Một số khó khăn trong công tác phòng, chống ma túy
Báo Tiếng chuông - 26/03/2016
Theo Bộ Công an, tình hình ma túy còn gay go, ma túy thẩm lậu vào trong nước hoặc từ trong nước ra nước ngoài còn nhiều; còn nhiều tụ điểm và địa bàn rất phức tạp, chưa đánh giá chính xác xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp; công tác phòng, chống ma túy ở cơ sở chưa đồng đều, có nơi chưa được quan tâm chỉ đạo, đầu tư… Đó là một số khó khăn, tồn trại trong công tác phòng chống ma túy tại nước ta.
Ảnh minh họa

 

Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy khu vực phức tạp

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, năm 2015, khu vực Đông Nam Á có trên 760 tấn thuốc phiện (tương đương với 76 tấn heroin), 20 tấn Methamphetamine dạng tinh thể (ma túy đá) và 500 triệu viên ma túy tổng hợp được sản xuất và lưu hành bất hợp pháp. Các cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp được phát hiện tập trung chủ yếu tại Myanmar, Trung Quốc, Campuchia...Việc triệt xóa các cơ sở này đã thu hàng chục tấn ma túy và hàng chục tấn tiền chất. Phần lớn số tiền chất này được đưa bất hợp pháp từ Trung Quốc, Ấn Độ.

Tình trạng mua bán, vận chuyển và lạm dụng các chất hướng thần mới (NPS) vẫn diễn ra nghiêm trọng. Trong số gần 600 chất hướng thần mới thì có trên 100 chất bị lạm dụng ở nhiều nước song hầu hết các nước còn rất lúng túng trong biện pháp đối phó, từ khâu xây dựng văn bản pháp luật, giám định, điều trị. Ủy ban Kiểm soát ma túy (CND), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang đưa ra các đánh giá về tác động của các chất này đối với sức khỏe cộng đồng và đề ra lộ trình đưa 10 chất hướng thần đầu tiên trong tổng số 600 chất dạng này vào diện kiểm soát theo Công ước quốc tế.

Sau 15 năm thực hiện Kế hoạch hành động “Vì một ASEAN không ma túy”, đến nay, các nước ASEAN đều có chung nhận định: mặc dù Chính phủ các nước đã nỗ lực nhằm loại bỏ tệ nạn ma túy song tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy và lợi dụng sử dụng hợp pháp các chất ma túy, chất gây nghiện trong khu vực hiện vẫn đang rất phức tạp, vì vậy trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hoạt động ASEAN.

Mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp tăng nhanh

Do chịu tác động trực tiếp từ tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trong khu vực, tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta trong năm 2015 tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, khó lường. Trên tuyến biên giới Tây Bắc và Bắc miền Trung các lực lượng chức năng thường xuyên phát hiện các đường dây vận chuyển ma túy lớn từ bên ngoài vào nội địa để tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba. Tình hình phức tạp nhất tại địa bàn huyện Vân Hồ, Sông Mã, Mộc Châu (tỉnh Sơn La) thường xuyên có nhiều toán tội phạm ma túy có vũ trang vận chuyển ma túy với số lượng lớn vào nội địa, mỗi chuyến tới hàng trăm bánh heroin. Các băng nhóm tội phạm ma túy rất manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, truy bắt gây nhiều tổn thất về người và tài sản cho các lực lượng chức năng.

Trên các tuyến này, đã phát hiện, bắt giữ 5.283 vụ (chiếm 27% cả nước) với 7.222 đối tượng vận chuyển 327 kg heroin (chiếm 22%). Mặc dù bị trấn áp mạnh nhưng tình hình vẫn chưa giảm, trong đó có nhiều vụ, tội phạm ma túy đã vận chuyển trót lọt lượng ma túy lớn vào sâu nội địa như vụ bắt 6 đối tượng thu 490 bánh heroin giấu trong 3 bình ga tại Hà Nội.

Trên tuyến biên giới phía Bắc, thuộc địa phận các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ vận chuyển heroin qua Trung Quốc. Tại Quảng Ninh phát hiện nhiều vụ ma túy tổng hợp dạng “đá” và viên được vận chuyển từ Trung Quốc vào nước ta có vụ với số lượng lớn.

Trên tuyến hàng không quốc tế và tuyến đường biển phát hiện 7 vụ, thu 6,06 kg heroin; 20 kg ma túy tổng hợp, 56 kg cocain. Điều đáng lưu ý, trong đó có vụ phát hiện lượng cocain lớn nhất từ trước đến nay được vận chuyển từ các nước Nam Mỹ qua Việt Nam rồi tiếp tục vận chuyển đi các nước khác tiêu thụ.

Tình hình mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp tăng nhanh với gần 983 kg được phát hiện và thu giữ, tăng 631 kg (179%) so với năm 2014. Giá thành loại ma túy tổng hợp dạng tinh thể tiếp tục giảm mạnh (từ 500 triệu xuống dưới mức 300 triệu VNĐ/kg), cho thấy sản xuất ma túy tổng hợp gia tăng. Nguồn cung chủ yếu từ các tỉnh phía nam của Trung Quốc. Một phần từ Lào hoặc các nước Tây Phi. Nhiều vụ thu lượng ma túy tổng hợp lớn như: vụ bắt giữ 28,9 kg ma túy tổng hợp tại Cao Bằng; 19,5 kg tại Quảng Ninh; 16 kg tại sân bay Tân Sơn Nhất và vụ bắt giữ 78.000 viên MTTH tại Sơn La…

Tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp tiếp tục phức tạp, công tác đấu tranh, ngăn chặn gặp khó khăn. Phương thức, thủ đoạn vận chuyển ma túy rất tinh vi và thường xuyên thay đổi, đã tăng cường móc nối với cán bộ các cơ quan chức năng, người nước ngoài để vận chuyển ma túy. Đã phát hiện thủ đoạn cất giấu ma túy trong các bình ga , vụ ép ma túy vào trong các ván sàn gỗ để vận chuyển bằng đường biển, vận chuyển ma túy với số lượng lớn vào dịp Tết nguyên đán hoặc lợi dụng chính sách thuận lợi trong hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, nhất là trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Trong nội địa, còn trên 2.000 điểm và gần 300 tụ  điểm phức tạp về ma túy nên hoạt động mua bán lẻ, tổ chức sử dụng ma túy ở nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn diễn ra phức tạp. Tại các thành phố, khu đô thị, hiện tượng sử dụng ma túy tổng hợp tại các quán bar, vũ trường, nhà nghỉ diễn ra phức tạp. Đối tượng tham gia có cả học sinh, sinh viên; hậu quả sử dụng ma túy tổng hợp gây ra rất nghiêm trọng.

Về tình hình người nghiện, toàn quốc thống kê được 200.134 người nghiện ma túy, giảm 4.243 người (2,2%) so với năm 2014 (204.377 người), nguyên nhân giảm chủ yếu do số người đã hoàn thành thời gian cai nghiện hoặc bị chết 12. Trong đó 74,15% người đang sinh sống ngoài xã hội; 6,85 % người trong các cơ sở cai nghiện, 18% người đang trong các cơ sở giam giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.

Một số khó khăn, tồn tại

Bộ Công an cũng đánh giá một số khó khăn, tồn tại trong công tác phòng, chống ma túy. Đó là quan điểm về phòng, chống ma túy ở một số nước, nhất là ở khu vực Tây Âu và một số nước Nam Mỹ có xu hướng nới lỏng, thậm chí hợp pháp hóa việc sử dụng ma túy. Quan điểm này đang gặp nhiều ý kiến không đồng tình của nhiều nước. Tuy nhiên sự bất đồng quan điểm này đang tác động lớn đến chính sách kiểm soát ma túy của các nước. Do vậy, Liên hợp quốc sẽ tổ chức phiên họp đặc biệt Đại hội đồng để thảo luận thống nhất quan điểm chung này.

Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy tuy đã có nhiều cải tiến song vẫn còn thiếu những chương trình tuyên truyền có hiệu quả về tác hại của ma túy tổng hợp. Do đó, một bộ phận thanh, thiếu niên còn chưa nhận thức đúng về ma túy tổng hợp, coi đó là loại ma túy không gây nghiện, ít nguy hiểm.

Tình hình ma túy còn phức tạp, ma túy thẩm lậu vào trong nước hoặc từ trong nước ra nước ngoài còn nhiều; còn nhiều tụ điểm và địa bàn rất phức tạp, chưa đánh giá chính xác xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp; công tác phòng, chống ma túy ở cơ sở chưa đồng đều, có nơi chưa được quan tâm chỉ đạo, đầu tư.

Công tác cai nghiện và quản lý sau cai hiệu quả còn thấp; việc chuyển đổi sang mô hình mở, thân thiện cộng đồng còn chưa mạnh; cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chưa được quan tâm chỉ đạo và gặp khó khăn trong quá trình thực hiện; mặc dù có cơ chế cho vay vốn cho người sau cai nghiện tạo việc làm nhưng không thực hiện do không có vốn. Việc mở rộng chương trình methadone chưa đạt mục tiêu. Việc triển khai mô hình cơ sở bảo trợ xã hội mới được thực hiện ở một số tỉnh, thành phố, nhiều tỉnh, thành phố do điều kiện kinh tế, xã hội chưa triển khai được mô hình này; bên cạnh đó những khó khăn, vướng mắc trong việc đưa người nghiện có nơi cư trú vào cơ sở cai nghiện bắt buộc vẫn chưa được tháo gỡ nên việc lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Số người cai nghiện tự nguyện thấp, trong đó có lý do không có cơ chế khuyến khích người nghiện cai tự nguyện.

Thời gian tới, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy kết thúc sẽ ảnh hưởng đến các địa phương có tình hình ma túy phức tạp, kinh tế phát triển chậm sẽ khó khăn trong bố trí kinh phí cho phòng, chống ma túy.

Công tác thống kê, báo cáo còn nhiều vướng mắc về chuyển số liệu, thời gian thống kê và tiêu chí thống kê. Do vậy, việc trao đổi thông tin giữa ta với các tổ chức quốc tế theo các nghĩa vụ công ước chưa đáp ứng yêu cầu.