Sáng 12-9, “Chợ phần mềm và giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) TP Hồ Chí Minh 2005” đã chính thức khai mạc tại nhà thi đấu thể dục thể thao Quân khu 7 (202 Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh).
Theo ban tổ chức, có 400 phần mềm và giải pháp CNTT được chào bán tại phiên chợ này, hơn 100 gian hàng của hơn 70 công ty. Phần mềm có giá thấp nhất là 16.000 đồng và cao nhất khoảng 30.000 USD. Tính đến trước giờ khai mạc đã có 750 đăng ký tiếp xúc, thương thảo, đặt mua 750 phần mềm và giải pháp CNTT. Ngay sau lễ khai mạc, đã có 21 hợp đồng trị giá gần 2 tỷ đồng được ký kết.
Tại buổi lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Trần Quốc Thắng đã đánh giá cao những đột phá của TP Hồ Chí Minh để phát triển ngành công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ phần mềm thông qua các kỳ Softmart.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh cần phải làm chủ quá trình phát triển công nghiệp phần mềm, phát triển lực lượng lao động không chỉ về số lượng mà còn chất lượng; thành phố đóng vai trò đầu tàu đưa thị trường CNTT- công nghiệp phần mềm phát triển ở Việt Nam. Việc tổ chức hoạt động kinh doanh dưới hình thức “chợ” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) có nhu cầu sử dụng CNTT- công nghiệp phần mềm tìm giải pháp trong công tác quản lý sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tham dự Softmart, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đây là nơi để hội tụ các DN phần mềm, tạo điều kiện thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh, lao động có tri thức và chất lượng. Việc nghiên cứu khoa học sẽ hiệu quả hơn nhờ ứng dụng công nghiệp phần mềm.
Hiện TP Hồ Chí Minh là nơi duy nhất trên cả nước tổ chức chợ công nghiệp phần mềm và giải pháp CNTT mang tính chất truyền thống, tạo ra sự gặp gỡ, kết nối cung cầu, trao đổi khoa học rất cần thiết trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm.
Chiều cùng ngày, cơ quan thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) hướng dẫn một đoàn lãnh đạo cấp cao của 16 DN phần mềm Nhật Bản đến TP Hồ Chí Minh tham dự Softmart và tiếp xúc nhằm kết nối kinh doanh với 28 DN phần mềm Việt Nam.
Ông Yuki Sasaki, Công ty Nextware, một thành viên trong đoàn khách từ Nhật Bản nhìn nhận, qua sản phẩm các gian hàng có thể thấy đa số doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã chú ý đến thị trường trong nước và quan tâm cung cấp sản phẩm cho thị trường này. Ông cho rằng, đây là một tiền đề để sản phẩm công nghệ thông tin nội địa vươn ra thị trường thế giới sau này. Vì khi sản phẩm công nghệ thông tin chiếm lĩnh được thị phần trong nước, ít nhiều họ sẽ có chỗ dựa để chinh phục khách hàng nước ngoài.
Sau bốn kỳ Softmart, trong thời gian diễn ra hội chợ, các đơn vị tham gia đã ký được nhiều hợp đồng với tổng giá trị khoảng 230 tỷ đồng.
Hội chợ được kéo dài đến 14-9. Trong thời gian này, Ban tổ chức sẽ giới thiệu 24 sản phẩm phần mềm và giải pháp công nghệ thông tin điển hình cho các doanh nghiệp. Sáng 13-9, hội thảo "Ứng dụng phần mềm nguồn mở" được tổ chức tại khách sạn Tân Sơn Nhất.
|