Hiện có những ý kiến rất khác nhau về việc nên lưu trữ dữ liệu trên các phương tiện lưu trữ số nào, đĩa CD hay đĩa DVD. Tuy nhiên, ông Kurt Gerecke, một nhà vật lý học và là chuyên gia về lưu trữ của IBM lại cho rằng, nếu người dùng muốn tránh việc phải liên tục ghi lại những chiếc đĩa CD mới thì hãy sử dụng băng từ để lưu trữ toàn bộ các dữ liệu quan trọng của mình.
Ông Gerecke nói: “Không giống như những đĩa CD gốc được in sao công nghiệp, các đĩa CD ghi có tuổi thọ tương đối ngắn, từ hai đến năm năm tùy thuộc vào chất lượng đĩa CD. Bạn cũng có thể làm một vài việc để kéo dài tuổi thọ một chiếc đĩa CD ghi, thí dụ như giữ chúng ở những nơi tối, khô, nhưng cũng chẳng thêm được nhiều lắm”.
Vấn đề ở đây là sự thoái hóa vật liệu. Các đĩa quang thường dùng để ghi với ổ ghi máy tính, thí dụ như đĩa CD-R hay CD-RW, có bề mặt lưu trữ bao gồm một lớp nhuộm có thể dùng nhiệt sửa đổi để lưu trữ dữ liệu. Quá trình thoái hóa có thể dẫn tới việc “thay đổi” dữ liệu trên bề mặt đĩa và từ đó khiến cho các chùm tia laser không thể đọc được đĩa.
Ông Gerecke nói: “Rất nhiều loại đĩa CD ghi được bán trên thị trường có độ bền chỉ khoảng hai năm. Một số loại đĩa chất lượng cao hơn cũng có tuổi thọ cao hơn, nhưng cũng chỉ đến 5 năm”. Nhưng ông cho biết, việc phân biệt các đĩa CD ghi chất lượng cao với các đĩa chất lượng thấp là rất khó bởi có rất ít hãng chế tạo nhắc tới độ bền của đĩa khi bán sản phẩm.
Ông Gerecke cũng cho rằng các ổ đĩa cứng cũng có những hạn chế riêng. Vấn đề của các ổ đĩa cứng không phải là các tấm đĩa mà là ở các trục đĩa, vốn có chức năng định vị tương tự như ổ bi. Ông nói: “Nếu ổ đĩa cứng sử dụng một trục đĩa giá rẻ, trục đĩa này sẽ bị mòn nhanh hơn nhiều so với một trục đĩa đắt tiền”. Ông đề xuất nên sử dụng các ổ đĩa cứng có tốc độ vòng quay 7.200 vòng/phút.
Để giải quyết sự hạn chế trong việc bảo quản dữ liệu trên các đĩa CD ghi, ông Gerecke cho rằng nên sử dụng các loại băng từ. Theo ông, các loại băng từ có tuổi thọ dài hơn nhiều, từ 30 đến 100 năm, tùy thuộc vào chất lượng của chúng. Ông nói: “Thậm chí ngay cả khi các băng từ bị thoái hóa, chúng vẫn còn tốt hơn các phương tiện lưu trữ khác”.
Nhưng ông cũng chỉ ra rằng không có loại phương tiện lưu trữ nào có thể tồn tại vĩnh cửu, bởi vậy các khách hàng và doanh nghiệp đều nên có một kế hoạch chuyển đổi sang các công nghệ lưu trữ mới.
Ông nói: “Các công ty nên liên tục xem xét các công nghệ lưu trữ mới và có một chiến lược lưu trữ cho phép họ tự động chuyển đổi sang các công nghệ mới. Nếu không, họ sẽ rơi vào một tình thế không lối thoát. Và với những công ty đang có hàng terabyte dữ liệu quan trọng, điều này có thể trở thành một rắc rối lớn”.
|