Thêm một phương pháp chữa vô sinh
Các Website khác - 26/12/2005
Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan.
Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai kỹ thuật trưởng thành trứng non trong ống nghiệm để chữa vô sinh vào quí 2-2006. Đây là kỹ thuật mới, chỉ bốn nước Hàn Quốc, Đan Mạch, Nhật Bản, Canada ứng dụng. ThS-BS Vương Thị Ngọc Lan - phó khoa hiếm muộn của bệnh viện - cho biết:
- Bệnh nhân vô sinh có thể do một trong những nguyên nhân: lạc nội mạc tử cung, vòi trứng bị tổn thương, tinh trùng yếu, rối loạn rụng trứng. Trong số rối loạn rụng trứng có 75% do hội chứng buồng trứng đa nang, tức khá phổ biến.

Hội chứng buồng trứng đa nang là một trong những rối loạn nội tiết sinh sản thường gặp nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Các phụ nữ có hội chứng này bị vô sinh chủ yếu do không phóng noãn. Muốn điều trị phải dùng thuốc nội tiết để kích thích phóng noãn - lấy trứng trưởng thành cho thụ tinh (thụ tinh trong ống nghiệm với kỹ thuật IVF).

* Ở bệnh nhân bị hội chứng buồng trứng đa nang nếu không dùng thuốc thì chắc chắn khi hút trứng ra là trứng non. Vậy làm thế nào để không cần kích thích buồng trứng mà vẫn thụ tinh được?

- Người ta lấy trứng non nuôi trong một môi trường đặc biệt ở ngoài cơ thể con người, đến trưởng thành rồi cho thụ tinh, đó là kỹ thuật IVM. Đặc thù của kỹ thuật này còn rất mới, chỉ khoảng 10 năm, nên để tạo môi trường nuôi trứng là cả một bí quyết mà các nước đều giấu. Việc lấy trứng non cũng rất khó, phải dùng kim đặc biệt để lấy những nang nhỏ xíu trong buồng trứng di động.

* So với thụ tinh trong ống nghiệm bằng IVF thì chi phí làm IVM có cao hơn?

- Với kỹ thuật IVF phải tiêm thuốc kích thích buồng trứng khoảng hai tuần, tiếp theo là tiêm thuốc để trứng trong nang trưởng thành, sau 36 giờ tiêm thuốc này sẽ lấy được trứng trưởng thành để thụ tinh.

Còn với IVM chọc hút trứng non từ buồng trứng của BN qua ngả âm đạo, nuôi trong môi trường chuyên biệt 24 giờ để trứng trưởng thành và đem thụ tinh bằng phương pháp ICSI (tiêm tinh trùng vào bào tương trứng).

Do đó, IVM có các ưu điểm: tiết kiệm chi phí tiêm thuốc kích thích buồng trứng, hoàn toàn tránh được quá kích buồng trứng, rút ngắn thời gian điều trị và giảm thời gian phải theo dõi bệnh nhân.

Về giá thành, so với kỹ thuật IVF thì IVM phải thêm công đoạn trưởng thành của trứng khoảng 200-300 USD, nhưng ngược lại không dùng thuốc nên không tốn 15-20 triệu đồng. Nếu tính toàn bộ một ca IVM so IVF thì sẽ giảm được 1/3 chi phí cho bệnh nhân.

Tuy nhiên tỷ lệ thành công IVM thấp hơn (15-25%, còn IVF là 35- 40%). Vì vậy luôn luôn phải cân nhắc giữa hiệu quả và chi phí điều trị, nhưng IVM tránh hoàn toàn được nguy cơ phải điều trị quá kích buồng trứng mà chi phí điều trị biến chứng này khá cao.

* Lấy trứng non nuôi bên ngoài... Vậy trẻ sinh ra có “vấn đề” gì không?

- Về sự an toàn của IVM, theo y văn, đã có khoảng 300 em bé ra đời từ kỹ thuật này trên toàn thế giới. Đến nay không có báo cáo nào ghi nhận có sự gia tăng tỷ lệ bất thường hay rối loạn phát triển ở các trẻ này.

* Vậy khi nào thì BV Từ Dũ triển khai kỹ thuật này trên bệnh nhân?

- Để triển khai IVM, hai điều khúc mắc lớn nhất đối với BV là kỹ thuật chọc hút và môi trường để nuôi trứng trưởng thành ngoài cơ thể. Chúng tôi đã theo dõi, tổng hợp thông tin trên thế giới về kỹ thuật này từ năm 2000.

Tháng 8-2004, BV đã đưa hai BS đến Hàn Quốc học tại Trung tâm làm IVM thành công đầu tiên trên thế giới. Khoảng tháng 2-2006, hai BS này sẽ sang Nhật học và hoàn tất những khâu cuối cùng để hy vọng quý 2-2006 sẽ triển khai trên ca bệnh thật sự.

Mục tiêu của chúng tôi là thế giới đã làm được thì khó khăn mấy mình cũng phải làm để có cơ hội điều trị được ở những bệnh nhân đặc biệt: kích thích lần nào cũng bị quá kích buồng trứng nên phải ngưng điều trị, hoặc kích thích hoài vẫn không có trứng trưởng thành. IVM rất có lợi cho những bệnh nhân này...

Tóm lại, IVM là một kỹ thuật mới sẽ mở ra rất nhiều hướng cho điều trị bệnh nhân trong tương lai.

* Xin cảm ơn BS.

Theo Tuổi trẻ