Bạn nghĩ sao khi cánh đàn ông gặp nhau thì lao vào ôm hôn thắm thiết còn phụ nữ lại bôm bốp vỗ vai; nam nữ không còn khoảng cách, không e lệ, không ngượng ngùng?...
Một bộ phận trong giới trẻ đang sống theo cách của “Unisex” – phi giới tính.
![]() |
Một bộ phận trong giới trẻ đang sống theo cách của “Unisex” – phi giới tính. Ảnh minh họa |
Không phải đồng tính
“Có sao không nếu bạn ôm hôn bạn đồng giới trước đám đông?” – trong 100 học sinh phổ thông trung học được hỏi vấn đề này có 48 người cho rằng không vấn đề gì, với sinh viên là 39.
Trên một chuyến du lịch Quan Lạn với nhóm bạn mới quen, Nga há hốc mồm khi thấy hai chàng trai đi cùng rất tự nhiên ôm hôn, chăm sóc cho nhau trước mặt mọi người trong suốt cả chuyến đi. Tuấn Anh – sinh năm 1989 và Huy -1984.
Chắc mẩm hai chàng này “gay”, Nga càng ngạc nhiên hơn nữa khi biết họ đều đã có bạn gái và không hề có vấn đề gì về giới tính. “Ai cũng có quyền bày tỏ cảm xúc với mọi người, tại sao chúng tôi thì không? Tại sao khi các bạn gái buồn, khóc có thể gục đầu vào nhau, có thể hôn tạm biệt còn chúng tôi thì không?”
Nếu trong giới tính nam có một chút của người phụ nữ, và trong giới tính nữ có một chút nam - chỉ một chút thôi thì rất tốt. Đừng thay đổi hoàn toàn những đặc trưng giới tính của mình
Ngày càng nhiều những “đôi bạn” thể hiện tình cảm một cách “nồng cháy” thái quá như vậy, đơn giản chỉ là suy nghĩ: mình đang thể hiện tình cảm với người mình yêu quý.
Trước đây, như Nguyên, 22 tuổi, từng rất dị ứng với điều trông thấy. Nhưng dần dà, “chuyện bình thường thôi!”. Nhóm bạn của Nguyên có 8 người, tất cả đều thể hiện tình cảm với nhau như thế.
Bỏ qua khái niệm “giới”
Tôi cá tính, tôi độc lập và tôi biết quan tâm người khác. Đó là cách nghĩ của Liên (24 tuổi). Có dịp đi cùng cô và đám bạn trai mới thấy hết được sự thay đổi đến bất ngờ về quan niệm này. Cậu bạn lộ underwear? Liên thản nhiên lấy tay kéo lên hộ.
Nhóm có 5 người đi chung, 2 nam, 3 nữ, cô nhất quyết ngủ cùng phòng với hai cậu bạn chứ không nhập hội cùng những người cùng giới tính với mình. “Tất cả đều là bạn bè, có gì mà phải ngại!”.
Không phải người yêu, không là gia đình nhưng cô chăm sóc và quan tâm các bạn trai trong nhóm trên mức cần thiết. Không chỉ riêng Liên, rất nhiều người đang bỏ qua khái niệm giới tính, coi những gì mình làm là ổn và cá tính!
“Play” or “Stop”?
Đừng hiểu nhầm xu hướng này chỉ ăn theo dòng thời trang Unisex đang làm mưa làm gió từ giữa năm 2007 đến nay với hình mẫu con trai xinh xắn trắng trẻo, quần áo cầu kỳ, trang điểm kỹ lưỡng, con gải khoẻ mạnh nam tính…
Những đối tượng được nói đến trong bài viết này hoàn toàn đã trưởng thành (về một mặt nào đó) và đã xác định được cho mình một cách sống phù hợp với bản thân. Họ, đã là sinh viên, công nhân viên chức, không hề chạy theo những phong cách thời trang phù phiếm và nhận thức rất rõ mình đang làm gì.
Họ muốn mình mạnh mẽ, độc lập hơn (với con gái) và tình cảm hơn, có chiều sâu hơn (với con trai)? Lý lẽ “con người ngày càng hoàn thiện hơn, làm được nhiều việc hơn và “đazinăng” hơn” có phải là một tấm bình phong để thể hiện cái tôi khác người của mình?
Cũng không thể nào không nhắc đến tác động từ phía xã hội. Khi bộ phim “Brokeback Mountain” gây dư luận, số lượng “gay ảo” tăng lên đột ngột. Cách đây không lâu, một nhà tạo mẫu tóc có tiếng của Việt Nam đã tổ chức một buổi trình diễn tóc nam với phong cách vô cùng mềm mại, nữ tính cùng lời tuyên bố hùng hồn đó mới chính là vẻ đẹp thực sự(!).
Cảm giác như chúng ta đang bị quay cuồng trong một mớ hổ lốn những quan điểm về thẩm mỹ và cách sống mâu thuẫn với nhau. Việc tiếp nhận cái mới khi nền tảng chưa vững là một trong số nguyên nhân dẫn đến những cách hành xử chông chênh lệch hướng – cũng như khi người ta xây lên từ cái móng yếu một ngôi nhà 5, 7 tầng vậy.
Tiến sỹ tâm lý học Nguyễn Công Khanh: Có thể nói, mỗi giới có một thiên chức riêng. Khi anh hiểu được thiên chức của mỗi giới thì anh thấy được rằng đặc trưng giới tính của mỗi giới được kế thừa có tính văn hoá qua từng thế hệ. Ví dụ con trai từ nhỏ đã bắt đầu chơi những trò chơi có xu hướng bạo lực như những trò chơi súng ống, lắp ghép…; con gái thích chơi những trò như bán hàng, búp bê, làm cô giáo… Tất cả những trò chơi ấy dần dần hình thành nên thói quen và đặc trưng của mỗi giới. Nhưng một người không được giáo dục theo ý nghĩa phát triển tốt nhất thiên hướng của giới mình sẽ dẫn đến sự thiếu hụt về giá trị. Và vì thiếu hut về giá trị cho nên họ không nhận ra được đâu là đặc trưng, đâu là sức mạnh của cá nhân, nên họ cố gắng thể hiện nó dưới một dạng khác. Nếu không tìm ra điểm mạnh của giới mình và thể hiện nó thì bạn sẽ thể hiện nhầm sang điểm mạnh của giới khác. Bản thân giới tính là tự nhiên nó tạo ra nó, thiên chức làm mẹ, thiên chức làm bố là tạo hoá đã tạo ra. Nếu bạn bỏ qua đặc tính đó, ví dụ như người phụ nữ mà đánh mất sự nhạy cảm, đánh mất khả năng làm đẹp, đánh mất khả năng làm cho bầu không khí của gia đình trở nên tươi mát thì bạn không giống phụ nữ nữa. Cũng giống như người con trai mà đánh mất nam tính thì anh không còn là nam giới nữa. Nhưng mở ngoặc thêm, nếu trong giới tính nam có một chút của người phụ nữ, và trong giới tính nữ có một chút nam - chỉ một chút thôi – thì rất tốt. Đừng thay đổi hoàn toàn những đặc trưng giới tính của mình, cái đó sẽ dẫn đến bất lợi. Xã hội sẽ không chấp nhận bạn, rất khó để bạn hoạt động, làm việc là tương tác. |
Theo Quỳnh Phương
Sinh Viên Việt Nam
▪ Tình dục tuổi teen ngày càng gia tăng (15/08/2008)
▪ Trái tim lên tiếng (15/08/2008)
▪ “Yêu” tự nhiên đến nỗi… (15/08/2008)
▪ Khi con gái thích… chia tay (14/08/2008)
▪ Đối mặt “chia tay”: Những điều không nên hỏi (14/08/2008)
▪ Diễn “cảnh nóng” nơi công cộng (14/08/2008)
▪ Đàn ông trẻ đang dần "nữ hóa" (13/08/2008)
▪ Khi con gái nghiện...sex (13/08/2008)
▪ Phụ huynh, con trẻ và “chuyện tế nhị” (11/08/2008)
▪ Bước ngoặt tuổi mới lớn (11/08/2008)