Không ai biết các lớp học trên do ai quản lý và nơi nào cấp phép hoạt động. Nhiều phụ huynh cứ cho rằng đây là phân hiệu của trường tiểu học Trần Quốc Toản. Gần hai trăm phụ huynh học sinh trường tiểu học đang đứng ngồi không yên chỉ vì con cháu họ đang theo học các lớp hai buổi có ở lại và ăn trưa tại trường tiểu học Trần Quốc Toản (đường Đồng Đen, phường 14, quận Tân Bình, TPHCM) bổng dưng bị tuyên bố giải thể, chỉ còn học một buổi vào cuối tháng 11 này. Trong khi thời điểm hiện tại là hơn nữa học kỳ 1, tổ chức của các trường đã đi vào nề nếp, việc tìm chỗ học mới cho các cháu cũng không phải là điều dễ dàng. Điểm dạy học hay nhốt trẻ?  | HS phải sinh hoạt học tập trong điều kiện tù túng từ nhiều năm nay.
| Hàng ngày cứ vào khoảng từ 11h, hơn trăm học sinh khối lớp 5 của trường tiểu học Trần Quốc Toản (TQT) phải tập trung trong sân trường chờ thầy cô dẫn các em sang các căn nhà cách trường độ 50 mét, không hề có treo bảng hiệu chứng tỏ đây là các lớp học của trường. Các em qua đây để ăn cơm trưa và nghỉ ngơi, rồi chuẩn bị học buổi chiều tại đây. Đến hơn 12h30, gần trăm học sinh khối lớp 4 từ trong các căn nhà trên lại lũ lượt kéo nhau ra xếp hàng để đi vào trường học chiều. Điều đáng nói là phòng ốc của hai điểm này quá chật hẹp, không đủ điều kiện học tập. Có phòng chỉ khoảng 16 m2 nhưng phải chứa tới 25 em. Việc dạy dỗ các em không được quan tâm trong buổi học này, bởi lẽ nó được khoán trắng cho một số giáo viên quản lý các em theo dạng giữ trẻ! Không khí của các phòng học này vô cùng tù túng, mặc dù các quạt máy trên tường đang hoạt động hết công suất. Dạy thêm không phép có từ lâu!  | Các HS khối lớp 4 đang tập trung từ điểm học thêm để vào trường.
| Sự việc bắt đầu từ nhiều năm trước đây, khi ông Nguyễn Nghĩa Dũng còn là Hiệu phó của trường tiểu học Trần Quốc Toản (hiện ông là hiệu trưởng một trường tiểu học khác). Do điều kiện của trường không đủ phòng để tổ chức các lớp bán trú cho khối lớp 4 và 5, nên ông đã tổ chức một số lớp bán trú tại nhà số 116/12 Bầu Cát 1 và thuê thêm nhà 118 gần đó để mở lớp. Thành phần được tham gia giảng dạy các lớp này là giáo viên chủ nhiệm của học sinh đang học tại trường TQT. Nhằm có đủ số học sinh sang học, ông Dũng đã nhờ các giáo viên này thông báo riêng đến cha mẹ các em có nhu cầu đăng ký đóng tiền theo học. Việc này đã làm cho phụ huynh lầm tưởng là do nhà trường đứng ra tổ chức nên đã không ngần ngại đem con đến gởi. Một phụ huynh lớp 4/4 cho biết muốn vào học các lớp bán trú này phải chịu tốn kém, nếu là học sinh khác tuyến thì giá từ 5 triệu đồng trở lên chưa chắc xin được...cần phải liên hệ với giáo viên chủ nhiệm vì bên các lớp bán trú này không công bố rộng rãi. Không ai biết các lớp học trên do ai quản lý và nơi nào cấp phép hoạt động. Nhiều phụ huynh cứ cho rằng đây là phân hiệu của trường tiểu học Trần Quốc Toản. Bà Trần Thị Kiều Hải, Hiệu Trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, giải thích: “Vì nhà trường không thể tổ chức được các lớp bán trú cho khối lớp 4 và lớp 5, nên các phụ huynh có nhu cầu tự động sang đó xin đăng ký học cho con em họ. Đây là hai điểm dạy thêm của một số giáo viên trường đã tồn tại từ nhiều năm nay. Trường chỉ nhắc nhở giáo viên không được o ép học sinh sang đó học mà phải bảo đảm sự tự nguyện của phụ huynh. Về hoạt động của hai điểm dạy thêm này, nhà trường không biết và cũng chưa đến kiểm tra bao giờ vì không có thẩm quyền. Việc dạy thêm của giáo viên, nhà trường không hề cấp phép”. Nói về các lớp học thêm này, ông Nguyễn Nghĩa Dũng, trình bày: “Xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ huynh, có yêu cầu gởi con nên tôi đã mạnh dạn đứng ra hợp tác với các giáo viên nhận giữ trẻ từ nhiều năm nay. Về thủ tục thì loại hình này cho đến nay vẫn chưa được cấp phép. Tôi đã báo lại các giáo viên và phụ huynh sẽ ngưng hoạt động các lớp học này kể từ ngày 1-11-2008. Nhưng vì quá cấp bách nên gia đình các em chưa tìm được chỗ gởi mới nên yêu cầu được gởi cho hết tháng 11 này”. Phải bảo đảm việc học tập của học sinh Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Phòng Giáo dục quận Tân Bình, cho biết: “Đây là cơ sở dạy thêm chưa có phép, không thuộc diện “bán trú vệ tinh” của trường TQT nên cần phải chấn chỉnh lại. Để tránh tình trạng giải tán các lớp học thêm này quá đột ngột gây khó khăn cho phụ huynh học sinh. Trước mắt, Phòng có yêu cầu thầy Dũng tạm thời duy trì thêm vài tháng nữa (có thể đến cuối năm học) để phụ huynh có thời gian chuyển con đi học chỗ khác. Nếu các phụ huynh muốn tiếp tục gởi con tại cơ sở này thì phải sữa chữa lại phòng ốc cho khang trang hơn, rồi xin phép hoạt động cho đúng qui định. Nếu thầy Dũng tiếp tục hoạt động thì phải thành lập Tổ đại diện cha mẹ học sinh thu tiền và Ban Giám hiệu trường TQT quản lý chuyên môn để tránh gây xáo trộn nề nếp sinh hoạt của các em. ”. Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng Phòng tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM nói: “Đây là những lớp học tự phát chưa có giấy phép, muốn hoạt động trước mắt phải hoàn chỉnh thủ tục pháp lý. Bước kế tiếp cần phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện sinh hoạt của các em phải đúng với qui định. Việc tổ chức dạy thêm học thêm của thầy Dũng và một số thầy cô của trường TQT là chưa đúng với qui định, Sở đang yêu cầu Phòng Giáo dục Tân Bình phải có hình thức xử lý về vấn đề này”. Theo một số phụ huynh, trong tình hình khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp hiện nay. Cần có những qui định thông thoáng hơn về việc tổ chức các lớp bán trú vệ tinh vì mức đóng góp phù hợp với thu nhập của bà con. Các cơ quan quản lý giáo dục cần phải quan tâm hỗ trợ về mặt pháp lý cũng như chuyên môn ngay từ đầu. Tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra cho phụ huynh lẫn HS mà nhà trường bảo rằng không biết. |