Ly thân là con dao hai lưỡi
Các Website khác - 12/10/2007

Không ít người cho rằng ly thân là giải pháp tốt. Nó tạo ra một xa cách để tái tạo tình cảm, để cả hai có đủ thời gian cảm thấy thiếu nhau, cần có nhau trong cuộc đời này hay không. Nhưng nói như thế là mới chỉ thấy một mặt của vấn đề. Chính cái khoảng thời gian xa cách ấy tạo điều kiện để mỗi người lại thiết lập những mối quan hệ mới khiến người ta ngày càng xa nhau hơn và ly thân trở thành bước đệm của ly hôn.

Vợ chồng anh Hoàn và chị Quyên đều là giáo viên của hai trường đại học khác nhau. Họ có một cậu con trai duy nhất được học bổng đang du học nước ngoài. Có lẽ do cảm thấy bổn phận làm cha mẹ đã tạm hoàn thành, cả anh và chị đều nghĩ bây giờ là lúc không nghĩ đến chính mình thì còn đợi lúc nào, chả lẽ cứ lo cho con hết đời sao?

Thế là hè năm ngoái, mỗi người đi du lịch một nơi, không đi cùng nhau nữa. Cả hai đều cho rằng đi với bạn bè vui hơn là đi với vợ chồng. Vì có chuyện gì ở nhà nói hết rồi, có đi cùng cũng chẳng còn chuyện gì lý thú nữa.

Nhưng điều không nằm trong dự kiến đã xảy ra, sau khi chị đi một tour du lịch Nam Ninh 4 ngày trở về, anh Hoàn nhận thấy vợ có nhiều thay đổi. Chị đi làm lại kiểu đầu mới, may một lúc mấy bộ áo váy kiểu cách và màu sắc khá tươi trẻ. Đặc biệt là điện thoại di động của chị thường hay réo rắt luôn luôn.

Có hôm đã mười một giờ đêm, khi chị Quyên đang trong buồng tắm, anh Hoàn thấy cái điện thoại của vợ để ngay gần tầm tay anh có tín hiệu lập lòe, thuận tay anh mở ra thấy dòng chữ: “Chúc em ngủ ngon”. Tức mình anh bấm lại: “Cám ơn anh, vợ chồng em chưa ngủ mà còn đang vui vẻ”.

Không ngờ hôm sau chị Quyên đi họp về, nét mặt hầm hầm, cử chỉ đá thúng đụng nia. Thấy lạ, anh Hoàn hỏi vợ:

- Em có chuyện gì à?

Quyên trả lời nhát gừng:

- Không gì khó chịu hơn sống với hạng người vô văn hóa.

- Em nói thế là có ý gì? Ai làm gì vô văn hóa?

- Làm gì thì anh tự biết!

Vèo một cái, cái ấm pha trà bay ra cửa vỡ tan tành. Không ai nói với ai nữa ngay cả trong bữa ăn chỉ có hai vợ chồng. Buổi tối, anh ngồi xem ti-vi ở tầng dưới, chị chấm bài ở tầng trên. Đêm ngủ mỗi người một phòng. Giống như hai người độc thân sống chung một nhà.

Tình hình như thế kéo dài được hơn một tháng thì anh Hoàn gặp một người bạn gái từ thuở sinh viên rủ anh đi học khiêu vũ. Theo ý người bạn đó thì đàn ông phải sống cho ra đàn ông. Vợ có bạn trai thì mình có bạn gái, việc gì phải ghen tuông. Cứ học nhảy vài tháng chơi, được ra sàn có mà đầy, làm sao phải ủ ê rầu rĩ mất hết cả phong độ.

Thế là anh Hoàn đi học nhảy. Mới đầu hai vợ chồng mỗi ngày còn có chung một bữa ăn chiều. Bây giờ thì đến cả bữa chiều cũng tùy nghi di tản. Buổi tối, vợ ngồi ở tầng hai “chat” với người bạn mới quen từ hồi đi du lịch. Chồng ở tầng dưới cho đĩa dạy nhảy vào máy bật lên nhảy theo. Ngày mai lại ai làm việc, vui chơi theo ý thích người ấy.

Nếu cứ tiếp tục như vậy, chắc chắn quan hệ vợ chồng sẽ ngày càng suy giảm và những mối quan hệ ngoài hôn nhân sẽ tiến triển khó ai lường trước. Sự ly thân lúc này không khác gì tạo điều kiện cho những mối quan hệ đó có dịp nảy nở.

Bởi vì thông thường, trong trạng thái ly thân, hai người như ngầm thách thức nhau. Cả hai đều muốn cho người kia thấy rằng mình không phải là hạng người “vất ngoài đường bảy ngày không ai nhặt”. Chính vì thế, có người lao vào bất cứ mối quan hệ nào miễn là cho người kia “biết tay”. Đó chính là dịp tốt cho kẻ thứ ba lợi dụng họ, đẩy cuộc hôn nhân đến khó bề hàn gắn.

Có thể nói ly thân là con dao hai lưỡi. Một mặt nó tạo ra khoảng cách để hai người cảm thấy thiếu nhau, cảm thấy họ cần có nhau trong cuộc đời. Họ cũng có thời gian bình tĩnh suy nghĩ để thấy rõ những sai lầm, thiếu sót của mình mà sửa chữa, rút kinh nghiệm.

Trong trường hợp đó, ly thân có mặt tích cực, nó giúp cho vợ chồng sau khi trở lại chung sống biết cách cư xử với nhau đúng mức hơn. Khoảng thời gian xa cách cũng có thể tái tạo tình cảm làm cho cuộc hôn nhân chẳng những không xấu đi mà còn tốt đẹp hơn.

Nhưng mặt khác, chính thời gian hai người sống xa nhau hoặc vẫn ở gần nhưng không ai quan tâm đến ai, để mặc người kia muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm khiến cho họ có điều kiện dấn sâu vào những sai lầm nghiêm trọng hơn.

Chúng ta cần phải thấy cả hai mặt đó để cân nhắc có nên ly thân hay không. Không phải cứ mỗi lần cãi nhau về những chuyện lặt vặt trong gia đình lại tự ý bỏ đi mấy ngày, có khi dăm bữa nửa tháng cho người kia “biết thân”, nào ngờ khi họ trở về thì tình hình đã diễn ra khác với những gì họ tưởng.

Tuy nhiên, có những trường hợp mà sự ly thân là cần thiết. Các nhà tâm lý học phương Tây coi đó là một giải pháp cứu vãn hôn nhân chứ không phải là “bước đệm” trước khi ly hôn.

Theo giải pháp ly thân thử nghiệm của Free Luskin, người Mỹ, thì vợ chồng tr ánh tiếp xúc với nhau một thời gian, có thể từ một tháng đến nửa năm là cùng, ở riêng hai người hai nơi, có thể vẫn ở chung nhà nhưng không chung phòng, tất nhiên không nhìn, không nghe thấy nhau là được. Đó là khoảng thời gian để hai người bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề một cách toàn diện và nghiêm túc.

Nếu trong giai đoạn này có sự giúp đỡ của một chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm thì rất hiệu quả. Khi gặp những trường hợp như thế, Free Luskin thường tiếp xúc riêng với từng người, bằng các thủ pháp nghiệp vụ tạo ra trạng thái cân bằng tâm lý cho họ để không rơi vào trầm cảm, suy sụp.

Sau đó, ông chia một tờ giấy ra làm đôi rồi cùng với khách hàng liệt kê những tội lỗi của “kẻ kia” vào một cột, cột còn lại ghi một cách chân thực những ưu điểm của người ấy.

Cuối cùng bình tĩnh nhìn lại một cách tổng thể về một con người, nhiều khi người ta bất ngờ nhận ra khá nhiều ưu điểm và khả năng ly hôn giảm đi đáng kể. Bởi vì nếu ly hôn, liệu có tìm được người mười phần tốt đẹp cả mười không?

Trong buổi trị liệu tiếp theo, nhà tâm lý lại chia tờ giấy làm hai cột, một bên ghi rõ ly hôn được gì và bên kia liệt kê ly hôn mất gì để cân nhắc. Không ít trường hợp ly hôn chỉ để “trả đũa” hoặc “trừng trị” đối phương nhưng nhiều khi để lại bao nhiêu hậu quả khôn lường cho bản thân và cho con cái.

Trong thực tế, các nhà tư vấn cũng gặp những trường hợp mà sự ly thân có tác dụng hàn gắn. Theo một nhà tâm lý người Mỹ, không phải cứ khi có một người ngoại tình thì người kia đòi ly thân, mà ông đưa ra một kế hoạch 3 bước.

Bước thứ nhất, bằng những nỗ lực của chính mình, bạn hãy cố gắng trở thành người vợ tốt nhất mà bạn có thể. Nhưng nếu sau 6 tháng anh ta vẫn chứng nào tật ấy và không tỏ ra biết tôn trọng bạn thì bạn hãy chuyển sang bước thứ hai là ly thân.

Bạn hãy đưa cho anh ta một lựa chọn dứt khoát. Hoặc cắt đứt quan hệ với cô ta, hoặc đi sống hẳn với cô ta, chứ không chấp nhận tình trạng “bắt cá hai tay”. Từ đó không liên hệ với anh ấy nữa. Không nói chuyện, không gặp. Nếu thấy cần phải nói một lời cuối, hãy nói rằng bạn vẫn yêu anh ấy và hy vọng anh ta sớm thoát khỏi người tình, trở về với vợ con.

Lưu ý rằng bạn hãy nói điều đó với giọng yêu thương chứ không phải giọng giận dỗi hay kiêu căng. Có thể chồng bạn sẽ không chia tay dứt khoát với nguời tình ngay tức khắc sau khi bạn đưa ra “tối hậu thư” đâu. Anh ta còn cố gắng níu kéo mối quan hệ ấy.

Nhưng trong phần lớn trường hợp, nó không tiến triển bởi vì thực ra anh ta cần cả hai: vợ và người tình. Cô ấy đáp ứng một ít những nhu cầu của anh ấy và bạn đáp ứng những nhu cầu khác. Anh ta nhớ cô ấy khi sống với bạn, nhưng lại sẽ cần gia đình khi sống với cô ấy.

Trong trường hợp anh ta ở lại với người tình và không trở lại với bạn nữa, bạn hãy nén nỗi đau, tìm niềm vui mới trong cuộc sống và quên anh ta đi. Bởi nếu bạn có cố tình chạy theo cũng chỉ chuốc lấy tủi nhục.

Còn nếu sau một thời gian sống ly thân, anh ta có những dấu hiệu muốn trở về thì bạn có thể bắt đầu bước thứ ba. Đưa ra tín hiệu chấp nhận anh ấy trở về. Bạn sẽ có cơ hội để xây dựng một cuộc sống mới cùng nhau, phù hợp với những nhu cầu của hai người và trong đa số trường hợp, cuộc hôn nhân có khi còn đẹp hơn xưa vì sẽ khắc phục được những nhược điểm cũ.

                                                                                                                            Trịnh Trung Hòa