Thầy Trần Vũ Lộc, Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Khuyến (xã Tân Ngãi, thị xã Vĩnh Long) và học sinh trong lớp học bốn bề gió lộng |
Đầu tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Phát triển GD-ĐT vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hội nghị đánh giá, 5 năm qua, giáo dục ở ĐBSCL có bước phát triển đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, làm thế nào để 5 năm tới hình thành và phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục cộng đồng, các trung tâm giáo dục thường xuyên đến vùng sâu, vùng xa; thành lập một số trường THCN; xây dựng Trường ĐH Cần Thơ thành trường trọng điểm để các chỉ số phát triển giáo dục ở vùng này đạt mức trung bình cả nước cần phải có sự nỗ lực rất lớn của một số bộ và lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực.
Nhiều ý kiến của các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học giáo dục thẳng thắn nhìn nhận: Giáo viên của chúng ta hiện nay rất thụ động, dạy theo kiểu từ chương, đọc chép nên hệ quả là trò cũng thụ động, thiếu sáng tạo trong học tập. Cứ tưởng vấn đề này chỉ có ở các trường nông thôn nhưng không ngờ tại các đô thị ở ĐBSCL cũng như vậy.
Cách đào tạo của trường sư phạm “có vấn đề”
Đầu năm học 2005-2006, khi các học sinh của một ngôi trường lớn ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang) tranh luận, bàn về một vấn đề đang học thì thầy cô ngăn cản với lý do: làm ồn trong giờ học, sai sách giáo khoa, học không đúng phương pháp... khiến các trò tiu nghỉu. Giáo sư- tiến sĩ Võ Tòng Xuân nhận định thông tin này với vẻ chua xót: “Họ không dám đón nhận cái mới mà cứ bám lấy phương pháp giảng dạy đọc-chép, nhồi nhét nên ngăn cản khi học sinh có ý kiến khác cũng đúng thôi”.
Ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, chất lượng giáo viên còn “kinh khủng” hơn. Một lần chúng tôi về một số xã ven biển của các huyện An Biên, An Minh thuộc tỉnh Kiên Giang, đã chứng kiến cảnh các thầy giáo viết sai chính tả be bét trên bảng, học sinh cắm cúi chép và đọc theo, hỏi thăm thì được các vị lãnh đạo ngành giáo dục trả lời: “Toàn là giáo viên chín cộng ba, mười cộng hai thì làm sao mà có chất lượng cao cho được?”.
Hóa ra, trước đây do vùng sâu thiếu giáo viên trầm trọng nên ngành giáo dục buộc phải áp dụng biện pháp sử dụng học sinh tốt nghiệp cấp 2 để đào tạo giáo viên tiểu học. Đến nay dù đã “bồi dưỡng nghiệp vụ” nhiều khóa nhưng lỗ hổng kiến thức không thể nào bù đắp nổi.
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT công bố, hiện nay ĐBSCL có gần 135.000 giáo viên từ cấp học nhà trẻ đến THPT nhưng chính bộ chủ quản phải thừa nhận: Yếu về chất lượng, thiếu về số lượng, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về trình độ học vấn, kiến thức chuyên môn, năng lực sư phạm.
Ngay như bậc đại học, cao đẳng trong số 2.328 cán bộ giảng viên chỉ mới có 27,1% đạt trình độ sau đại học (trong đó tiến sĩ 3%, thạc sĩ 24,1%). Giáo sư Trần Phước Đường, nguyên Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, không giấu bức xúc: “Lối giáo dục từ chương, nhồi nhét cứng nhắc đã tiêu diệt tính tự chủ, độc lập suy nghĩ của học sinh, sinh viên”.
Còn giáo sư- tiến sĩ Võ Tòng Xuân thẳng thắn nhìn nhận: “Từ cách giảng dạy thụ động của các giáo viên bậc học phổ thông có thể thấy cách đào tạo giáo viên của các trường sư phạm đang có vấn đề”.
Ngồi trong lớp mà... run
Hiện nay, ĐBSCL có hơn 7.000 trường học từ cấp nhà trẻ đến THPT với hàng chục ngàn phòng học nhưng nhiều năm qua tình trạng “trường không ra trường, lớp không ra lớp” vẫn tồn tại dai dẳng.
Theo Bộ GD-ĐT, tính đến cuối năm 2004, ngành giáo dục ĐBSCL đã được đầu tư hơn 600 tỉ đồng để xây dựng hơn 6.600 phòng học mới và trong năm 2005 này vẫn tiếp tục đầu tư các nguồn vốn trung ương, địa phương để phấn đấu đến cuối năm hoàn chỉnh thêm 10.000 phòng học kiên cố.
Mặc dù bộ thừa nhận toàn vùng vẫn còn hơn 24% phòng học tiểu học tạm bợ (cấp THCS là hơn 16% và THPT là hơn 6%) không bảo đảm dạy và học nhưng trên thực tế con số này còn nhiều hơn, bởi hiện nay số phòng học cấp 4 sử dụng trên 20 năm xuống cấp, hư hỏng nặng rất nhiều.
Trong một chuyến công tác về xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng vào những ngày đầu năm học mới, chúng tôi đã chứng kiến tận mắt cảnh thầy và trò Trường Tiểu học Kế Thành 2 dạy và học trong cảnh cùng cực. Ngôi trường cấp 4 xây dựng từ năm 1986 bề ngoài cũ nát, bên trong các phòng học nền gạch tàu sụt bể nham nhở và hoàn toàn... không có điện.
Thầy Kiêm Tài, hiệu trưởng, cho biết: Trường có 19 lớp với hơn 500 học sinh. Nhiều năm nay hễ trời mưa là thầy lẫn trò đều phải di tản vì sợ trường sập. Không có điện, thiếu ánh sáng nên học trò đa số đều bị bệnh về mắt và đã có nhiều em bị sốt xuất huyết. Hỏi vì sao trường chỉ cách đường giao thông và dây điện trung thế chưa đầy 200 mét nhưng không hề có điện, thầy Tài lắc đầu: “Không biết nữa, trường đã đề nghị biết bao nhiêu lần nhưng không được quan tâm”.
Khi mang vấn đề này hỏi ông Phạm Quốc Ngữ, Phó Chủ tịch UBND xã, chúng tôi “nhận” thêm một điều bất ngờ: “Xã này có đến 5 điểm trường không có điện chứ đâu riêng gì Kế Thành 2”.
Phải trị tận gốc “căn bệnh” thành tích
Cư dân các tỉnh ĐBSCL hẳn chưa ai quên được “chuyện động trời” bị báo chí phát hiện hồi cuối năm học 2004-2005: Chỉ vì bệnh thành tích mà ở 2 tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục “nhắm mắt” cho học sinh ào ào lên lớp dù các em chưa đọc thông, viết thạo.
Khi dư luận lên tiếng về vấn đề này, thay vì tích cực sửa sai thì có nhiều vị giáo viên xem đó là chuyện bình thường: Đồng bằng này có cả mấy triệu học sinh mà chỉ có vài ba chục đứa không biết đọc, biết viết thì nhằm nhò gì. Nếu cuối năm, học sinh không lên lớp, giáo viên mất thi đua, mất tiền thưởng mới đáng sợ.
Do vậy, đã có nhiều ý kiến cho rằng, để giáo dục ĐBSCL phát triển đồng bộ, ngoài trách nhiệm của ngành, của chính quyền địa phương và các ngành có liên quan thì cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và “điều trị” tận gốc căn bệnh thành tích.
|
Theo Người Lao Động
▪ Hà Nội: 488,5 tỉ đồng cho cơ sở vật chất năm học mới (08/09/2005)
▪ ĐH Monash, Úc cấp học bổng ngành giáo dục (07/09/2005)
▪ Học bổng 25-50% Trường Abbey Colleges (Anh) (07/09/2005)
▪ Gia Lai - Kontum: xét tuyển 150 chỉ tiêu vào ĐH Nông lâm TP.HCM (08/09/2005)
▪ Ninh Thuận: Tuyển dụng giáo viên cũng có chỉ tiêu… "ngầm" !? (08/09/2005)
▪ T.HCM: học sinh tiểu học không còn phải dự các kỳ thi cấp thành phố (08/09/2005)
▪ Các trường đại học, cao đẳng dân lập: Đìu hiu nguyện vọng 2! (08/09/2005)
▪ Huân chương Độc lập cho Khối chuyên Toán - Tin (07/09/2005)
▪ Mua đề thi với giá 5.000 đồng (07/09/2005)
▪ GS. Nguyễn Hữu Đức nhậm chức hiệu trưởng ĐH Công nghệ (07/09/2005)