TT - Câu hỏi không dễ trả lời đã ngay lập tức nhận được phản hồi của hơn 50 bạn đọc gửi về diễn đàn ngày hôm qua 20-9 (đến 20g30).
Quan trọng hơn, hầu như đa số những ý kiến không chỉ dừng lại ở lý lẽ mà thể hiện rất rõ cảm xúc của tác giả - từ chính thực tế mà mình, người thân của mình đã và đang trải qua...
Chưa bao giờ tôi lo cho em gái như lúc này
Sau khi đọc bài viết “Rớt đại học - đường đời hết lối?”, chưa bao giờ tôi cảm thấy lo lắng cho em gái mình đến thế. Em đang học lớp 12, đã chọn khối C nhưng chưa biết sẽ thi trường nào vì chưa biết thích làm nghề gì. Gia đình tôi có bốn anh em thì ba người đã vào đại học. Lực học của em không đảm bảo một chỗ cho em trên giảng đường và dường như em vẫn nhỏ hơn tuổi 18 rất nhiều.
Thêm nữa, đã có một thời gian dài những thành tích học tập khá “đẹp” của chị tôi và tôi vô tình trở thành một áp lực đối với em. Có lần, quá bức xúc vì một phút cư xử không được khéo của ba má khi lỡ so sánh chuyện học tập giữa tôi và em, em đã hét lớn: “Con không muốn làm cái bóng của chị, con là con!”.
Đó cũng là lúc tôi giật mình nhận ra: có những lúc mình đã “thuyết giáo” với em về việc đặt ra mục tiêu và chinh phục mục tiêu học tập mà quên mất việc quan sát em đang nghe và cảm thấy thế nào. Thậm chí, bản thân em cũng tự so sánh những thành tích em đạt được với tôi và những người bạn để rồi tự rẻ rúng những thành tích ấy.
Bây giờ, tôi bước đầu hiểu em hơn. Em cũng đã dần chia sẻ với tôi những cảm xúc nảy sinh nơi gia đình, trường học. Gia đình tôi nghèo, ba má lại già yếu. “Em Út phải vào được Sài Gòn để học ĐH hoặc CĐ” đã trở thành ý nghĩ thường trực trong ba anh chị em tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng đó cũng là con đường duy nhất để em bắt đầu một chặng mới thật sự sáng sủa, chặng đường thoát nghèo cho em, cho gia đình.
Tuy vậy, riêng về phần mình, tôi chỉ mong em trưởng thành hơn, trả lời được “Em muốn làm nghề gì?” để tìm đến một trường thích hợp và thật sự xóa được những mặc cảm, áp lực xung quanh và đôi khi từ chính em.
BẢO UYÊN
(Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM)
Nỗi đau của một “SV hạng 2”
Thời cấp II, tôi là một trong hai HS giỏi nhất của một trường ở tỉnh, từng đoạt giải HS giỏi toán quốc gia...
Thế mà tôi rớt đại học. Trong khi đó, chị kế tôi ngay trong năm đầu đã đậu đến ba trường ĐH. Ba tôi cứ nói mãi với tôi về trách nhiệm và bổn phận làm con, nhắc nhở tôi phải chăm học, cứ nói mãi, nói mãi... Ba không la mắng tôi, mà chỉ nói với giọng rất buồn. Ba không biết rằng cứ mỗi lần ông nói là tối đó tôi nằm khóc, khóc sưng cả mắt. Nhiều lúc ba đang nói, tôi chỉ muốn hét lên, tung hê tất cả... Tôi muốn nói với ba rằng thà là giết con đi để con thanh thản.
Thư từ, bài vở tham gia gửi về: Diễn đàn “Đại học có phải là con đường duy nhất?” Báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Bạn có thể gửi qua ba địa chỉ e-mail sau: tto@tuoitre.com.vn |
Và tôi thi ĐH lần 2! Ngày có điểm chuẩn, tôi đã chuẩn bị “thư tuyệt mệnh” cho mình (vì nhẩm tính mình không đủ điểm). Nhưng tối hôm đó, nhỏ bạn thân gọi điện báo tôi đã đậu. Tôi đã hét lên thật lớn và cả nhà vui mừng.
Vậy mà sáng hôm sau đọc báo lại không thấy tên (thật ra tôi cũng đậu ĐH nhưng không phải trường mà gia đình mong đợi). Nhưng rồi tôi cũng đậu vào trường ĐH đó (nguyện vọng 2). Ba tôi cũng không mấy hài lòng và tôi luôn mặc cảm là SV hạng 2. Tôi cứ học, cứ học mà không biết đâu là phương hướng, mục đích.
...Tham gia diễn đàn, tôi chỉ muốn nói lên suy nghĩ của mình: là người trong cuộc, tôi chỉ mong các bậc cha mẹ đừng ép buộc, tạo áp lực con mình trong học tập. Hãy để quãng đời cắp sách của con em là những tháng ngày vô tư, hạnh phúc chứ không phải là những cơn ác mộng!
P.T.H. (TP.HCM)
Đại học: con đường duy nhất của chúng tôi!
Với những hoạch định thông thường cho cuộc đời mỗi đứa con, các bậc phụ huynh thường đặt ra một sơ đồ “bất di bất dịch”: học hết cấp III phải vào đại học, rồi tốt nghiệp đại học ra trường đi làm...
Thông thường những đứa con nào đi đúng vào sơ đồ đó sẽ được xem là những đứa con ngoan, làm “nở mày nở mặt” cha mẹ.
Chính những điều đó đã khiến không phải sinh viên nào cũng vào đúng ngành nghề mình đam mê, yêu thích. Con số 10% sinh viên bỏ ngành học đã chọn thời gian qua là một bằng chứng.
Dẫu biết thế và dẫu rằng chúng tôi - những người trẻ tuổi hiện nay - không phải là những kẻ yếm thế, bi quan nhưng vẫn phải “cố sống cố chết” vào bằng được một trường đại học. Một kỳ tuyển sinh phải “chạy ngược chạy xuôi” luyện thi hết chỗ này chỗ khác và thi hết khối này đến khối khác.
Tại sao chứ? Vì chúng tôi không muốn nhìn thấy ánh mắt buồn bã của mẹ, cái thở dài của cha, có thể cả những trận đòn roi. Vì chúng tôi không muốn thấy cái nhìn coi thường của những người xung quanh, những ánh mắt dè bỉu, khinh khi, cả những lời so sánh ác độc. Và chúng tôi còn bị ám ảnh bởi căn bệnh thành tích của trường mình (trường điểm, trường chuyên...).
Chúng tôi không tự nhiên ôm khư khư cái quan niệm đại học là con đường duy nhất, càng không thể vô tình mà bị tiêm nhiễm cái quan niệm “rớt đại học - đường đời hết lối”. Chúng tôi chỉ là những kết quả tất yếu, không có lối đi khác của những suy nghĩ, cái nhìn của cả một dư luận xã hội chung, bắt đầu từ chính gia đình, mái trường. Khi nào vẫn còn những cái nhìn đó, tôi tin những bạn trẻ dũng cảm chọn một lối đi khác ngoài đại học vẫn là con số hiếm hoi...
DƯƠNG THỊ BẢO THỦY
(Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM)
▪ Không gửi giấy báoNV1 cho 33 TS vì không có địa chỉ (20/09/2005)
▪ Hiệu trưởng có nhiều sai phạm (21/09/2005)
▪ Thẻ học tiếng Anh online (20/09/2005)
▪ Học bổng 100% trường Nanyang Academy of Fine Arts (20/09/2005)
▪ "Nên cấp sinh hoạt phí theo căn cứ trung bình" (20/09/2005)
▪ Điểm chuẩn NV2, xét tuyển NV3 vào ĐH Thái Nguyên (20/09/2005)
▪ Ngày hội thông tin du học Mỹ (20/09/2005)
▪ Thêm 10 trường ĐH tự chấm điểm chất lượng (19/09/2005)
▪ Dạy tiếng Anh cho học viên Trung tâm giáo dục xã hội (19/09/2005)
▪ Trung tâm đào tạo cán bộ y tế được tuyển thêm 30 chỉ tiêu (19/09/2005)