Vị trí và vai trò của người thầy
Các Website khác - 20/11/2005

SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Vị trí và vai trò của người thầy

Tương Lai
Có rất nhiều ngày trong một năm được dành riêng để hướng mối quan tâm của xã hội vào một ngành, một nghề, một loại nhân vật xã hội nhằm khẳng định, tôn vinh về vai trò, vị thế và sự cống hiến của họ cho xã hội, cho con người. Thực ra, nói xã hội cũng là đã nói đến con người. Nhưng tách bạch ra như vậy để tập trung vào điểm xuất phát và đích đến của mọi hoạt động mang ý nghĩa xã hội chính là con người. Có mối liên quan gắn bó mật thiết nhất với con người, với tất cả mọi con người, mọi gia đình là ngày thầy giáo, và rất gần với thầy giáo là thầy thuốc.

Trong thang bậc giá trị của xã hội, ông cha ta đặt thầy trước cha để nói lên sự kính trọng trí thức, coi trọng trí tuệ. Coi trọng trí tuệ tức là coi trọng cái phần "người" trong "con người": "nhân bất học, bất tri lý", chứ không phải là hạ thấp vị trí của công sinh thành và đức dưỡng dục của "công cha, nghĩa mẹ". Đó là biểu thị của truyền thống kính trọng và vun đắp "hiền tài" vốn được ông cha ta xem là "nguyên khí của quốc gia". Kẻ sĩ được xếp cao nhất trong tứ dân là vì vậy. Vả chăng, trong quan niệm của xã hội ta về sứ mệnh "dưỡng dục" cho con người, cha mẹ cũng phải đóng vai người thầy, cũng là một "gia sư".

Nước ta vốn là nước "xưng văn hiến đã lâu", vì thế mà "hào kiệt đời nào cũng có" như Nguyễn Trãi đã khẳng định.

Thế nhưng nhận cho rõ "hào kiệt", biết cách trọng dụng "hào kiệt" lại không dễ. Ấy vậy mà, một xã hội biết coi trọng trí thức, coi trọng sự vun đắp hiền tài là một xã hội văn minh. Trong mục tiêu hướng tới xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, thì cái nền móng văn hiến, tức là văn hoá và hiền tài ông cha ta bao đời gây dựng, phải được đặc biệt coi trọng. "Trọng nhân tài, vì đó là của quý không gì có thể thay thế được của một nước, một dân tộc. Có nó thì có tất cả, thiếu nó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá" (Phạm Văn Đồng). Chính vì vậy mà vị trí và vai trò của người thầy, của nghề thầy giáo được đặt ở bậc thang rất cao, trên ý nghĩa nào đó là cao nhất, trong hệ thống giá trị xã hội.

Sao cho xứng đáng với sự tôn vinh ấy của xã hội là một gánh hết sức nặng đặt trên vai người thầy. Nhưng điều ấy không phải là một vinh quang vô ích, mà là một nguồn lực to lớn tiếp sức cho các cô giáo, thầy giáo đang đảm đương gánh nặng cao quý mà đất nước đặt trên vai họ: thầy giáo là người đang đứng ở trung tâm của những biến đổi lớn lao nhất của thế kỷ XXI: trong đó, sự thay đổi lớn nhất sẽ là sự thay đổi về tri thức, về hình thức và nội dung, về ý nghĩa của tri thức, về trách nhiệm của tri thức, đặc biệt là về những đặc điểm của con người có giáo dục. Không có những con người có giáo dục đó, sẽ không thể nào có một xã hội dân chủ, công bằng văn minh mà chúng ta hướng tới.

Ai quyết định đặc điểm ấy nếu không phải là các cô giáo, thầy giáo đáng kính của chúng ta!