Theo đó, công dân muốn làm Thừa phát lại phải tổ chức Văn phòng, có trình độ đại học Luật và qua lớp đào tạo nghề Thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm làm Thừa phát lại. Văn phòng Thừa phát lại được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, nếu là hai Thừa phát lại trở lên thành lập thì được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh.
Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính. Khi thực hiện công việc thi hành án dân sự theo yêu cầu, Thừa phát lại được thu phí theo nguyên tắc đối với những công việc mà Nhà nước đã quy định về phí đang được áp dụng khi thực hiện các công tác này.
Đối với những loại công việc mà Nhà nước chưa quy định về phí, công việc khó khăn, phức tạp thì phí này do Thừa phát lại và bên yêu cầu thoả thuận. Quý 3/2009 sẽ tiến hành bổ nhiệm và thành lập từ 3-5 Văn phòng Thừa phát lại tại TP HCM.
Trả lời PV Báo GĐ&XH chiều 22/2, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), ông Nguyễn Thanh Thuỷ cho biết: Đến năm 2011 sẽ tiến hành tổng kết việc thí điểm để nhân rộng hoặc điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Như vậy, sau khi Bộ Tư pháp tiến hành tư nhân hoá hoạt động công chứng, việc thực thi chế định Thừa phát lại hiện nay sẽ khắc phục được phần nào những khó khăn trong công tác thi hành án dân sự của Bộ này.
Theo Giadinh.net