Thời kỳ đầu mang thai là thời kỳ có phản ứng thai sản mãnh liệt nên thường xuất hiện các triệu chứng nôn oẹ, váng đầu, mệt mỏi hay còn gọi giai đoạn nghén. Tuy nhiên, đa số trường hợp nghén sẽ qua nhanh khoảng 3 tháng đầu nhưng có trường hợp nôn quá nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau đây xin giới thiệu một số bài thuốc và cháo thuốc chữa chứng nôn oẹ khi mang thai.
Nước sắc vỏ bưởi: lấy quả bưởi sắc đặc, uống liền vài ngày.
Nước sắc lá sơn tra: lấy lá sơn tra rửa sạch, hơ qua trên lửa, miết cho sạch lông rồi cho vào sắc lấy nước hòa mật ong để uống.
Gừng ngâm đường đỏ: gừng tươi thái lát, cho ngâm với đường đỏ, pha nước sôi uống dần.
Tía tô, gừng: tía tô 10g, gừng 6g, táo tàu 10g, trần bì 6g, đường đỏ 5g cho vào ngâm rồi dùng nước để uống.
Cháo bạch truật cá rô: cá rô 30-60g (bỏ vảy, bỏ ruột), bạch truật 10g rửa sạch cho vào đổ 300ml sắc lấy 100ml, cho 30g gạo tẻ và cá rô vào nấu cháo, khi cháo chín cho nước thuốc vào trộn đều, mỗi ngày ăn một bữa, ăn liền 3-5 ngày.
Ấn huyệt chữa nôn: Bản thân người phụ nữ mang thai mà nôn oẹ nhiều có thể tự ấn huyệt nội quan (huyệt ở chính giữa của đường lằn chỉ cổ tay) để chống nôn. Cách làm: dùng ngón trỏ hoặc ngón cái của tay này để ấn huyệt tay kia và thay đổi. Ngày làm như vậy vài lần.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai bị nôn còn do ảnh hưởng của tâm lý như mới cưới chưa muốn có con, kinh tế thiếu thốn, tinh thần căng thẳng, lao động quá sức. Vì vậy, thời điểm này họ rất cần cần sự động viên giúp đỡ về mọi mặt tình cảm, tinh thần, tránh lo lắng buồn phiền. Trong đó người chồng có vai trò quan trọng, tiếp đến là những người thân, người trong gia đình là nguồn động viên, chia sẻ, như vậy sẽ giúp các triệu chứng nghén diễn ra nhẹ nhàng và qua khỏi nhanh hơn.
|