Âu tiêu thụ.
Khi kết thúc bao cấp thì chính là thời điểm bắt đầu để niềm khao khát và tiềm năng phát triển một doanh nhân trong chị bung tỏa. Hàng đi tiêu thụ ở các nước Ðông Âu không còn nữa. Thợ thêu bỏ nghề, tìm việc khác. Chị Viến đứng một mình, tay trắng, nhưng chưa khi nào ý chí quyết tâm giữ nghề và phát triển nghề lại cháy lên trong lòng chị như chính lúc đó.
Với chị, tiêu thụ sản phẩm nghề thêu hoàn toàn do cơ chế quản lý phân phối. Hàng thêu Ô Mễ thủ công tinh xảo chắc chắn sẽ hấp dẫn khách hàng.
Khơi thông thị trường hàng thêu trong phạm vi phù hợp, đến năm 2000, chị Viến đã có một tổ hợp chuyên làm hàng thêu xuất khẩu, có lúc thu hút hàng nghìn lao động nông nhàn trong khu vực. Hàng vạn sản phẩm thêu ren từ tổ hợp của chị đã được đưa ra nước ngoài tiêu thụ.
Năm 2003, chị Viến báo cáo với lãnh đạo các cấp ý nguyện phát triển nghề thêu quê hương lên tầm cao mới. Ðược cổ vũ, ủng hộ, chị thuê 3.515 m2 đất, xây dựng xưởng sản xuất, nhà điều hành, nhà ăn, nhà bếp tập trung... Ngoài trang thiết bị đã có, chị mua thêm 100 máy may công nghiệp, sắm đủ công cụ sản xuất theo dự án. Tổng số vốn đầu tư hơn hai tỷ đồng. Ðúng tháng 7-2004, doanh nghiệp tư nhân Minh Tú do chị làm chủ đã ra đời với hơn 200 người lao động, trong đó có 50 người hợp đồng dài hạn.
Doanh nghiệp Minh Tú vận hành còn tạo việc làm cho 50 cơ sở vệ tinh trong huyện Tứ Kỳ, có lúc cả ở các huyện Ninh Giang, Gia Lộc, Thanh Hà, với hàng nghìn lao động.
Từ năm 2003 đến nay, mỗi năm doanh nghiệp Minh Tú sản xuất gia công hàng chục nghìn sản phẩm áo truyền thống cho Hàn Quốc, áo ki-mô-nô (Nhật Bản), hơn 100 nghìn sản phẩm may mặc, hàng vạn túi xách thời trang, tổng thu hơn 200 tỷ đồng. Thu nhập bình quân hơn 500 nghìn đồng/người/tháng, thợ giỏi có tháng đạt hơn một triệu đồng. Chỉ trong ba năm (2001-2003) chị Viến đóng góp ngân sách Nhà nước xấp xỉ 100 triệu đồng. Năm 2004 và 2005, chị nộp gần 200 triệu đồng thuế giá trị gia tăng.
Chị Viến là người tích cực hoạt động xã hội. Chị là thành viên Hội Nông dân tập thể, Hội Phụ nữ cơ sở và Hội Cựu chiến binh địa phương. Chị tổ chức giúp đỡ, dạy nghề cho 27 cháu tàn tật, mồ côi. Nay các cháu đã có công ăn việc làm và tự nuôi sống bản thân. Từ năm 2000 đến 2005 chị đóng góp 25 triệu đồng cùng bà con nhân dân xây dựng các công trình xã hội ở địa phương. Gần đây, chị phối hợp với Quỹ khuyến công của tỉnh Hải Dương, mở lớp dạy nghề và nâng cao tay nghề cho 150 lao động ngành may và 300 lao động ngành thêu để phù hợp yêu cầu kỹ thuật mới.
Doanh nghiệp Minh Tú thường xuyên bảo đảm 100 suất ăn trưa cho thợ ở xa, đã đóng bảo hiểm xã hội cho gần hết số công nhân hợp đồng dài hạn, lập tổ chức công đoàn để bảo đảm quyền lợi người lao động, xét và suy tôn 77 lao động tiên tiến xuất sắc, phần thưởng cho mỗi công nhân, xấp xỉ 200 nghìn đồng/năm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn định kỳ tổ chức để công nhân đi du lịch, tham quan, học hỏi đơn vị bạn...
|