Trung Quốc: Dân nhập cư làm tăng tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS
Các Website khác - 24/07/2005

 Luồng dân nhập cư ồ ạt vào thành phố ở Trung Quốc đã và đang trở thành nguy cơ lớn của việc lây lan đại dịch HIV/AIDS. Đây là thông báo của các nhà khoa học tại hội nghị dân số quốc tế diễn ra tại đất nước hơn 1 tỉ dân.

Ông Vinod Mishra, công tác tại công ty nghiên cứu điều tra nhân khẩu và y tế cho biết, hiện nay, đại dịch HIV/AIDS không chỉ là nỗi đe dọa của nhóm đối tượng có nguy cơ cao như gái mại dâm và nghiện hút nữa mà đã lan tràn trong toàn thể dân cư nói chung.

Còn hai nhà nghiên cứu Xiushi Yang, Valarian Derlega thuộc đại học Old Dominion (Mỹ) và ông Huasong Luo (đại học Yunnan) thì khẳng định: “Rất có thể luồng dân nhập cư gia tăng sẽ là lực cản đáng kể trong chiến dịch phòng chống AIDS của Trung Quốc”.

Theo những số liệu thống kê, tỉ lệ dân nhập cư vào Trung Quốc từ những năm 80 trở lại đây đã tăng đáng kể. Nếu như năm 1982 chỉ là 11 triệu người thì đến năm 2000 tăng đến hơn 79 triệu và ước tính hiện nay có thể đã lên tới 120 triệu dân.

Theo nghiên cứu của ông Yang và các cộng sự thì số dân nhập cư vào thành phố có tỉ lệ lây nhiễm cao hơn rất nhiều so với bản địa. Họ có xu hướng quan hệ tình dục bừa bãi, thiếu an toàn gấp bốn lần và dùng thuốc phiện cũng như các loại ma túy khác gấp hai lần.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng, nhân tố chính khiến nhóm đối tượng này có những hành vi phạm pháp và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao như thế là do những tách biệt về quan hệ với cộng đồng dân cư nơi họ đến sinh sống.

Trong số dân nhập cư này, hầu hết đều là thanh niên đang độ trưởng thành, sống tập trung tại các khu vực lao động như công trường xây dựng, nhà ăn hay các khu trại do chủ thầu cung cấp ở ven thành phố. Đó cũng là những khu dân nghèo khổ cư trú, quá đông người ở nhưng lại thiếu trầm trọng các dịch vụ y tế.

Ông Mishra cho rằng, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước đông dân nhất thế giới với số dân hiện nay lần lượt là 1,3 và 1,08 tỉ dân. Với con số đó, chỉ cần một sự thay đổi phần trăm nhỏ trong tỉ lệ trường hợp nhiễm bệnh cũng sẽ là một con số rất lớn rồi. Chính vì vậy, cả hai nước này đều phải là những đội quân tiên phong trong cuộc chiến với căn bệnh thế kỷ này.

Ông nói: “Với những quốc gia lớn như Ấn Độ và Trung Quốc, sẽ chẳng bao giờ có tỉ lệ nhiễm bệnh cao như ở khu vực tiểu Sahara châu Phi, nhưng trong thực tế, số người nhiễm bệnh có thể còn cao hơn rất nhiều so với khu vực ấy”.

Các nhà nghiên cứu cho biết, hiện tại, Ấn Độ có 5,1 triệu người nhiễm HIV, chiếm 0,9% tổng số dân, đứng thứ 2 sau Nam Phi với 5,3 triệu dân. Còn ở Trung Quốc, số người nhiễm HIV đã lên tới 840,000 người, chiếm 0,1% tổng dân số.

Con số thống kê chính thức đó tuy chưa phản ánh đúng thực chất tình trạng lây nhiễm mạnh mẽ của đại dịch nhưng cũng cho thấy, đầu những năm 90, tỉ lệ nhiễm mới của Trung Quốc đã tăng gấp đôi hoặc gấp ba, từ năm 1994 đến năm 2002, mức tăng trung bình là 44%. Đây là những thông số do ông Yang và các cộng sự đưa ra.

Theo các nhà nghiên cứu, “HIV/AIDS đã chuyển từ căn bệnh thường mắc ở người nước ngoài đến quá trình tác động tới mọi tầng lớp dân cư và mọi khu vực trên cả quốc gia Trung Quốc”.

Mặc dù nguyên nhân lây nhiễm HIV/AIDS chủ yếu vẫn là do các con nghiện dùng chung bơm kim tiêm nhưng có một thực tế là nguyên nhân lây nhiễm qua quan hệ tình dục cũng có dấu hiệu gia tăng. Năm 2002, tỉ lệ lây nhiễm do nguyên nhân này chiếm tới 10,9%, cho thấy nguyên nhân lây nhiễm có tốc độ lan truyền nhanh nhất hiện nay ở Trung Quốc.

 Quỹ phòng chống AIDS của LHQ ước tính, nếu xu hướng này vẫn tiếp tục, đến cuối thập kỷ này sẽ có khoảng 10 triệu người nhiễm AIDS, đe dọa nghiêm trọng tới vấn đề ổn định xã hội và phát triển kinh tế.

Không chỉ riêng Trung Quốc, rất nhiều nghiên cứu ở các nước khác cũng đã khẳng định, nạn nhập cư ồ ạt chính là một trong những nhân tố quan trọng dẫn tới tình trạng lây lan báo động như hiện nay.

Do đó, bên cạnh công tác phòng chống HIV/AIDS, các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng rất cần thiết phải có những quản lý về vấn đề này.

Dương Kim Thoa theo

http://www.bakutoday.net/