Sân chơi trí tuệ ngày hè
Các Website khác - 15/08/2005
Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa
cùng các vị lãnh trao Bằng khen
cho các thí sinh đạt giải Nhất.
Vào những ngày đầu tháng 8 này, trên sân Ðại học Quốc gia Hà Nội rộn rã tiếng cười, tiếng nói của gần 200 em học sinh các trường phổ thông của 53 tỉnh, thành phố và ngành trong cả nước. Các em đang tham gia một sân chơi trí tuệ ngày hè: Hội thi tin học trẻ không chuyên toàn quốc lần thứ XI-2005.
Ðược dự cuộc thi "Tin học vui", một trong những hoạt động hấp dẫn nhất của hội thi chúng tôi như trở lại thế giới tuổi thơ, bởi được cùng các em cười nói, xuýt xoa tiếc rẻ khi có đội trên sân khấu nhanh nhảu bấm chuông sai luật, đành phải nhường quyền trả lời cho đội khác. Mỗi khi có đội nào trả lời đúng cả hội trường như nổ tung bởi tiếng reo hò, vỗ tay tán thưởng. Ðội thắng cuộc, thua cuộc vui vẻ, hỷ hả. Các em đang dự thi các kiến thức về: cấu tạo máy tính; kỹ năng sử dụng bàn phím, con chuột; lắp ráp máy tính; truy cập internet mà vui cứ như chúng tôi đánh bi, đánh đáo ngày xưa.

Em Hoàng Tuyết Lê học sinh lớp 7, người dân tộc Tày ở Cao Bằng, nói với chúng tôi một cách hồ hởi khi em vừa kết thúc cuộc thi: chúng cháu vui lắm, vừa được về thủ đô tham dự hội thi, vừa được làm quen với các bạn ở nhiều tỉnh, thành phố. Ðây là lần thứ tư cháu tham dự hội thi tin học trẻ không chuyên. Các lần trước cháu từng là học sinh dân tộc nhỏ tuổi nhất tham dự, đạt giải khuyến khích. Tuyết Lê khoe với chúng tôi: Bố mẹ cháu mới mua cho một chiếc máy tính. Năm tới cháu sẽ mang đến hội thi một phần mềm sáng tạo.

- Phần mềm gì vậy? Chúng tôi hỏi. Tuyết Lê nói nhỏ với chúng tôi:

- Bí mật chú ạ, rồi chạy ùa đi cùng các bạn mới quen ở Nghệ An, Ðà Nẵng.

Ông Trần Ðình Thư, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ trẻ (Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh), cho chúng tôi biết: Trong năm tháng qua, nhiều đơn vị được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của UBND, lãnh đạo các ngành đã thành lập ban chỉ đạo, với kế hoạch cụ thể cho hội thi vòng một tại địa phương, đạt kết quả đáng khích lệ. Ðiển hình như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ðà Nẵng, Kiên Giang, An Giang, Lâm Ðồng, Ðác Lắc, Bình Thuận, Khánh Hòa, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bộ Bưu chính - Viễn thông, Bộ Công an... Ðặc biệt, 12 tỉnh, thành phố thuộc cụm đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức Hội thi tin học trẻ không chuyên toàn cụm lần thứ hai, trên cơ sở đó lựa chọn đội dự thi toàn quốc. Một số tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, công nghệ thông tin chưa phát triển, nhưng vẫn tổ chức hội thi vòng một và đăng ký tham gia hội thi toàn quốc như tỉnh Ninh Thuận, Yên Bái, Cao Bằng.

Vòng chung khảo hội thi đã chính thức khai mạc vào tối ngày 3-8 tại Ðại học Quốc gia Hà Nội. Hội thi thật sự là ngày hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các thí sinh với bạn bè, thầy cô, với các nhà khoa học chuyên ngành công nghệ thông tin... đầy thú vị, bổ ích với chủ đề "Tự tin - đoàn kết - sáng tạo". Trong tổng số thí sinh về dự thi có 64 em là học sinh tiểu học, 59 em là học sinh THCS, 59 em là học sinh THPT, trong đó có sáu em là học sinh dân tộc thiểu số.

PGS, TS Hồ Hữu Ðàm, Chủ nhiệm bộ môn mạng máy tính và truyền thông Trường đại học Công nghệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng giám khảo hội thi, đánh giá: Hội đồng giám khảo gồm các thầy cô giáo, các chuyên gia tin học có nhiều kinh nghiệm đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Ban đề thi đã căn cứ vào thể lệ hội thi, các bộ đề thi 10 năm trước đây và đề thi của các địa phương gửi về, kết hợp chương trình đào tạo tin học do Bộ Giáo dục và Ðào tạo quản lý, đã soạn thảo được bộ đề thi khoa học, phù hợp trình độ thí sinh, bảo đảm được yêu cầu bảo mật và các yêu cầu do ban chỉ đạo đặt ra; đồng thời soạn thảo đáp án, thang điểm để công tác chấm thi nhanh chóng.

Năm nay các em mang đến hội thi 26 phần mềm sáng tạo khối chuyên và không chuyên. Ðối với khối không chuyên, các thí sinh đã có nỗ lực tìm tòi sáng tạo, cập nhật được thông tin và công cụ mới (MySQL + LPH, DosNet, Delphi). Nội dung các phần mềm sáng tạo đều bám sát yêu cầu hội thi: lĩnh vực bảo vệ môi trường, trật tự, an toàn giao thông.

Ðối với khối chuyên, sản phẩm phần mềm của các thí sinh đều áp dụng công nghệ mới, cập nhật thông tin thường xuyên. Ðây là điểm mới của khối chuyên so với các năm trước. Nhìn chung các phần mềm sáng tạo vào vòng chung kết đạt giải cao đều là sản phẩm có ý tưởng mới, nắm vững công cụ lập trình mới, công cụ lập trình mạng, có kỹ năng xây dựng phần mềm, giao diện điện tử thân thiện, hệ thống mở, hợp lý, tư liệu sáng sủa, trình bày mạch lạc, tự tin.

Em Nguyễn An Khương, học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn thành phố Ðà Nẵng đã đoạt giải nhất khối thi chuyên với phần mềm: Xây dựng hệ thống truy cập bản đồ Ðà Nẵng. Tính mới của phần mềm là sử dụng các thiết bị không dây như điện thoại cầm tay để truy cập. Người du lịch đến Ðà Nẵng khi cần thiết sẽ được chỉ đường qua điện thoại di động. Phần mềm nói trên là phần mềm mở, khi có điều kiện có thể phát triển bản đồ chỉ dẫn du lịch ra các thành phố trong cả nước.

Kết thúc hội thi, ban chỉ đạo đã trao 99 giải thưởng cho các em đoạt giải các khối thi A, B, C, phần mềm sáng tạo khối chuyên và không chuyên (bảy em giải nhất, 11 em giải nhì, 29 giải ba và 52 em đoạt giải khuyến khích). Ban chỉ đạo còn quyết định tặng giải đồng đội cho đội tuyển của đoàn Ðà Nẵng, là đội có đủ ba đối tượng dự thi và có điểm bình quân cao nhất.

Buổi bế mạc Hội thi tin học trẻ không chuyên toàn quốc lần thứ 11, được tổ chức một cách trang trọng tại khách sạn Melia. Thay mặt Ðảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã trao cho Trung tâm Phát triển khoa học, công nghệ và Tài năng trẻ - Thường trực Ban Tổ chức hội thi - Huân chương Lao động hạng ba và bốn đơn vị khác Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong việc tổ chức thành công Hội thi tin học trẻ không chuyên toàn quốc từ năm 1995 đến nay.

Em Lê Trương Quỳnh Giang, 9 tuổi, đoàn Lâm Đồng, thí sinh nhỏ tuổi nhất hội thi.
Khi Ban Tổ chức giới thiệu Lê Trương Quỳnh Giang lên nhận giải thưởng, hơn 700 đại biểu hướng lên sân khấu với ánh mắt ngạc nhiên, thán phục. Bởi vì Quỳnh Giang là thí sinh nhỏ tuổi nhất trong số thí sinh dự thi, em mới học lớp ba Trường tiểu học Ðoàn Thị Ðiểm (Lâm Ðồng). Nhiều cha, mẹ thí sinh, ngồi cạnh chúng tôi bày tỏ nguyện vọng: từ sân chơi trí tuệ ngày hè này, con cái của họ sẽ có cơ hội rèn luyện để trở thành chuyên gia tin học trong thời gian không xa. Ðó cũng là mục đích mà những đơn vị tổ chức Hội thi tin học trẻ không chuyên toàn quốc hướng tới.

HÀ HỒNG