| ||
Khoan vội cằn nhằn, giận dỗi khi chồng vừa đặt chân vào nhà sau một ngày làm việc. Hãy làm cho ngôi nhà sạch sẽ, mùi thức ăn thơm phức dưới bếp thoảng lên, bảo con chạy ra chào đón, âu yếm bố. Hãy nở nụ cười hiền... Chẳng người đàn ông nào lại bật máy điện thoại gọi cho một nàng “chân dài” nào đó nếu như mỗi ngày anh ta được chào đón “thịnh soạn” như thế khi về với tổ ấm của mình. Chị Thu chưa bao giờ phản đối chuyện nhậu nhẹt của chồng, bởi chị biết anh phải đi dự tiệc phần nhiều vì công việc. Thế nên, mỗi lần anh về nhà (thường là vào lúc nửa đêm) chị thường ngồi đợi và giúp anh làm vệ sinh cá nhân. Chưa bao giờ chị cằn nhằn, giận dỗi khi anh vì tiệc tùng mà bỏ bê vợ con. Chị chọn giải pháp thường xuyên thông báo cho chồng những việc nhà mà chị đã tự sắp xếp, hoàn thành. Chị luôn để chồng yên tâm không phải đau đầu vì chuyện nhà. Chị tự cho mình là “nội tướng” nên có quyền và trách nhiệm giải quyết mọi việc. Chồng tham gia được thì tốt, còn không chị sẽ tự tìm ra cách giải quyết tối ưu. Trong “cuộc chiến” với các em út chân dài vây quanh chồng, chính chị đã cứu anh thoát khỏi bao cám dỗ. Biết chồng có nhiều sim điện thoại để tiện cho các cuộc hẹn hò thầm kín, không bao giờ chị kiểm tra tin nhắn hay các cuộc gọi trong điện thoại của chồng. Nhưng chị đề nghị chồng nghiêm ngặt thực hiện điều luật “Đã về đến nhà thì không được nhắn tin. Chấp nhận mọi cuộc gọi đến nhưng ra khỏi nhà và đi đâu sau cuộc gọi thì chồng phải cho vợ biết”. Bởi lẽ đó mà chồng chị Thu ít có cơ hội “tòm tem” với tình nhân khi về nhà, chị Thu không phải “ngứa mắt” với cảnh chồng cứ chăm chăm vào cái điện thoại soạn tin mà quên hết vợ con. Không yêu cầu chồng làm nhiều việc nhà nhưng để quản lý phần nào quỹ thời gian của chồng, chị Thu giao cho chồng những phần việc cụ thể trong ngày để nhắc nhở anh nhớ đến tổ ấm, không được vô trách nhiệm với con cái. Có hôm chị nhờ anh liên lạc với cô giáo chủ nhiệm để biết tình hình học tập của con, cũng có hôm chị nhờ anh đưa con đi khám bệnh. Chị cho rằng đàn ông rất dễ “quên” vợ con nếu họ không trực tiếp làm việc gì cho vợ con cả. Chính vì thế phải biết cách giao việc gia đình cho chồng. Qua đó, người chồng sẽ nhận ra giá trị của tổ ấm, thấy vai trò và trách nhiệm của mình. Chồng chị Thu dù bận đến mấy cũng không bao giờ dám quên nhiệm vụ vợ giao. Anh nể phục cũng như thương vợ nhiều hơn khi thấy chị một tay sắp xếp được nhà cửa luôn ngăn nắp, con cái chăm ngoan. Đôi khi vì những phút ham chơi, anh lại tỏ ra ăn năn khi về nhà bắt gặp gương mặt hiền từ của vợ và những tình cảm âu yếm của các con. Anh từ chối nhiều cuộc vui vì thấy ở nhà với vợ con vui hơn. Nhưng chiêu độc nhất của chị Thu có lẽ là chị biết cách để mình ngày một đẹp hơn. Chồng chị dù có nhiều em út vây quanh song vẫn bị quyến rũ bởi vẻ đẹp mặn mà, luôn đổi mới của vợ. Chị Thu bật mí với bạn bè: Chị luôn cố gắng “chạy đua” với các em chân dài. Thực sự phải chiến thắng “chân dài” cả về nhan sắc mới giữ được chồng. Và sự chăm chút nhan sắc, cách trói chồng vào tổ ấm và những đứa con của chị đã giúp anh nói “không” được với cám dỗ. Chị thực sự quyến rũ được chồng và khiến anh đủ sức “miễn dịch” với “kỹ nghệ chài” của các em út ngày ngày bủa vây. Làm vợ có thể phải “làm chị, làm mẹ”. Đó là lời khuyên của các chuyên gia tâm lý đối với các bà vợ thời nay. Những lời nhắn nhủ của họ đối với các bà vợ hy vọng sẽ là những vũ khí đặc biệt giúp các bà vợ có thêm nhiều kỹ năng giữ chồng và chiến thắng “cơn lốc chân dài”. Đàn ông cũng có phần yếu đuối. Nhiều khi họ tự nhận mình là “đứa trẻ không bao giờ lớn bên vợ”. Chính vì thế họ cần được chờ đón, “che chở” sau một ngày căng thẳng làm việc. Chẳng người đàn ông nào lại không muốn về căn nhà thân thuộc của mình nơi có những đứa con yêu và một người đàn bà luôn lớn hơn mình một chút, để được vỗ về, hỏi han, kể chuyện và ăn những món ăn mà chỉ “bà ấy” mới biết nấu đúng khẩu vị của mình. Ra ngoài xã hội, người đàn ông thể hiện uy thế. Nhưng mỗi buổi chiều muộn anh ta lại muốn được là “đứa trẻ” bên vợ. Bởi đơn giản, chỉ có lúc đó anh ta mới được thể hiện bản năng yếu đuối của mình. Anh ta muốn được chia sẻ, được nói những chuyện vặt không đầu cuối và quan trọng, không phải thể hiện những cái sĩ hão của cánh mày râu. Các bà vợ đừng vội nổi cơn tam bành nếu phát hiện ra chồng có “em út”. Trong cuộc chiến giữa các “chân dài” và các bà vợ, phần thắng thuộc về bên nào biết đi đúng trái tim người đàn ông. Các bà vợ có lợi thế hơn vì đã có thời gian tay ấp má kề, đã có những đứa con chung, đã sẻ chia những ngọt bùi, cay đắng. Làm vợ thời nay, cần lắm việc trang bị những kỹ năng để chiến thắng các “kỹ nghệ chài trai” của các vô gái chân dài. |
▪ Đắn đo chọn ý trung nhân (29/06/2006)
▪ Tình yêu bền vững (29/06/2006)
▪ Người mẹ hài hước (26/06/2006)
▪ 10 cách chinh phục nàng (26/06/2006)
▪ Mỗi bữa ăn là một điều lãng mạn (26/06/2006)
▪ Luật bù trừ (24/06/2006)
▪ Yêu “bảo mẫu” (22/06/2006)
▪ Vợ chồng "thời đại công nghiệp hóa" (21/06/2006)
▪ Yêu người đã có vợ (19/06/2006)
▪ Chồng là như thế (19/06/2006)