Hơn 37 tiếng đồng hồ sau tai nạn “bục nước”, 7 giờ
20 ngày 2-4, thêm sáu nạn nhân bị mắc kẹt được cứu sống. Trước đó tám giờ, tối 1-4, cũng có sáu công nhân được đưa ra khỏi hầm lò trong niềm vui khôn tả của hàng trăm người. Cuộc cứu hộ đã kết thúc...
Trong tổng số 21 công nhân mắc kẹt có 17 người được cứu sống. Thi thể của bốn người tử nạn cũng được tìm thấy.
Di chúc viết dưới lòng đất
Dù sao những người như Dương còn may mắn vì họ còn sống sót trở về. Còn như chị Nguyễn Thị Quế - vợ của nạn nhân Nguyễn Kim Giang (39 tuổi, quê Thái Thụy, Thái Bình), người cuối cùng trong số 21 nạn nhân được tìm thấy lúc 15 giờ chiều qua - lại ngất lên ngất xuống vì hung tin anh Giang đã chết ngạt. Trong nỗi đau tột cùng của người vợ, chị không còn tâm trí để tâm đến hai đứa con nhỏ cũng đang gào lên: “Bố ơi, bố đâu rồi, sao không về với chúng con”. Cùng số phận với Giang, Ngô Văn Tuyền (quê Yên Khánh, Ninh Bình) cũng đã ra đi khi tuổi đời mới 27, anh còn quá trẻ và chưa kịp lập gia đình...
|
“Chúng tôi đã xác định là... chết!” - anh Vũ Văn Dương, một trong sáu người được cứu thoát vào sáng 2-4, nói trong nỗi hãi hùng. Anh Dương nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng: sau tiếng nổ lớn, bục nước tràn xuống, nhóm của Dương (sáu người) co cụm lại trong lòng đất tối đen như mực. “Chúng tôi bò trong các ngóc ngách để tìm lối ra, đồng thời phát hoảng khi thấy phía đường lên đã bị đất, than bịt kín. Bò quay trở lại, lối đi xuống đường “cửa âm” cũng bị chặn bởi những tảng than đá lớn. Lúc đó anh Trưởng (Phùng Văn Trưởng - thợ lò trẻ nhất trong nhóm) gào lên tuyệt vọng: Các anh ơi, hết đường rồi, chắc chết rồi!”.
Anh Dương, người cao tuổi nhất trong nhóm, trấn an: “Chúng ta phải tự cứu mình, ở độ âm 80m này chắc các lực lượng cứu hộ cũng đang hết lòng tìm cách cứu chúng ta, nhưng không thể ngồi chờ chết được”. Đáp lại lời Dương, cả nhóm cứ tay không đào bới và vần những tảng than lớn đang bịt kín đường hầm.
Một tiếng đồng hồ, hai tiếng đồng hồ trôi qua... lối lên vẫn bịt kín. Không khí âm u, sầu thảm. Thợ lò Phạm Xuân Mùi đuối sức kêu lên: “Em không cố được nữa”. Cả nhóm đều kiệt sức. Anh Dương, người tỉnh táo và lạc quan nhất, cũng lả đi...
Chăm sóc một thợ lò vừa được cứu sống.
| Nỗi đau của chị Quế (vợ anh Giang) đã mãi mãi mất chồng.
| Đến 16 giờ ngày 1-4, tức sau 22 tiếng đồng hồ bị mắc kẹt trong lòng đất, mọi người ngồi lặng nghĩ về những kỷ niệm đã qua. Trong nhóm sáu người bị kẹt có bốn người chưa lập gia đình. Trưởng cầm lấy tay Dương trong bóng tối, thì thầm: “Anh có nhắn nhủ gì cho chị và các cháu không?”. Dương sực nhớ và lần túi áo, may quá, anh còn vài tờ giấy và cây bút bi. “Mình sẽ viết một bản di chúc chung, ai muốn nhắn nhủ gì thì nói đi”.
Rồi tất cả các đèn lò đều đồng loạt bật lên. Anh Dương viết: “Em ở lại nuôi các con thay anh, nuôi dạy con nên người... Bố mẹ ơi, con đi đây... Chào các đồng nghiệp...”. Những nét bút viết vội trên tờ giấy trắng lem luốc bụi than. “Không một ai trong chúng tôi khóc cả. Thảo xong di chúc chung cho cả sáu người, chúng tôi nhìn nhau không nói. Thế rồi cậu Sang mở đầu một câu chuyện tếu, rồi cả nhóm cùng cười. Cậu Trưởng cất giọng khê nồng bắt nhịp hát “Tôi là người thợ lò...” nhưng cả nhóm vẫn im lặng”.
Cho đến khi được cứu, anh Dương vẫn không thể quên được 37 giờ hãi hùng. Anh kể lại: cả sáu người đang nằm lả đi “chờ chết” thì bỗng nghe tiếng động lịch kịch vang vọng rất gần. “Anh em ơi, sống rồi! Đội cứu hộ đang đến với chúng ta!” - Đoàn Văn Bẩy reo lên. Rồi cả nhóm đồng thanh: “Chúng tôi còn sống đây!”.
Tất cả mọi người dồn hết sức để cầm lấy những hòn đá gõ thật mạnh vào các cột thủy lực bằng sắt. “Phía bên trên hình như đã đoán được chúng tôi còn sống nên những tiếng lịch kịch càng gấp gáp mạnh dần” - Dương nói. Cố hết sức còn lại, cả nhóm dùng tay bới, rồi nói vọng ra ngoài để chỉ dẫn đội cứu hộ. Gần một giờ sau, một lỗ hổng lớn bật ra, một ngọn gió mát rượi ùa xuống. “Ôi, cơ man nào tiếng nói, tiếng cười đã làm chúng tôi mê man đi, chúng tôi đã được hồi sinh!” - anh Dương bật khóc.
Đêm trắng cứu hộ
Anh đỗ Văn Thành (giữa)- người đầu tiên được đưa ra từ nơi bị nạn. | Sơ đồ nơi xảy ra thảm họa. | Công nhân trẻ Nguyễn Văn Hiển (30 tuổi), một thợ lò đến tham gia cứu hộ từ Công ty than Dương Huy, một trong những người trực tiếp xuống lò cứu hộ từ 2 giờ 30 ngày 2-4, kể lại: “Bọn tôi thay nhau đào bới liên tục, sau hơn sáu giờ, chúng tôi phát hiện có tiếng động, linh tính báo là có người. Cả nhóm không quản mệt, tranh nhau vào đào bới thật nhanh... Thật bất ngờ, cả nhóm sáu người thợ đều vẫn còn sống, thậm chí khi đào gần đến nơi, có người phía trong còn chỉ dẫn chúng tôi cách đào”.
Nơi các công nhân bị kẹt nằm sâu dưới 80m (so với mực nước biển), nằm ở đoạn hầm lò có chiều dài trên dưới 100m . Sơ đồ điểm tai nạn đã được phác thảo, nhưng khó khăn cho lực lượng cứu hộ là đường hầm có nhiều ngóc ngách, thậm chí có điểm đã được cài mìn nên việc đào bới chỉ có thể tiến hành bằng tay. Hầm lò này có hai đường vào (cửa dương, cửa âm) thì điểm tai nạn lại nằm ở chính giữa, điểm gần nhất vào từ cửa âm cũng 75m.
“Việc đầu tiên chúng tôi làm trước khi xuống hầm lò là phải tính toán, thay đổi vị trí các quạt thông gió để đưa thêm khí vào lò mà cũng không được “tăng áp”, sợ lại tiếp tục sụt lò”. Một khó khăn nữa, như lời anh Thuần, là hầm lò khá chật (rộng 2,4m, cao 2,2m), đang bị sập đổ gần hết nên việc đào bới không thể làm nhanh. Cùng với đào bới, lực lượng cứu hộ vừa phải đưa các thiết bị, cọc chống vào để chống, vừa phải lo chuyển đất, than đá, bùn nhão ra. Suốt từ chiều tối 31-3 cho đến đầu buổi chiều 2-4, công việc đào bới, tìm kiếm cứ âm thầm mà khẩn trương “trong lòng đất tối om như địa phủ”.
Mọi cố gắng cứu hộ đã được “đền bù” xứng đáng, những nạn nhân còn sống sót đều đã được đưa lên mặt đất an toàn. Trạm xá Mông Dương lúc 8 giờ 30 sáng 2-4 như vỡ òa bởi tiếng cười, tiếng khóc vì sung sướng. Khi biết tin lại thêm sáu người nữa được cứu sống thì nhiều người đã ào tới bệnh xá và chen nhau ôm chầm lấy những người bị nạn. Các bà, các mẹ vùng mỏ đưa tay chặm nước mắt...
|