"Trộm cắp trên tàu chỉ sợ mỗi... sắc phục công an!"
Các Website khác - 20/12/2005

(VietNamNet) - Từ khi Bộ Công an quyết định rút lực lượng cảnh sát trên tàu, tình hình ANTT trên các đoàn tàu phức tạp hơn nhiều, nhất là trong dịp Tết nguyên đán này. Trao đổi của ông Trần Thanh Cường - Phó Ban Bảo vệ ANQP, Tổng Công ty Đường sắt VN xung quanh vấn đề này.

Ông Trần Thanh Cường: "Chỉ có sắc phục CA mới làm bọn tội phạm sợ!".  Ảnh: TV

- Thưa ông, từ khi cảnh sát ''xuống tàu'', "bức tranh" ANTT trên tàu như thế nào?

- Do nhiều nguyên nhân khác nhau, tình hình an ninh trật tự địa bàn tàu, ga so với năm 2004 có một số diễn biến phức tạp hơn, nhất là sau khi Bộ Công an quyết định bố trí lại lực lượng Cảnh sát tuần tra kiểm soát trên xe lửa.

Trên tuyến Hà Nội - Lào Cai xảy ra nhiều vụ cưỡng đoạt, trộm cắp tài sản của khách đi tàu, chống người thi hành công vụ và vận chuyển hàng nhập lậu.

Trên tuyến Bắc Nam xảy ra một số vụ tội phạm hình sự mua vé lên tàu rồi lợi dụng sơ hở của khách và nhân viên trên tàu gây ra các vụ trộm cắp tài sản.

Ở khu vực miền Trung, tái diễn tệ nạn hàng rong và kèm theo là các vụ gây rối trật tự công cộng, chống đối lực lượng bảo vệ.

Tình hình ném đất đá lên tàu vẫn diễn biến phức tạp, từ đầu năm 2005 đến hết tháng 10/2005 đã xảy ra 1176 vụ ném đá lên tàu, gây thiệt hại 1362 cửa kính các loại, gây thương tích cho 2 hành khách và 2 nhân viên trên tàu.

Theo báo cáo nhanh của các đơn vị, trên địa bàn tàu ga đã xảy ra 75 vụ vi phạm pháp luật trên tàu (tăng 24 vụ so với năm 2004), trong đó có 5 vụ cướp giật tài sản của khách và 37 vụ trộm cắp tài sản của khách đi tàu, 8 vụ gây rối trật tự công cộng, 7 vụ trộm cắp hàng hóa trên các đoàn tàu hàng.

- Lực lượng cảnh sát rút đi, ai sẽ bảo vệ trên đoàn tàu, thưa ông?

- Trước đây, có 6 đội kiểm tra trật tự ATGT đường sắt hoạt động trên tàu từ Việt Trì đến tận Sài Gòn nhưng hiện nay chỉ còn 2 đội (Hà Nội 1 đội, Nha Trang 1 đội). Công việc của họ vẫn là thỉnh thoảng đi tàu, kiểm tra, giám sát ATGT đường sắt.

Ngoài lực lượng công an còn lại, hiện trên các đoàn tàu, TCT Đường sắt VN đã bố trí mỗi đoàn tàu một nhân viên bảo vệ, ngoài ra, nhân viên trên tàu cũng thành lập một đội tự vệ khoảng 10 người.

- Nhưng lực lượng bảo vệ của Đường sắt không thể cáng đáng nổi?

- Đúng như vậy! Lực lượng bảo vệ cũng còn chưa đầy đủ được. Còn nhiều hạn chế như tiền lương, bảo hiểm, nghiệp vụ cho họ ra sao? Theo quyết định của TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN, mỗi tổ tàu được bố trí 2 nhân viên bảo vệ nhưng hiện nay chúng tôi mới chỉ đáp ứng được có một. Ngành đường sắt đang chuẩn bị đưa đi huấn luyện, đào tạo thêm để hỗ trợ cho các đoàn tàu.

Vào tháng 7/2005, chúng tôi mới phối hợp với C14 quét được một ổ nhóm trộm cắp trên tuyến Hà Nội - Lào Cai. Có 5 đối tượng mua vé lên tàu, vào đêm tối chúng lợi dụng sự lơ là của nhân viên, mất cảnh giác của khách để hoạt động. Sau nhiều lần nghi ngờ, tổ tàu đã báo và phối hợp với C14 bắt gọn cả 5 đối tượng.

- Vào dịp Tết, ngành Đường sắt sẽ có biện pháp gì để đảm bảo ANTT trên những đoàn tàu, thưa ông?

- Gần đây, Tổng GĐ có chỉ thị nhân viên trực theo cụm toa xe, bảo vệ đi tuần tra và trưởng tàu đi kiểm tra từ 10h đêm đến 5h sáng. Đến dịp cao điểm như tết, các đơn vị tự chủ động lên kế hoạch bảo đảm ANTT. Nhất là những tuyến nóng về buôn lậu như Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Lào Cai... chúng tôi sẽ có kế hoạch cụ thể để ngăn ngừa và bảo đảm.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát tại ga và số ít cảnh sát còn lại trên tàu. Bởi vì, sắc phục công an có uy thế hơn, có hệ thống hơn, chuyên nghiệp hơn. Không ai có thể thay thế được công an trong việc này...! Chúng tôi cũng sẽ cố gắng làm tốt được công tác phòng ngừa để bảo đảm ANTT trên những đoàn tàu.

- Xin cảm ơn ông!

  • Thế Lê Vinh (thực hiện) 

Bạn nghĩ sao về an ninh trật tự trên tàu khi lực lược công an không theo tàu nữa?