Phú Quốc nổi tiếng với bãi biển tuyệt đẹp, cảnh trí thác, rừng, các kiến trúc cổ đặc sắc như di tích Ðền Dinh Cậu, ngọn hải đăng... Nhưng ở đây còn có nhà lao Cây Dừa, còn gọi nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang), do thực dân Pháp xây dựng để đày ải biệt xứ các chiến sĩ cách mạng. Sau, Mỹ-ngụy mở rộng thêm, khoanh cả một vùng đồng không mông quạnh nhiều đồi trọc, rừng thưa xa dân cư rộng tới 4 km2, biến gần như cả vùng nam đảo chiều dài chừng 4 km từ dốc Ðồi Sim đến Cầu Sấu, hai phía đông tây là biển, thành nhà tù khổng lồ, để giam cầm, tra tấn dã man các chiến sĩ quân đội bị chúng bắt làm tù binh, bất chấp Công ước quốc tế về tù binh chiến tranh.
Có thời gian nhà lao mọc lên liên tiếp, hơn 10 khu, với sáu, bảy chục nhà giam, mỗi nhà chúng nhốt 100-150 chiến sĩ ta. Bao quanh mỗi khu nhà lao là tầng tầng lớp lớp hàng rào kẽm gai 10-15 lớp ken dày, mắc dày đặc bóng đèn điện. Bên cạnh bộ máy cai ngục, lúc cao nhất tới bốn tiểu đoàn lính gác trang bị đầy đủ vũ khí và phương tiện cơ động, canh giữ, tuần tiễu ngày đêm. Ngoài biển có lúc một hải đoàn hải quân tuần tiễu vòng ngoài... Ðói khát, bị đày ải, bị tra tấn dã man, bị canh phòng nghiêm ngặt, các chiến sĩ ta càng tỏ rõ phẩm chất anh hùng, bất khuất, từng ngày từng giờ đấu tranh tập thể bằng nhiều hình thức chống lại chế độ tàn bạo nhà tù, bảo vệ mình, và tìm ra trăm phương nghìn kế bí mật tổ chức vượt ngục.
Theo tư liệu tại di tích, các thế hệ chiến sĩ bị tù đày tại đây đã làm nên kỳ tích: Tổ chức được 42 cuộc vượt ngục. Vượt ngục quả cảm theo đủ mọi cách có thể: bí mật vượt rào; đánh lính áp giải khi ra ngoài làm việc khổ sai để cướp đường chạy trốn; đào hầm ngầm lấy lối thoát ra... Gần trăm người hy sinh hoặc bị bắt trở lại, hơn 200 người thoát được ra ngoài, tiếp tục hoạt động.
Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc ngày nay không rộng, nằm trên khu vực chính nhà lao cũ, có nhà trưng bày hiện vật và tiếp khách xây hai tầng và khu trưng bày ngoài trời những hiện vật nguyên gốc và hầu như nguyên vị trí.
Khách xúc động khó cầm nước mắt khi xem bàn cát thu nhỏ hình ảnh tổng thể nhà tù xưa, cùng hàng trăm hiện vật về tội ác thực dân; di vật, di ảnh các chiến sĩ ta; và tranh ảnh được sưu tập công phu, trưng bày ấn tượng trong các phòng, và những hiện vật tiêu biểu như hầm thép, chuồng cọp... ngoài trời. Tất cả gợi hình dung về cảnh tù đày, đói rét, tra tấn... như địa ngục trần gian mà các chiến sĩ ta phải đương đầu, đã chiến thắng với giá đắt bằng xương máu, không ít người đã phải bỏ mạng vì bị đày ải và tra tấn, đặc biệt thương tâm là vụ địch thảm sát thương binh ngày 6-5-1972.
Mỗi năm khu di tích đón hơn 10 nghìn lượt khách. Nhiều đoàn người tù cũ thăm lại nhà ngục xưa, không nói về mình, mà bồi hồi thương tiếc, cảm phục đồng đội đã chiến đấu ngoan cường và hy sinh lẫm liệt. Khách nước ngoài ngày càng đông thêm, hết thảy đều lấy làm sửng sốt khi được thấy, được biết về địa ngục ngoài sức tưởng tượng.
Những người trông coi khu di tích cho hay rằng khách thăm trẻ tuổi đến từ mọi miền đất nước cũng ngày càng đông, càng thấm thía sự hy sinh lớn lao của các thế hệ cha anh cho sự sống còn và phát triển của dân tộc chúng ta. Còn học sinh các trường học trên đảo thường đến đây để học những trang sử sống động về Phú Quốc, về đất nước...
|