Điểm thi môn Sử thấp: Không phải là “đột biến”!
Các Website khác - 10/08/2005

Học sinh không thích môn Sử - trước tiên hãy xem lại cách giáo dục trong nhà trường

Kiến thức lịch sử của giới trẻ vốn đã có nhiều khiếm khuyết và khoảng trống, nhưng qua kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2005 vừa qua, với khoảng 60% số bài thi môn sử dưới 1 điểm thì vấn đề đã được nhìn nhận đầy đủ hơn, không chỉ là những con số mà còn được nhân lên bởi những câu chuyện, những câu trả lời “cười ra nước mắt”.

Kết quả “giật mình” này phản ánh một quá trình chứ không phải là đột biến. Hãy nghe nhận định và ý kiến của một số giáo sư, nhà sử học và giáo viên dạy sử trước thực trạng này.

Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam:

“Lịch sử chỉ hấp dẫn, khi…”

Đề thi được đánh giá hay, tại sao kết quả lại dở như vậy? Tôi cho rằng khó có ngay được câu trả lời. Nhưng đây là dịp để ngành giáo dục nhìn lại mình. Gần đây, Bộ GD-ĐT có quan tâm đến việc này, mời các hội nghề nghiệp, trong đó có Hội Sử học cùng xem xét lại các chương trình giảng dạy phổ thông.

Ngoài những vấn đề về chương trình giáo dục, đội ngũ giáo viên… tôi cho rằng, vấn đề còn nằm ở chỗ : Lịch sử chỉ hấp dẫn và trở nên sâu sắc khi dựa trên thực tiễn đời sống xã hội. Sức mạnh lịch sử không chỉ nằm trong các sự kiện xơ cứng mà ý nghĩa của nó thì người ta chưa quan tâm nhiều.

Theo tôi, Sử học chỉ hấp dẫn khi nó có hai phẩm chất: trung thực, công bằng và nó phải có linh hồn. Tôi có cảm giác chúng ta đang giảng dạy, truyền bá một thứ lịch sử “vô nhân xưng”, không thấy con người mà chỉ là những ý niệm, khái niệm, ý tưởng cao xa.

Có một thực tế đáng suy nghĩ là tại sao ngay vào thời điểm này, chúng ta đang lo lắng thế hệ trẻ không quan tâm đến lịch sử thì việc công bố cuốn nhật ký của 2 liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm lại gây xúc động trong xã hội...

Đừng nói giới trẻ quay lưng với lịch sử mà vấn đề là lịch sử nào qua cách truyền bá, giảng dạy cho học sinh. Với cách giảng dạy như hiện nay, học sinh có thể thuộc lòng những sự kiện lớn nhưng lại không thấy được sức sống của nó qua từng con người cụ thể và tính biện chứng của nó. Đấy là chưa kể chúng ta đã để trống mảng lịch sử đời thường (thế nên mới có chuyện không làm nổi một bộ phim lịch sử)…

Giáo sư NGUYỄN ĐĂNG HƯNG - Giáo sư trưởng Trường ĐH Liege (Bỉ), Chủ nhiệm các chương trình Cao học Bỉ và Việt tại ĐH BK TPHCM và Hà Nội:

“Họ đã mất hứng thú trong học tập”

Qua kinh nghiệm phỏng vấn 10 khóa tại TPHCM và 6 khóa tại Hà Nội, tôi thấy phần lớn các em đã tốt nghiệp kỹ sư, nhiều em ra trường 3,4 năm rồi nhưng lại biết rất ít về lịch sử dân tộc, ngay cả danh nhân của tỉnh mình, làng mình… họ cũng không để ý tới. Có em bảo với tôi là Trần Hưng Đạo đã chiến thắng quân Minh, Lê Lợi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ đã phá tan quân Mông Cổ!

Ngay cả lịch sử hai cuộc kháng chiến gần đây, họ cũng rất lơ mơ. Tôi buồn quá nên có lần hỏi tại sao các em không biết về lịch sử dân tộc mình thì làm sao có thể làm tròn bổn phận của một công dân? Các em ấy đã trả lời thế này: “Thầy ơi, chương trình học hiện nay quá tải, giáo trình áp đặt, nhồi nhét, chán quá…

Tụi em học trả bài cho qua, học xong là quên hết”. Đó chính là phản ứng ngược. Khi tuổi trẻ có phản ứng ngược như vậy là họ đã mất hứng thú trong học tập. Và những tệ nạn, sao chép, gian dối đang hoành hành trong các kỳ thi tuyển sinh đại học có lẽ bắt nguồn từ đây…

Giáo viên LÊ QUANG DŨNG, giảng dạy môn Sử

Để môn sử không là “đồ trang sức” ở học đường?

Việc dạy và học sử ở trường phổ thông hiện nay với mục đích duy nhất là phục vụ… thi cử. Đề thi tốt nghiệp những năm vừa qua chỉ yêu cầu thí sinh thuộc bài là có thể đạt điểm cao. Điều này đã vô tình khuyến khích và dung dưỡng cách dạy-học vẹt. Các trường chỉ dồn sự quan tâm cho học sinh (HS) các lớp cuối cấp (lớp 9,12), dẫn đến thực trạng HS thuộc bài mà không hiểu sử, điểm cao nhưng không có tri thức lịch sử.

Bên cạnh đó, quan niệm của HS và một bộ phận cán bộ quản lý cho rằng môn sử chỉ là môn phụ, là “đồ trang sức”, có hay không cũng chẳng sao. Do vậy, dù người dạy có tâm huyết, muốn truyền “lửa” cho HS cũng không dễ. Xin nói thẳng, có một nghịch lý mỉa mai: môn sử tuy bị coi là môn phụ nhưng lại có “sứ mệnh vinh quang” làm “nghĩa vụ quốc tế” trong các kỳ thi tốt nghiệp.

Do quan niệm nó là môn học thuộc lòng, dễ kiếm điểm nên nó phải gánh điểm cho các môn thi khác! Đề thi ĐH năm nay theo tôi là đã chú trọng đến điều này. Học vẹt mà vấp phải đề thi như thế, điểm thấp là đúng rồi. Là người trong cuộc, tôi không bất ngờ trước kết quả đó.

Theo tôi, để “cứu” môn sử ra khỏi “thảm họa” này cần phải thay đổi quan niệm về dạy-học môn sử, từ người dạy, người học đến cán bộ quản lý. Rồi chương trình, sách giáo khoa, tôi nghĩ cần xem xét lại. Viết sách làm sao cho mỗi sự kiện phải sống động, dễ nhớ.

Học sử không chỉ đơn thuần là ghi nhớ máy móc các sự kiện ngày tháng, mà chiều sâu của sử chính là văn hóa, quốc hồn quốc tuý của dân tộc. Học sử là để được hun đúc tinh thần dân tộc lẫn những giá trị nhân văn. Việc đổi mới thi cử là hết sức cần thiết.

Cải tiến cách ra đề trong kỳ thi ĐH vừa rồi là một cách làm. Bộ GD-ĐT phải đi trước, người dạy người học sẽ tự điều chỉnh. Hãy chấp nhận một vài kỳ thi tốt nghiệp điểm số sẽ không cao, nhưng thà “đau một lát” mà “mát cả đời”, còn hơn cứ tự ru ngủ mình bằng những con số ảo.

Theo Sài Gòn Giải Phóng


CÁC TIN ĐÃ ĐƯA