1. Đa chiều của một kết nối là sơ đồ của mạng Internet mới nhất mà báo cáo mô tả: “Kết nối mọi lúc, mọi nơi và mọi thứ”.
Tiến sĩ Hideki Sakamoto, thành viên Viện Sáng tạo trong kinh doanh của Tập đoàn điện tử Nhật NTT, chìa ra chiếc máy be bé và bảo: hãy thử kết nối Internet xuyên qua cơ thể bạn xem nào. Chỉ cần chìa tay ra cho ông, mọi dữ liệu cá nhân thay cho tấm danh thiếp đã được truyền sang chiếc máy, nhanh... như phim.
“Nhưng nó chỉ là một ý tưởng, tôi thích công nghệ kết nối Internet thông qua cơ thể này khi nó có thể giúp tôi... uống thuốc”.
Ông nói và biểu diễn ngay: thò tay lên một lọ thuốc trên kệ, lập tức có tiếng nói vang lên từ máy: “Xin lỗi, sai rồi, đừng dùng thuốc này”. “Thử cái khác nhé”, ông tiến sĩ già nheo mắt. “Chính xác, bạn hãy uống hai lần mỗi ngày, mỗi lần một viên”.
Ông đưa ra chiếc máy bé như máy tính cầm tay: “Dữ liệu nằm trong này được lập trình sẵn và có kết nối với những lọ thuốc. Chỉ cần bàn tay kết nối được với lọ thuốc là máy sẽ tự phân tích và cho ra lời hướng dẫn thôi”.
Ông xác nhận là công nghệ này vẫn trong vòng nghiên cứu, nhưng sẽ tung ra thị trường trong một ngày không xa “vì chúng tôi làm trong viện nghiên cứu để kinh doanh mà...” - người đàn ông Nhật Bản rất mê thức ăn Việt Nam này khẳng định.
24g Việt Nam 19-11, Hội nghị thượng đỉnh xã hội thông tin toàn cầu đã bế mạc và đưa ra chương trình hành động Tunis (Tunisia) gồm 122 điểm. Nội dung chính của nghị quyết Tunis xoáy vào việc thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số giữa các nước trên thế giới, thành lập lực lượng hỗ trợ thông tin toàn cầu và xác định ngày xã hội thông tin thế giới là ngày 17-5. Chương trình hành động được chia thành nhiều nhóm khác nhau, trong đó tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và kiến thức để thực hiện việc số hóa tám lĩnh vực thiết yếu trong cuộc sống: chính phủ điện tử, thương mại điện tử, giáo dục điện tử, sức khỏe điện tử, quản lý lao động điện tử, quản lý môi trường điện tử, nông nghiệp điện tử và khoa học điện tử.
|
2. Đơn vị duy nhất đăng ký triển lãm tại Hội nghị thượng đỉnh xã hội thông tin toàn cầu (WSIS) dưới cái tên Việt Nam hóa ra lại không phải là của... người Việt. Tìm mãi mới ra được gian hàng mang tên “Cơ hội điện tử cho mọi người” của ADOC (Trung tâm Cơ hội kỹ thuật số của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương).
Ở đó, những nhà tổ chức trưng bày một giấc mơ mà bất kỳ người Việt nào cũng mong muốn bằng câu giới thiệu rất to: “Việt Nam đang bắt đầu chuyển từ một xã hội nông nghiệp sang một xã hội kỹ thuật số”.
Johnny Wang, cán bộ chuyên trách dự án ADOC, giải thích: “Bạn phải đến Việt Nam để xem những tiềm năng dồi dào mà đất nước này có được. Chúng tôi đang xúc tiến triển khai những dự án “cơ hội số” để người nông dân Việt Nam không phải mang nông sản trên vai ra chợ bán nữa và có thể ngồi ở trung tâm tin học của làng để tính toán việc mua bán của mình. Hiện giờ dự án đang thí điểm ở một làng gốm mang tên Bát Tràng...”.
Nói rồi anh đưa cho tôi một cái tai nghe để xem những chiếc bình gốm của Bát Tràng được giới thiệu trên mạng và hợp đồng đầu tiên được ký kết trong khúc nhạc rất tưng bừng của một ngày mới.
Ở một xứ sở cách Việt Nam đến 14 giờ ngồi máy bay liên tục, chợt nghe một người nước ngoài giới thiệu về cơ hội đổi đời cho người nông dân mình, tự dưng thấy ấm lòng. Giá mà đoàn Việt Nam có mặt ở đây...
3. Trong cuộc họp báo vừa diễn ra, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan cười hiền lành trước câu hỏi: “Liệu rằng những dự định thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số giữa nước giàu và nước nghèo, viễn cảnh phần đông người nghèo có thể chia sẻ tài nguyên Internet mà hội nghị đưa ra có thành hiện thực sau khi kết thúc WSIS?”.
Ông bảo: “Tôi cứ tưởng không phải trả lời câu hỏi này, vì sau phiên đầu tiên của hội nghị diễn ra năm 2003 ở Geneva, mọi việc đã phát triển một cách tốt đẹp: hàng loạt dự án công nghệ đã được triển khai, số người nghèo được tiếp cận Internet ngày càng tăng.
Tôi đang chuẩn bị giới thiệu với mọi người chiếc máy tính giá 100 USD cho trẻ em toàn cầu. Và những phiên thảo luận của hội nghị đang đi gần đến những thỏa thuận về tài chính cho những kế hoạch đề ra. Chúng ta đang tăng tốc để đạt được những mục tiêu thiên niên kỷ”.
Tôi bước ra ngoài phòng họp, trên tay nặng trĩu tài liệu của hàng trăm dự án đang được thực hiện ở những nước đang phát triển, tập trung xoáy vào thanh niên, lực lượng chính của một thời đại mới. Anh bạn đồng nghiệp người Indonesia lè lưỡi: “Chắc phải tính toán lại công việc. Nếu chỉ viết giới thiệu những dự án cộng đồng kiểu này thì chắc một năm sau chỉ toàn giới thiệu và giới thiệu dự án”.
4. Bên lề hội nghị chính thức, có đến hơn 20 diễn đàn phụ được tổ chức mỗi ngày. Người ta ngồi và thảo luận với nhau những vấn đề tưởng chừng như mơ nhưng lại đang là sự thật: sự chết dần của nhà báo dưới tác động của Internet khi mà mỗi người dân đều có đủ công cụ để làm báo; sự ra đời của một thứ giấy điện tử mỏng như giấy thường nhưng có khả năng kết nối Internet và thay đổi nội dung xoành xoạch; sự lên ngôi của thiết bị định vị toàn cầu...
Quả thật, những ngày Tunis vừa qua, mọi khái niệm trong cuộc sống đều được gán thêm hai chữ “điện tử” phía trước: từ thương mại điện tử, giáo trình điện tử đến... đóng giày điện tử và văn hóa điện tử.
5. Và điều buồn nhất là giữa một phiên chợ quốc tế náo nhiệt, những quốc gia nghèo xơ xác ở châu Phi vẫn cố mang đến cho bạn bè, đối tác một “chân dung số” của mình thì Việt Nam gần như là khuất dạng. Hình như có một cái gì đó đã bị vuột khỏi tầm tay...
|