Tai nạn đêm tân hôn: "Mận tươi" thành "cam ủng"!
Các Website khác - 14/08/2005

Sau cuộc "phì phò" đầu tiên, chú rể thấy đau tức; đầu cục cưng "nở" dần, khi đến cấp cứu ở Trung tâm Chăm sóc sức khỏe nam giới và vị thành niên (282D Thụy Khuê, Hà Nội) vào sáng hôm sau (5/8), đã lớn như một trái cam màu tím sẫm.
BS. Nguyễn Bá Hưng - người trực tiếp xử lý ca này cho biết: bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vòng quy đầu thắt ngẹn ở rãnh quy đầu gây ứ trệ tuần hoàn; đầu dương vật tụ máu mỗi lúc một nhiều, sưng to, thâm tím.

"Sự cố" bắt đầu từ "cuộc mây mưa" đêm tân hôn khiến chú rể mất ngủ với nỗi nghi ngờ cô dâu có "vi trùng hiểm" mỗi lúc một tăng trong lòng. Trong khi đó, chỉ một thủ thuật kéo da trong vài phút với chi phí 40.000 đồng (cả phí khám bệnh) là có thể giải toả cả sự nghi ngờ và nỗi đau đớn; "trái cam" xẹp đến 2/3 trong 15 phút, trở lại kích cỡ bình thường khoảng 1 giờ sau.

Theo các bác sĩ Nam khoa tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe nam giới và vị thành niên, tai nạn này được gọi là "tầm bỏi", không chỉ xảy ra với một số tân lang lần đầu "lâm trận". Gần đây, nhiều quý ông, cả có vợ và còn độc thân cũng tìm đến đây để được "giải cứu" khỏi tình trạng "dở khóc dở cười" tương tự.

Trung tâm Chăm sóc sức khỏe nam giới và vị thành niên thuộc Tổ chức Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (282D Thụy Khuê, Hà Nội) thành lập ngày 25/2/2004, là địa chỉ chuyên tư vấn, giải quyết các "trục trặc" khó nói; bệnh nhân chỉ phải trả 20.000 đồng/lần.

Việc tư vấn miễn phí qua điện thoại cũng được thiết lập qua số điện thoại (04) 7538009.

N.B.H (28 tuổi, chưa vợ) sau một lần đi bơi cũng thấy phần đầu "em bé" bỗng lớn nhanh đến khó tin; vòng da phía ngoài thít lại mỗi lúc một chặt. Anh cuống cuồng tìm đến nhiều phòng khám tư, rồi bệnh viện đa khoa tỉnh, đều được xác định nguyên nhân là "bệnh đường tình dục"!

Có cơ sở còn nhiều lần "giúp" H. giải toả tạm thời nỗi đau đớn bằng thủ thuật chích quy đầu, nặn dịch cho "nhẹ" rồi kê kháng sinh chống viêm, nhưng chỉ được vài giờ là... "mận" lại nở thành "cam"!

Một trường hợp khác, H.V.T (43 tuổi, đã lập gia đình), nguyên nhân sự cố "nở không đều" và ngoài ý muốn được chính bệnh nhân thú nhận là "du hí ngoài luồng". Tuy nhiên, vì e ngại, anh tìm sự giúp đỡ y tế khi "sự" đã quá muộn: một phần thân dương vật hoại tử do tụ máu, phù nề, lở loét quá lâu, buộc phải cắt bỏ.

Các bác sĩ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe nam giới và vị thành niên cũng cho vi trùng từ gái mại dâm là tác nhân chính gây phù nề cho bệnh nhân này. Với hai trường hợp kia, là môi trường nước bể bơi kém vệ sinh và lần đầu "gặp" phụ nữ.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa gây ra "sự cố khó nói" trên lại giản đơn đến khó tin: nhiều đức ông đã trưởng thành nhưng vẫn chưa "mở mắt"!

Nhắm mắt, hé mắt, mở mắt

Theo chuyên gia đầu ngành Sức khoẻ sinh sản và sản phụ khoa, GS-TS Đỗ Trọng Hiếu, khá đông đàn ông bị hẹp bao quy đầu (còn gọi là "hé mắt"); hầu hết không lo ngại về chứng này (trừ phi gặp "sự cố" liên quan).
Ở những người này, bao quy đầu (mảng da bọc phần đầu dương vật) không từ từ tụt ra cùng với sự phát triển của cơ thể (còn gọi là “mở mắt”) mà vẫn phủ lên quy đầu (đầu dương vật), ngay cả khi "thân chủ" đã 18 - 20 tuổi. Khi dương vật cương, vòng da quy đầu của họ vẫn co thít (còn gọi là "đầu giun"), không thể dùng tay kéo tuột được xuống.

Cấu tạo cơ thể tưởng không bất thường này lại gây khá nhiều phiền toái cho đấng mày râu: Việc giữ vệ sinh "cục cưng" khá khó khăn; các chất khoáng trong nước tiểu, dịch nhầy sẽ đọng lại thành chất bã đậu màu trắng (còn gọi là bựa sinh dục) ở phần giữa bao và quy đầu, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, đôi khi gây nhiễm trùng quy đầu và là yếu tố thuận lợi làm nảy sinh ung thư dương vật.

 
"Cục cưng" có thể "nổi loạn" nếu không được "thân chủ" lưu tâm "chăm sóc". Ảnh minh hoạ

Trung tâm Chăm sóc sức khỏe nam giới và vị thành niên từng điều trị, phát hiện nhiều trường hợp ung thư và nghi bị ung thư dương vật do hẹp bao quy đầu hoàn toàn (còn gọi là "nhắm mắt"). Bao quy đầu của những bệnh nhân này  bịt kín "đầu rùa", chỉ hở lỗ dương vật. T.V.T đã có con 10 tuổi, sau một bữa "chả" du kích ven đường thấy đau dương vật, rỉ nước vàng từ trong đã tự mua kháng sinh điều trị nhiều đợt không khỏi.

Khi đến Trung tâm Chăm sóc sức khỏe nam giới và vị thành niên, các tổ chức bao quy đầu và đầu dương vật đã viêm dính, sơ chai, bạc màu và ghồ ghề, buộc phải điều trị kháng sinh dài ngày song song theo dõi nguy cơ ung thư.

Một trường hợp "nhắm mắt" khác, nông dân 48 tuổi, tìm đến Trung tâm khi biểu hiện ung thư dương vật đã quá rõ ràng: đầu dương vật dính chặt bao quy đầu thành một khối cứng như đá. Viện K Hà Nội tiếp nhận anh đã buộc phải cắt cả "cụm" (cơ quan sinh dục ngoài), chạy tia điều trị dài ngày. Nguyên nhân, chỉ vì bệnh nhân "trắng" kiến thức sức khoẻ sinh sản, bị viêm nhiễm nặng nhiều năm mà không tìm sự giúp đỡ của bác sĩ.

Miếng da "ngàn vàng"?

GS Đỗ Trọng Hiếu nhận định, không phải ai bị hẹp bao quy đầu cũng đều bị ung thư dương vật, nhưng tất cả bệnh nhân ung thư dương vật đều bị chít hẹp bao quy đầu. Do vậy, "đấng mày râu" bị "hé" mắt nên cắt bao quy đầu. Đây là tiểu phẫu thuật không đau trong khoảng 15 phút, có thể thực hiện ở bất kỳ cơ sở y tế nào có bác sĩ ngoại khoa; chi phí chỉ vài chục nghìn đồng/ca. Bệnh nhân có thể về nhà ngay; vết cắt sẽ lành hẳn sau 6-7 ngày.

Một lý do nên cắt bao quy đầu nữa, theo BS. Nguyễn Bá Hưng, là để nâng cao chất lượng đời sống tình dục của các "quý ông hé mắt". Chứng hẹp bao quy đầu có thể khiến nhiều ông đau đầu dương vật, khó cương cứng và đau lúc "lâm trận". Chưa kể những phiền toái như khó lộn da quy đầu để mang bao cao su hoặc hay ngứa ngáy, dễ nhiễm khuẩn, lây bệnh tình dục (do không thể lộn lớp da đó lên để rửa sạch các chất bẩn đọng lại). Và tai biến co thắt ở giữa thân dương vật vào lúc đang cương, ngăn chặn máu trở về, có thể gây hoại tử.

Trong khi đó, chỉ cần một tiểu phẫu là những đức ông "hé mắt" đã có thể "sở hữu" một "khẩu súng" bao gọn, "nòng" nhạy, nhả đạn không vật cản.

BS. Hưng hỏi các quý ông: Còn chần chờ gì nữa, can cớ gì khư khư giữ mãi miếng da chẳng phải "ngàn vàng"?

Các trường hợp nên cắt bao quy đầu

- Đi tiểu khó, lúc dương vật cương thấy đau. Thường xuyên bị nhiễm trùng cơ quan tiểu tiện, nhất là người mắc bệnh tiểu đường (đường trong nước tiểu dính dưới da quy đầu là môi trường thuận lợi cho vi trùng sinh sản).

- Khi da quy đầu quá co chặt gây khó khăn trong quan hệ tình dục. Hoặc thấy phiền phức khi thực hành tình dục an toàn (dùng bao cao su) vì trước khi mang bao, cần phải lộn tối đa lớp da phủ quy đầu về phía sau.

- Sợ bị ung thư cơ quan sinh dục.

- Vì lý do thẩm mỹ (dành cho một số trường hợp, như bao quy đầu dài: khi dương vật cương mà phải dùng tay kéo, bao quy đầu mới tuột hẳn xuống).