HS Trường THPT Trần Hưng Đạo đang học tạm tại Nhà Thiếu nhi Gò Vấp |
Trong khi đó tiến độ xây dựng trường lớp khá chậm chạp, nhiều công trình vẫn rề rà, túc tắc vì thủ tục nhiêu khê. Tình cảnh thầy trò phải gồng gánh học nhờ, học tạm diễn ra ở nhiều nơi trong năm học mới này bởi trò đã tuyển nhưng trường vẫn chưa xây...
Những ngôi trường "tạm trú"
Đến ngã tư Hóc Môn (TP.HCM) hỏi đường về ngôi trường THPT mới mở Nguyễn Hữu Tiến, một anh xe ôm giọng tưng tửng: “Làm gì có Trường Nguyễn Hữu Tiến nào mới, cứ hỏi về Trường cấp II Tam Đông 1 cũ, thầy trò Trường Nguyễn Hữu Tiến đang ở đó” (?). Quả thật, Trường Tam Đông 1 xuống cấp trầm trọng đang chờ đập bỏ (thầy trò Trường Tam Đông 1 đã chuyển sang trường mới xây) hai năm nay đã trở thành “đại bản doanh” của Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến!
Ngôi trường trông như trường tiểu học ở vùng quê với những dãy nhà trệt xuống cấp nghiêm trọng. Ở nhiều phòng học, HS có thể đón nắng trời vô tư qua các mái tôn gỉ sét, có những lỗ to bằng bàn tay. Bàn ghế còn độc đáo hơn, cái thấp cái cao và đều là qui cách dành cho HS tiểu học, trong đó có những chiếc bàn thấp lè tè dành cho HS lớp 1. Tất cả bàn ghế đều được đóng nẹp gô thành một khối, mà theo ông hiệu trưởng, “để giữ cho nó khỏi sụm” bởi có những cái bàn chỉ có hai chân (!)
Trường có đúng 12 phòng để học và vài phòng làm việc của ban giám hiệu, giáo viên, không phòng thí nghiệm, thiết bị, thư viện. Năm đầu tiên trường tuyển khối 10 vừa đủ cho các phòng. Tưởng chỉ học tạm một năm trường sẽ xây xong, nhưng qua năm thứ hai mọi việc vẫn y như cũ.
Hỏi tiến độ xây dựng, ông hiệu trưởng chỉ tay lên bản vẽ 3D treo trên tường: “Tôi chỉ được cho bản vẽ này, ngoài ra chẳng biết gì hơn”. Năm nay trường tuyển thêm 16 lớp mới, Phòng GD-ĐT Hóc Môn mượn thêm giùm 12 phòng học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận. Hai nơi cách nhau khoảng 3km, cũng có nghĩa là ban giám hiệu phải tính toán thời khóa biểu để giáo viên hạn chế tối đa việc “chạy sô” từ cơ sở này sang cơ sở kia để dạy.
Đồng cảnh ngộ với Trường Nguyễn Hữu Tiến, người “anh em song sinh” - Trường Nguyễn Văn Cừ cũng tuyển sinh khối 10 đầu tiên năm học 2004-2005 dù chưa thấy mặt mũi ngôi trường ở đâu. Cũng như Trường Nguyễn Hữu Tiến, HS ở đây cũng được bố trí học tạm một nửa tại cơ sở cũ xuống cấp đang chờ “thanh lý” của Trường THCS Nguyễn Hồng Đào, nửa còn lại học chung với HS THCS tại cơ sở mới xây của trường này. Để ổn định tâm lý PHHS, hết một học kỳ trường lại luân chuyển HS ở hai cơ sở cho nhau “để em nào cũng được chịu khổ”.
Nhưng quan trọng hơn, dù cố gắng tránh cho giáo viên, HS tâm lý học tạm bằng cách thay toàn bộ bảng, bổ sung đèn, sắm một ít dụng cụ thí nghiệm đơn giản nhưng HS chủ yếu vẫn “học” là chính, còn chuyện “hành” thì... lấy điểm kiểm tra lý thuyết thay vào. Điều kiện học thiếu thốn như vậy là một trong những lý do khiến HS ở đây sau một năm đã vơi đi đến... một lớp. Và khả năng lứa HS đầu tiên của hai trường Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Văn Cừ sẽ phải “èo uột” ra lò là điều khó tránh khỏi, bởi câu hỏi “bao giờ trường được khởi công?” vẫn chưa có lời giải đáp rõ ràng.
Tin Sở GD-ĐT TP thông báo có thêm hai trường THPT mới nữa là Hiệp Bình (Thủ Đức) và Trần Hưng Đạo (Gò Vấp) thoạt nghe không khỏi hoan hỉ. Thế nhưng, HS đã tuyển rồi mà hai trường cũng chỉ mới khởi công. Vì vậy, thầy trò Trường Trần Hưng Đạo được quận thuê Nhà Thiếu nhi Gò Vấp học tạm, trong khi thầy trò Trường Hiệp Bình lại được tạm trú tại phân hiệu Trường tiểu học Hiệp Bình Phước đang xây dở dang. Dù được học trong những phòng được xây mới nhưng ông Nguyễn Duật Tu, hiệu trưởng Trường Hiệp Bình, vẫn trong tâm trạng đầy lo lắng: “Năm nay như vậy học chay là điều không tránh khỏi. Không vi tính, không thí nghiệm thực hành”. |
Hóc Môn, Thủ Đức, Gò Vấp đều là những địa bàn “nóng” về tuyển sinh lớp 10. Chưa kể số dân tăng cơ học mỗi năm tập trung khá đông ở các địa bàn này, ngay cả HS tại chỗ nhiều năm nay cũng quá tải.
Gò Vấp mỗi năm có trên 4.000 HS lớp 9 ra trường nhưng nhiều năm qua chỉ có ba trường THPT Nguyễn Công Trứ, Gò Vấp và Nguyễn Trung Trực đón vào nên HS phải dạt về một số quận lân cận. Thế nên khi nghe tin quận nhà có thêm trường mới, HS đổ vào đăng ký khá đông, trở thành hiện tượng đặc biệt trong mùa tuyển sinh năm nay, dù điểm chuẩn khá cao (51 điểm - NV1).
Trong khi đó, huyện Hóc Môn cũng chỉ có ba trường Nguyễn Hữu Cầu, Lý Thường Kiệt và Bà Điểm, nhưng mỗi năm phải gánh thêm khoảng 20% HS các quận l2, Bình Chánh.
Năm nay dù vẫn chưa có cơ sở nhưng Trường Nguyễn Văn Cừ phải làm nhiệm vụ phổ cập, nhận thêm ngoài chỉ tiêu hơn 200 HS Hóc Môn dưới chuẩn. Tương tự, Trường Hiệp Bình từ 10 lớp ban đầu đã nở thành 12 lớp vì số HS còn rơi bên ngoài quá đông. Và sức ép đầu vào THPT đã buộc các quận phải gấp rút mở thêm trường THPT tuyển sinh ngay khi chưa có cơ sở.
Thật ra dự án xây dựng Trường chuẩn quốc gia Nguyễn Văn Cừ với qui mô một trệt hai lầu, 36 phòng học với tổng kinh phí 31,6 tỉ đồng đã có quyết định phê duyệt của UBND TP.HCM từ ngày 2-1-2004 nhưng đã hơn một năm rưỡi mà vẫn còn nằm trên giấy. Giải thích sự rề rà này, ông Nguyễn Kỳ Anh, quyền trưởng ban quản lý dự án - chủ đầu tư, cho biết:
“Ban quản lý đã trình hồ sơ mời thầu từ ngày 28-2-2005. Tuy nhiên, trong thời gian này thông tư 03, rồi 04 của Bộ Xây dựng liên tục ban hành, trong đó có qui định một số thay đổi về giá nhân công, giá chi phí thiết kế cơ bản... nên phải liên tục điều chỉnh hồ sơ cho đến ngày 21-6-2005 mới được trình lên Sở KH-ĐT và nằm luôn tới nay. Tới đây thì ông “chủ đầu tư” cũng hết dám hứa “bao giờ sẽ khởi công” vì “chủ đầu tư bị lệ thuộc khắp nơi” - ông nói.
Hồ sơ của công trình Trường Nguyễn Hữu Tiến (kinh phí trên 33,6 tỉ) được UBND TP phê duyệt cùng thời gian với Trường Nguyễn Văn Cừ nhưng lại bị ách vì một lý do “không giống ai”.
Theo thiết kế dự án, mái trường được làm bằng vật liệu tôn sơn tĩnh điện nhưng khi được Sở KH-ĐT duyệt, quyết định duyệt lại ghi nhầm vật liệu tôn thành ngói. Chỉ một từ bị nhầm lẫn này mà hồ sơ được yêu cầu tập trung xem xét lại điều chỉnh và thế là lại... chờ. Còn Trường Hiệp Bình dù đã khởi công nhưng mới thi công được một dãy móng thì phải tạm ngưng để thay đổi thiết kế sàn bêtông cốt thép. Riêng Trường THCS NguyễnVăn Nghi, cũng ở quận Gò Vấp, thì năm nay là năm thứ sáu thầy trò không có địa chỉ thường trú.
KIM LIÊN
▪ "Tình nguyện 5.000 đồng"? (30/08/2005)
▪ Học bổng tiến sĩ công nghệ thông tin tại ĐH Twente, Hà Lan (29/08/2005)
▪ Năm suất học bổng sau đại học tại ĐH New England, Úc (29/08/2005)
▪ 25 suất học bổng thạc sĩ tại School for International Training, Mỹ (29/08/2005)
▪ Bắt đầu nhận hồ sơ học bổng Chevening 2006 (29/08/2005)
▪ Thuê HS đi thi lấy thành tích phổ cập giáo dục (29/08/2005)
▪ Thành lập Trường ĐH dân lập công nghệ Đông Á (30/08/2005)
▪ Tân Phú, TP.HCM: phân luồng 215 học sinh vào THCN (30/08/2005)
▪ Thuê người thi hộ để lấy thành tích (29/08/2005)
▪ Ký túc xá cho Sinh Viên: Thiếu cả đất lẫn tiền! (29/08/2005)