Bằng cấp hay nghề nghiệp?
Các Website khác - 23/09/2005

Bằng cấp hay nghề nghiệp?

Học sinh trong giờ thực hành ở Trường Trung học Kỹ thuật nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM)

TT - Hơn 230 thư, email đã gửi về diễn đàn - chỉ sau ba ngày. Trong đó, ba ý kiến trên diễn đàn số báo hôm qua (22-9) ngay lập tức nhận được phản hồi của hàng trăm bạn, với nhiều ý kiến như một tâm sự từ chính bản thân mình về một nội dung: vấn đề là bằng cấp hay nghề nghiệp?

Tôi quyết định không thi đại học năm nay

Thú thật tôi không đủ tự tin vào năng lực của mình nên quyết định không thi đại học năm nay. Tôi đi làm thêm, một phần muốn học thêm Anh văn, vi tính, một phần muốn kiếm tiền để học năm sau cũng không muộn. Và nói thật nhé, tôi đang hài lòng với công việc của mình, không chỉ mưu sinh mà còn giúp tôi học nhiều thứ mà nhà trường hay gia đình chưa kịp dạy.

HẠNH NGUYÊN
(KP5, Tân Phong, Biên Hòa, Đồng Nai)

Giá bằng cử nhân của tôi đắt quá!

Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân ở đồng bằng Bắc bộ; tốt nghiệp THPT năm 1999. Ngày ấy, mơ ước cháy bỏng của tôi là vào đại học với suy nghĩ bằng cử nhân chắc chắn sẽ giúp tôi thay đổi cuộc sống. Chính vì vậy mà bằng mọi giá tôi phải cố gắng thi đỗ một trường đại học nào đó. Trường nào cũng được, miễn là đại học.

Tôi đăng ký thi mà không hề biết trường đó đào tạo cái gì, khi ra trường tôi sẽ làm gì. Thậm chí tôi còn không nghĩ đến việc nếu thi đỗ tôi sẽ lấy tiền ở đâu để đi học, bởi cả gia đình tôi đều làm nông nghiệp, sau tôi còn một đàn em đang tuổi lớn. Năm đó tôi đã thi đỗ một trường đại học mà chính tôi cũng không biết khi ra trường tôi sẽ làm gì. Ngày tháng trôi qua, tôi rất buồn vì biết rằng công việc sau này không hề phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình. Chán nản nhưng không thể nào bỏ cuộc.

Bốn năm sau tôi ra trường với tấm bằng cử nhân (loại trung bình khá). Trong khi bạn bè học cùng phổ thông với tôi nhiều đứa đi học nghề bây giờ đã có công việc ổn định thì đến nay tôi vẫn trong tình trạng lang thang không việc làm, về quê không được mà ở lại cũng không xong!

Mấy năm qua tôi đã làm đủ mọi việc từ bảo vệ, chạy bàn đến nhân viên giao hàng. Bao nhiêu đêm tôi không ngủ được và suy nghĩ: “Giá như ngày đó biết lượng sức mình đi học nghề thì bây giờ chắc tôi đã khác”...

VĂN DŨNG
(vandung-bao24b@...)

ĐH thực chất cũng là một trường nghề

Thư từ, bài vở tham gia gửi về:

Diễn đàn “Đại học có phải là con đường duy nhất?”

Báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

Bạn có thể gửi qua ba địa chỉ e-mail sau:

[email protected]
[email protected]
[email protected]

Hoặc bạn có thể bấm vào đây để tham gia tại diễn dàn của Tuổi Trẻ Online

Hằng năm, chỉ một phần nhỏ số sĩ tử thành công trong cuộc “đại cách mạng” thi cử - đỗ ĐH. 4/5 số sĩ tử chưa thể lật trang cuộc đời. Nếu ĐH là con đường duy nhất và trượt ĐH đồng nghĩa với đường đời hết lối thì hằng năm chúng ta phải “đón” bao nhiêu ca tự tử, bao nhiêu bạn bè bỏ nhà ra đi...?!

ĐH chỉ là một trong vô vàn cách lựa chọn để lập nghiệp sau này. Bao nhiêu người không qua ĐH vẫn công thành danh toại, vẫn có cuộc sống ấm êm, hạnh phúc với gia đình và đóng góp công sức mình cho sự phát triển của đất nước hôm nay, ngày mai. Trong các cuộc thi tay nghề ASEAN chúng ta đều có những người thợ giỏi, giành những giải cao và tay nghề đủ sức vững vàng trong cuộc mưu sinh. Có phải ai trong số đó cũng học ĐH cả đâu?!

Nhiều bạn khá tinh tường, xác định được trình độ của mình không thể đỗ ĐH, họ chỉ thi để biết hoặc không thi mà sáng suốt và dũng cảm lựa chọn một con đường khác: học nghề. Trăm thứ nghề, chẳng lẽ chúng ta không chọn được một nghề phù hợp với mình mà cứ nhất nhất phải vào ĐH mới có nghề?

MẠNH HÒA
(Phân viện Báo chí & tuyên truyền Hà Nội)

ĐH: lựa chọn cần thiết, nếu...

Tôi nghĩ vào ĐH là một trong những lựa chọn tối ưu nhưng không phải duy nhất nếu bạn muốn có được những cơ hội làm việc và thăng tiến tốt. Vấn đề là chúng ta học ĐH với thái độ nào. Trong đó, tôi phản đối thái độ học ĐH chỉ để được tốt nghiệp và có tấm bằng.

Tôi vừa tốt nghiệp ĐH với ngành mình yêu thích. Nếu so sánh, nhiều bạn bè cùng trang lứa như tôi không cần tấm bằng ĐH mà giờ đây vẫn có thể kiếm được nhiều tiền, có cuộc sống ổn định chứ không phải long đong như tôi. Thế nhưng, điều duy nhất tôi thấy “đau” và tiếc cho bản thân mình là suốt bốn năm ĐH tôi đã dồn sức tối đa cho việc học để tốt nghiệp, mà không dám thử nghiệm bản thân trong những công việc làm thêm, không chịu khó ứng dụng những gì đã học vào thực tế.

Để bây giờ, với tấm bằng tân cử nhân loại giỏi, tôi vẫn thật sự lao đao vì bị “hổng” lớn các kỹ năng xin việc, kinh nghiệm làm việc - những bài học tôi nhận ra chỉ ông thầy “đời” mới dạy được.

Q.D.
(Q.Thủ Đức, TP.HCM)

Ba mẩu chuyện đời

Thời trung học, tôi có một người bạn lớp trưởng tuyệt vời - không chỉ là niềm tự hào của gia đình, của lớp mà còn là một gương học tốt của trường. Nhưng không hiểu sao bạn ấy đã trượt kỳ thi vào Đại học Y TP.HCM năm ấy. Tôi không thể nhớ hết nỗi thất vọng ngày đó của bạn ấy như thế nào. Vậy mà hôm nay bạn ấy đã đường hoàng trong một vị trí quan trọng tại một công ty. Vẫn phong cách của một lớp trưởng ngày nào với sự chân thành trong mối quan hệ bạn bè và bản lĩnh của một người quản lý.

Người thứ hai tôi muốn nói đến là một cô bạn, cũng thi trượt đại học nhưng chấp nhận việc đó rất nhẹ nhàng bằng cách đi học may. Bạn bè tôi nhìn cô ấy với một chút cảm thông cho gia cảnh và mong một sự ổn định lâu dài. Nhưng thật không biết nói thế nào, dùng từ ngữ thế nào đây: bản lĩnh, kiên cường hay là... cổ tích. Sau bốn năm mày mò tự nuôi sống bản thân và tự học, cô ấy đã thi đậu vào Trường trung học Y tế, và hiện sống một cuộc sống tạm gọi là đầy đủ với một gia đình nho nhỏ và một bé gái dễ thương.

Người thứ ba tôi muốn nói đến là... chính tôi. Sau khi tất cả bạn bè đã biết thì tôi mới tin mình thật sự rớt đại học. Tôi ngủ vùi một ngày một đêm không ăn uống, không nói chuyện với ai. Sau khi “tỉnh”, tôi bắt đầu cuộc tìm kiếm một ngôi trường vừa sức để học. Khi ra trường tôi không ngừng hoàn thiện tay nghề để đáp ứng nhu cầu công việc với mục đích: tôi không muốn mình vô ích với chính mình, với gia đình và với cuộc đời.

Hiện nay, có lần đứa con trai 8 tuổi của tôi hỏi: “Mẹ muốn con trở thành bác sĩ hay siêu nhân?”, tôi luôn trả lời rằng: “Mẹ chỉ mong con trở thành một người lương thiện”. Tại sao? Có con người lương thiện nào mà không có ích cho gia đình và xã hội.

TRƯỜNG KỲ
(tung205c@...)